FPT Edu - Tin tức chung

Sinh viên FPT Edu làm đồ án tốt nghiệp về Internet kết nối vạn vật

16/05/2019
Nghiêm Mai Linh
764

Trước sự phát triển nhanh chóng của xu hướng Internet kết nối vạn vật trong cuộc cách mạng 4.0, nhóm sinh viên trường Đại học FPT- FPT Edu đã bắt tay thực hiện đồ án tốt nghiệp mang tên “IoT Framework For Industry” (IoT Framework cho các ngành công nghiệp) nhằm tạo lập nền tảng IoT giúp người dùng dễ dàng ứng dụng công nghệ này hơn trong thực tế.

Năm 2018, Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSMA) đã đưa ra báo cáo với nhận định: Internet vạn vật (IoT) là thị trường vô cùng tiềm năng trong những năm tới, giúp tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 23,14 tỷ thiết bị được kết nối. Con số này sẽ tăng lên 30,73 tỷ vào năm 2020 và 75,44 tỷ vào năm 2025 (số liệu từ IHS).

Sự bùng nổ về số lượng thiết bị, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp, dẫn đến nhu cầu bức thiết cần có một nền tảng IoT ổn định để kiểm soát và kết nối chúng.

Xuất phát từ thực tế đó, nhóm 3 bạn sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH FPT gồm Vũ Văn Chín, Nguyễn Thành Chinh, Phạm Thanh Tùng đã nghiên cứu và cho ra đời “khung” IoT (Framework IoT). Sản phẩm này giúp cho người dùng có thể quản lý, xây dựng cấu hình và thiết lập các chức năng của một hệ thống thiết bị được kết nối chỉ bằng các động tác kéo thả các khối code (block code).

Ảnh 1: Mô hình chạy thử sản phẩm của nhóm trong lễ bảo vệ đồ án.

“Các thao tác vận hành đơn giản nên chỉ cần người dùng biết lập trình ở mức cơ bản là đã có thể sử dụng được” - Nguyễn Thành Chinh cho biết.

Quy trình vận hành gồm 4 bước: Bước 1: Người dùng kéo thả các khối code; Bước 2: Tạo code từ các khối code; Bước 3: Code được gửi đến máy chủ; Bước 4: Máy chủ xây dựng firmwares (phần mềm có khả năng kiểm soát dữ liệu trên các thiết bị) từ các code và gửi đến các thiết bị trong mạng lưới.

Chia sẻ về quá trình thực hiện đồ án Chinh cho biết, nhóm phải thực hiện tất cả các phần từ phần cứng đến phần mềm nên công việc tương đối nhiều và phức tạp. Riêng phần cứng, nhóm nhiều lần phải gỡ ra hàn lại cho đến khi sản phẩm hoạt động ổn định mới thôi.

Trong buổi bảo vệ đồ án, nhóm đã cho chạy thử sản phẩm trên mô hình phân loại các viên bi theo màu (bi xanh, bi đỏ). Kết quả cuối cùng cho thấy sản phẩm chạy ổn định và chính xác.

Các thành viên trong nhóm cũng cho biết sản phẩm có nhiều ứng dụng trên thực tế, đặc biệt là trong thiết kế nhà thông minh (smart home), điều khiển và giám sát hệ thống công nghiệp, vận hành các tổ hợp máy móc,…

Ảnh 2: Nhóm thuyết trình về sản phẩm

Trong buổi bảo vệ đồ án, nhóm nhận được những nhận xét, góp ý của Hội đồng bảo vệ về sản phẩm. Dựa theo đó, trong tương lai, Chín, Chinh và Tùng dự định sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm theo các hướng: chỉnh sửa giao diện cho đơn giản và thân thiện hơn với người dùng; nâng cao khả năng hoạt động trong môi trường sản xuất công nghiệp khắc nghiệt; đồng thời tích hợp thêm các chức năng như điều khiển giọng nói hoặc trí tuệ nhân tạo cho ứng dụng.

Nguyễn Hải

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

764

Nhân vật