FPT Edu - Tin tức chung

Chuyện “đi làm” ngay tại nhà trong mùa dịch của người FPT Edu

06/04/2020
Trần Thị Mai
2247

Đã hơn 2 tháng kể từ ngày COVID-19 xuất hiện, giống như mọi nơi, công việc và cuộc sống của các cán bộ giảng viên FPT Edu có nhiều thay đổi đáng kể. Bằng tinh thần "làm tốt nhất phần mình, mong điều tốt cho cộng đồng", mỗi cán bộ giảng viên FPT Edu lại có cách sáng tạo riêng để mỗi ngày làm việc mùa Covid là một trải nghiệm tích cực. 

"Con sẽ học nhiều bài, con yêu cô và yêu các bạn"

Đó là lời nhắn trong bức thư mà cô bé Đài Trang (lớp 1A4, trường Tiểu học & THCS FPT, Đà Nẵng) nhờ ba mẹ chụp lại rồi gửi cho cô giáo. Hai tháng nay, để tìm ra cách thức dạy học trực tuyến hiệu quả cho các bé, những thầy cô giáo cấp 1, cấp 2 tại FPT Edu vất vả không kém những thầy cô dạy các bậc học cao hơn.

Khác với những học sinh, sinh viên bước vào độ tuổi trưởng thành, các bạn nhỏ ở độ tuổi này chưa có nhiều trải nghiệm với phương pháp học online. Vì vậy, để học trò có thể bắt nhịp và thấy hứng thú với phương pháp học mới, các thầy cô phải điều chỉnh giáo án sao cho thật phù hợp với việc học trực tuyến giúp các em học cùng trải nghiệm. Muốn động viên tinh thần cho các học trò, các thầy cô trường Tiểu học & THCS FPT (Đà Nẵng) đã nghĩ ra cách gửi thư cho từng bạn nhỏ để khuyến khích các bạn cố gắng học tập. Đặc biệt là, không thư của học trò nào giống nhau. Mỗi bức thư đều là lời thầy cô viết riêng cho từng bạn, bất kể số lượng học trò của mỗi thầy cô nhiều vô kể.

Học sinh chia sẻ về quá trình học cùng trải nghiệm trong mùa dịch
Đây là bức thư cô giáo Nguyễn Thị Kiều Trinh (TH-THCS FPT Đà Nẵng) gửi cho một học trò lớp 2 để giao bài tập. Trong bức thư, cô Trinh đã dành nhiều lời khen để cổ vũ học trò Khánh Giang.
Học sinh chia sẻ về quá trình học cùng trải nghiệm trong mùa dịch
Không chỉ học sinh mới tỏ ra hào hứng với hoạt động này, mà phụ huynh cũng rất vui vẻ khi đọc được thư và nhanh chóng khoe nội dung bức thư lên mạng xã hội.
Học sinh chia sẻ về quá trình học cùng trải nghiệm trong mùa dịch
Sau khi nhận được thư động viên từ các thầy cô, các học sinh đã thích thú viết thư hồi đáp hoặc nhờ phụ huynh gửi thư điện tử cảm ơn thầy cô giáo.

"Đi dạy" mùa Covid là phải khác lạ

Không chỉ vừa dạy vừa dỗ để động viên tinh thần của học sinh trong mùa dịch, các thầy cô giáo cấp tiểu học tại FPT Edu cũng đã áp dụng những cách dạy đặc biệt để quản lý học sinh hơn thuận tiện và hiệu quả hơn. Thầy cô quyết định chia mỗi lớp học ra thành nhiều nhóm học sinh nhỏ. Thay vì dạy cả lớp, giáo viên sẽ dạy thành nhiều ca, mỗi ca chỉ dạy khoảng 5 học sinh để theo dõi độ hiểu bài của các bạn. Nhờ cách học theo từng nhóm nhỏ như thế này, tất cả học sinh có cơ hội được trình bày và tương tác với thầy cô, học cùng trải nghiệm thú vị nhờ vậy mà tinh thần học cũng cao hơn hẳn.

Với học sinh cấp 2, các thầy cô FPT Edu cũng phải "mày mò" để tìm ra các cách học tạo nhiều hứng thú nhất có thể. 

Cho học sinh tham gia trả lời câu hỏi về bài học thông qua một trò chơi online cũng là cách hiệu quả mà các thầy cô Tiểu học & THCS FPT tại Đà Nẵng đang thử áp dụng. Bằng một phần mềm sẵn có mang tên "Quizizz: Play to Learn", thầy cô có thể tự tạo ra các câu hỏi và kiểm tra kiến thức của học sinh bằng cách cho học sinh tham gia trò chơi trực tiếp trên màn hình máy tính hoặc điện thoại. Sau khi học sinh hoàn thành các câu hỏi, phần mềm này sẽ tự chấm điểm và xếp hạng học sinh theo số câu trả lời đúng.

Ứng dụng học cùng trải nghiệm cho học sinh
Phần mềm thầy cô FPT Edu sử dụng để kiểm tra kiến thức của học sinh có giao diện hấp dẫn, khiến học sinh thấy hứng thú khi được vừa học vừa chơi.

