Học tập khác biệt

“Giáo viên ảo” trong “Lớp học vô cực” của cô và trò THPT FPT

10/12/2019
Ngô Ngọc Trâm
7592

Cùng với cựu học sinh của mình, cô Lê Vân Anh (GV Địa lý, THPT FPT) đang từng bước nghiên cứu và thực hiện dự án “giáo viên ảo” ứng dụng Học máy (Mearchine Learning) và AI (Trí tuệ nhân tạo). Hai cô trò chia sẻ dự án này tại FPT Educamp 2019 với mong muốn nhận được sự hỗ trợ về công nghệ để sớm ứng dụng sản phẩm này trong quá trình học cùng trải nghiệm cho học sinh tại THPT FPT.

Cô Lê Vân Anh luôn mong muốn một ngày có nhiều hơn 24 giờ để cô có thêm thời gian hỗ trợ học sinh của mình học cùng trải nghiệm, nhất là trong môn Địa lý. Còn Lê Việt Dũng (cựu học sinh K3, THPT FPT) chia sẻ rất thích môn Địa lý nhưng những kiến thức chỉ “vào đầu” anh chàng này khi được trình bày dưới dạng hình ảnh hoặc âm thanh. Băn khoăn của hai cô trò vô tình gặp nhau và ý tưởng về một giáo viên Địa lý “ảo” có thể hỗ trợ học sinh mọi lúc mọi nơi bằng việc đưa ra những kiến thức chính xác, được thể hiện sinh động dưới dạng infographic video đã ra đời.

Cô Lê Vân Anh chia sẻ về mô hình "Lớp học vô cực" phục vụ quá trình học cùng trải nghiệm cho học sinh tại FPT Educamp 2019
Cô Lê Vân Anh chia sẻ về mô hình "Lớp học vô cực" tại FPT Educamp 2019 trong đó có giáo viên "ảo" ứng dụng Học máy và Trí tuệ nhân tạo

Cô Lê Vân Anh phát triển ý tưởng và chịu trách nhiệm xây dựng bài giảng với kiến thức chuẩn theo SGK của Bộ Giáo dục – Đào tạo còn Việt Dũng là người làm nên các infographic video và tìm tòi công nghệ hiện thực hóa ý tưởng độc đáo này. “Mình tìm đến IBM Watson để dựng người giáo viên “ảo” này. Đây là chương trình phần mềm ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo) do IBM phát triển với mục đích đưa ra lời đáp cho các câu hỏi bằng ngôn ngữ tự nhiên. Người làm sản phẩm không cần phải biết lập trình quá sâu, người dùng cũng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm hơn. Một ưu điểm khác của IBM Watson đó là cho phép sử dụng trực tuyến, miễn phí.” Dũng chia sẻ khi cậu và cô giáo của mình đem dự án này đến FPT Educamp 2019 chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục” vào ngày 8/12 vừa qua.

Cô Vân Anh và Dũng có thể “dạy” người giáo viên “ảo” này những kiến thức chuẩn theo SGK và giáo viên “ảo” sẽ “dạy” lại học sinh những kiến thức đó. Thay vì phải tự mày mò tìm hiểu kiến thức, đôi khi không biết thông tin nào chính xác, với giáo viên “ảo, học sinh như có thêm một người hỗ trợ mọi lúc mọi nơi. Công việc giảng dạy của giáo viên phổ thông như cô Vân Anh vì thế cũng vơi bớt áp lực về mặt thời gian. Ý tưởng truyền đạt kiến thức qua infographic video cũng là một sáng tạo của cô và trò THPT FPT. Nhờ đó, những thông tin và con số khô khan về địa lý sẽ được “hình ảnh và âm thanh hóa” trở nên gần gũi, dễ hiểu và phù hợp với tâm lý tiếp nhận của các bạn trẻ hiện nay.

Việt Dũng chia sẻ về sản phẩm giáo viên "ảo" áp dụng trong quá trình học cùng trải nghiệm cho học sinh
Việt Dũng chia sẻ về sản phẩm giáo viên "ảo"

Cô Vân Anh và bạn Việt Dũng đã demo sản phẩm ngay tại phiên chia sẻ ở FPT Educamp 2019. Tuy nhiên, thật tiếc, sản phẩm không chạy thử trơn tru như mong đợi. Nguyên nhân mà Dũng đưa ra đó là mã nguồn mở không ổn định. Bản thân cậu không có kiến thức sâu về công nghệ thông tin nên cũng chưa có phương án giải quyết hạn chế này của sản phẩm. “Tôi mong muốn sau khi chia sẻ tại FPT Educamp 2019, dự án giáo viên “ảo” có thể nhận được hỗ trợ về công nghệ từ phía FPT Education, Tập đoàn FPT để một ngày gần đây sản phẩm ứng dụng được vào thực tế.” cô Vân Anh xúc động chia sẻ.

Ngoài dự án giáo viên “ảo”, đến với FPT Educamp chủ đề “Chuyển đổi số”, cô Vân Anh cũng chia sẻ nhiều thông tin xoay quanh quá trình số hóa việc dạy,  học cùng trải nghiệm môn Địa lý ở THPT FPT. Những phần mềm hỗ trợ học tập mà cô đưa ra giúp giáo viên kiểm tra bài cũ, học nhóm với học sinh hay họp phụ huynh hoàn toàn trực tuyến và miễn phí nhận được nhiều quan tâm của người tham dự phiên thảo luận.

FPT Educamp là hội thảo mở được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) tổ chức hàng năm để kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FPT Edu nói riêng. Là một tổ chức học tập, FPT Edu mong muốn tất cả những người tham gia đều có thể chia sẻ tích cực bằng các tham luận, câu hỏi, tranh luận, đóng góp ý kiến bên lề hội thảo chứ không chỉ dừng ở việc ngồi nghe.

Trở lại ở năm thứ 6, hội thảo năm nay với chủ đề “Chuyển đổi số trong Giáo dục” là một trong những hoạt động chào mừng 20 năm thành lập Tổ chức Giáo dục FPT. Hội thảo đã diễn ra trọn vẹn trong ngày 8/12 với phần trình bày tham luận của 62 diễn giả, 2 keynote và đông đảo người tham dự.

 

Ngọc Trâm

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

7592

Nhân vật