FPT Edu - Tin tức chung

Trường Tiểu học và THCS FPT triển khai phương pháp dạy online độc đáo mùa dịch

20/02/2020
Hà Hải Ngân
3342

Trước những trăn trở về phương pháp dạy học từ xa trong mùa dịch, vừa giúp truyền đạt kiến thức lại vừa giúp tạo hứng thú cho các em học sinh, các giáo viên trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy đã kì công thiết kế những video dạy học online vô cùng trực quan và sinh động.

Trước thực tế học sinh phải nghỉ học dài ngày vì ảnh hưởng của bệnh dịch COVID-19, các thầy cô giáo Trường Tiểu học và THCS FPT đã có rất nhiều trăn trở về phương pháp giảng dạy từ xa trong thời điểm hiện tại. Và sau thời gian ấp ủ cũng như thảo luận, những video dạy học online  được ra đời với sự tham gia của chính các thầy cô đang giảng dạy tại trường.

Nói về việc thực hiện những video dạy học online, các thầy cô tại FSC Cầu Giấy đều có chung quan điểm việc này là biên pháp cần thiết trong tình hình hiện nay. Khi các bạn học sinh nghỉ ở nhà một thời gian dài nếu không duy trì hoạt động học tập tại nhà sẽ khiến học sinh quên mất các kiến thức đã học, mất dần thói quen học tập, khi quay trở lại trường sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng lại. Chính bởi vậy, dù đối với các môn nghệ thuật, việc làm các video này là ko bắt buộc, nhưng các thầy cô vẫn thực hiện vì muốn tạo ra sự phong phú cho các môn học tại nhà của học sinh thay cho hình thức ghi chép hay làm bài tập truyền thống. Thông qua video, các bạn có thêm một lựa chọn khi muốn thay đổi không khí học tập, và cũng muốn tạo một kết nối online giữa thầy và trò.

Môn học đầu tiên được áp dụng phương pháp dạy học qua video là môn âm nhạc. Theo đó, các thầy cô sẽ cho học sinh nghe bài hát được dạy rồi hát mẫu, đệm đàn, hướng dẫn và lưu ý các em về những lỗi thường gặp khi tập luyện. Video đầu tiên được sản xuất là bài hát “Bài ca tôm cá” do cô giáo Đinh Vũ Hoài Nga và thầy Hưng Nguyễn trực tiếp tham gia hướng dẫn.

Video dạy học môn Âm nhạc do cô giáo Đinh Vũ Hoài Nga và thầy Hưng Nguyễn - Trường Tiểu học và THCS FPT trực tiếp hướng dẫn

Chia sẻ về ý tưởng sản xuất video dạy học từ xa, cô Đinh Vũ Hoài Nga cho biết: “Ý tưởng làm một bộ những video dạy học online chị đã ấp ủ từ khá lâu rồi, cũng xuất phát từ mục tiêu “chuyển đổi số trong giáo dục” mà FPT Edu đã đặt ra. Đối với môn nghệ thuật thì đó thực sự là một thách thức vì có những đặc thù của môn học cần đến sự tương tác trực tiếp, không thông qua ứng dụng hay phần mềm được, tuy nhiên chị vẫn muốn cố gắng thử làm một điều gì đó. Có thể nó chưa hẳn là “chuyển đổi số” nhưng cũng ứng dụng được công nghệ vào môn học và giúp học sinh có thêm một phương pháp tiếp cận khác với các môn nghệ thuật”.

Điều đặc biệt là để có thể thực hiện được một video hướng dẫn đủ chi tiết và chất lượng gửi tới các em học sinh, các thầy cô đã phải tập làm quen với rất nhiều điều mới. Vì không chuyên nên các thầy cô phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tải được ứng dụng, học cách sử dụng, rồi làm quen với việc lên kịch bản như thế nào cho hợp lý, tốc độ dạy như thế nào là phù hợp…. Ngay cả những chiếc laptop thường ngày chỉ đủ cấu hình để soạn thảo giáo án, nay lại được dùng để dựng video, khiến nhiều khi đang chỉnh sửa thì ứng dụng lại tự thoát ra và gần như phải làm lại từ đầu.

Cô giáo Đinh Vũ Hoài Nga cũng tâm sự: “Dù đã quen với việc đứng trước một lớp 30 học sinh nhưng khi quay clip thì không hiểu sao lại bồn chồn lo lắng, nhiều khi không nói nên lời, kịch bản đều quên sạch. Nếu trước đó chị nghĩ chỉ một ngày là quay xong tất cả các môn, thì bây giờ mỗi ngày mỗi người chỉ kịp hoàn thành được 1 môn học, và đêm về các thầy cô lại cặm cụi sửa video để kịp up bài cho đúng lịch”.

Dù để sản xuất một video dạy học online khá vất vả nhưng cũng theo các thầy cô giáo dạy âm nhạc online gặp phải rất nhiều khó khăn. Âm nhạc là môn cần nhiều sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò để mang lại hiệu quả. Đặc biệt là việc phát hiện và sửa lỗi sai cho học sinh. Mỗi em học sinh, với đặc điểm riêng biệt sẽ dễ gặp những lỗi sai khác nhau mà đôi khi các thầy cô không thể lường trước được, mà chỉ có thể phát hiện khi nghe các em hát thực tế. Bởi vậy, việc dạy nhạc vẫn bắt buộc dạy theo hình thức truyền thống, các video online hiện nay chỉ là một giải pháp tình thế, một công cụ hỗ trợ thêm chứ không thể thay thế được sự tương tác giữa thầy và trò.

Tuy nhiên, chị Hoài Nga cũng cho biết ý tưởng về việc tiếp tục triển khai sản xuất những video dạy học online như thế này, ngay cả sau khi học sinh được phép quay trở lại trường sau thời điểm dịch cũng là một ý tưởng hay. Nó giúp nhắc lại cho học sinh bài học trên lớp, giúp phụ huynh tiếp cận được kiến thức mà học sinh đã học một cách rõ ràng nhất. Tuy nhiên, làm cách nào để duy trì được việc này cũng cần phải có phương án, vì để tạo ra một video dạy học online thực sự cần tập trung nhiều thời gian và công sức.

Hiện tại, sau khi video dạy nhạc đầu tiên được sản xuất và gửi tới học sinh, các thầy cô của FSC Cầu Giấy đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các em học sinh. Nhiều video báo cáo được các em gửi về với sự hồ hởi và hợp tác tích cực.

Em Nguyễn Gia Bảo - Học sinh lớp 2A6 Trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy học hát theo video hướng dẫn

Với kết quả tích cực bước đầu đó, hiện tại các thầy cô tổ bộ môn của Trường Tiểu học và THCS Cầu Giấy đang tiếp tục sản xuất những video dạy học online tiếp theo cho các môn như Võ Vovinam, Mỹ thuật và Âm nhạc…

Hải Ngân

3342

Nhân vật