Để thu hút học trò học tập một cách tích cực, mỗi giáo viên đều có cách của riêng mình. Với thầy Phạm Văn Lương (Tiểu học & THCS FPT Đà Nẵng), thay vì dùng những phần mềm hỗ trợ việc dạy học trực tuyến như Quizizz và Kahoot, thầy lại đưa ra những cách học cùng trải nghiệm khá mới mẻ và truyền cảm hứng khi dạy Văn cho học sinh cấp hai: "Mình thường cho học sinh thử nhắm mắt tắt đèn để quay về với tâm trí; hay cho các em được đối thoại với nhân vật game, người nổi tiếng, idols... khi học bài tưởng tượng. Mình nghĩ đổi mới phương pháp học không hẳn là phải chạy theo công nghệ quá nhiều". Bằng những ý tưởng dạy học độc đáo này, tiết học Văn của thầy Lương thêm rộn rã tiếng cười giúp học sinh học cùng trải nghiệm tuyệt vời. Thầy cũng đã thành công khi khơi gợi được niềm cảm hứng học tập từ nhiều học sinh.

Cũng sáng tạo việc dạy học với một phong cách rất khác lạ, thầy Nguyễn Thế Hoàng (giảng viên ĐH FPT TP. HCM) là "sư thầy" dạy trực tuyến đang tạo "sóng thần" trong lòng nhiều sinh viên. Trước đây, mỗi khi lên lớp thầy Thế Hoàng nổi tiếng vì có cách "mắng" sinh viên rất nghệ thuật. Không biết thầy "mắng" kiểu gì mà sinh viên càng nghe càng thấy thích. Kể từ ngày chuyển sang học trực tuyến, thầy cũng không bỏ qua chiêu "mắng" để thu hút sinh viên này của mình. 

Những bài học cùng trải nghiệm thú vị từ thầy giáo Nguyễn Thế Hoàng
Gần đây, bài "mắng" của thầy Nguyễn Thế Hoàng được sinh viên FPT Edu lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, hiện video đã nhận được gần 60 ngàn lượt xem.

Thực chất, bài "mắng" này được ra đời khi thầy Hoàng phát hiện việc học online khiến cho nhiều sinh viên không tập trung và nhanh buồn ngủ. Ngay khi ấy, thầy đã sáng tác ngẫu hứng một bài "mắng" được lồng ghép kiến thức liên quan đến môn học và những lời khuyên hữu ích thầy gửi đến sinh viên trong giai đoạn học trực tuyến này. Quả thật, bài giảng sáng tạo kiểu này của thầy Hoàng đã khiến sinh viên được học cùng trải nghiệm rất thú vị. Theo dõi đoạn video sẽ thấy, sinh viên của thầy Hoàng đã không ngớt tán thưởng bài của thầy "hay quá!" và nhiều bạn còn đòi thầy "mắng" tiếp để nghe cho sướng tai.

Học trực tuyến, dạy trực tuyến thì làm cũng trực tuyến mới không lạc quẻ

Tại trường THPT FPT (Hoà Lạc), chị Lương Thị Trà My vẫn đang triển khai công việc khá thuận lợi dù chuyển hình thức sang làm online. Chị My cùng các cán bộ phòng PDP – THPT FPT đang thực hiện một số dự án lớn trong giai đoạn này, trong đó có dự án “Bức thư chiều thứ 6” cùng clip có sự tham gia của gần 20 giáo viên và học sinh của trường. Gặp gỡ học sinh và đồng nghiệp để làm việc trực tiếp là không thể nên chị cùng với ekip đã phải dịch chuyển toàn bộ công việc qua trực tuyến. Thay vì đến gặp gỡ nhân vật để ghi hình, ekip để thầy cô và học sinh tự chủ động quay tại nhà với những hướng dẫn thật chi tiết.

Dù làm việc từ xa khiến việc giao tiếp trở nên mất thời gian và phát sinh nhiều công việc hơn, thế nhưng sự phối hợp và ủng hộ nhiệt tình của học trò, đồng nghiệp đã giúp công việc của chị My trôi chảy. "Mình không ngán việc. Thứ nhất là, dạy trực tiếp hay dạy online thì với mình đều có những niềm vui riêng. Thứ hai là, xung quanh mình luôn có những đồng nghiệp nhiệt tình hỗ trợ nên mình biết dù công việc khó và nhiều đến mấy thì mình cũng có thể hoàn thành", chị My tâm sự.

Bí kíp học cùng trải nghiệm mùa dịch
Tiết lộ "hậu trường" thực hiện video từ xa của chị Trà My và các học sinh, đồng nghiệp: Họp bàn bằng cách chat nhóm và việc quay phim được chính các diễn viên nghiệp dư thực hiện.

Không riêng chị Trà My, nhiều cán bộ FPT Edu đã triển khai và thích nghi với cách làm việc trực tuyến. Chị Nguyễn Thuý Châm – Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp tại ĐH FPT (Hà Nội) chia sẻ: "Ban đầu, khi mới chuyển sang làm online, các cán bộ có thể dễ bị phân tâm vì những yếu tố liên quan đến môi trường xung quanh. Nhưng sau một thời gian, mỗi người sẽ tự có cách để cải thiện hiệu suất làm việc của mình. Thời buổi này, theo mình, trừ một số công việc đặc thù ra thì cứ có mạng là làm việc được hết".

Những ngày qua, người FPT Edu đã nỗ lực để vượt khó, tìm ra những cách làm việc online hiệu quả và truyền cảm hứng. Mỗi ngày "đi dạy", "đi làm" trực tuyến trong mùa dịch vì thế mà không trở thành vấn đề khó khăn. Ngược lại, nhờ tinh thần sẵn sàng đối mặt và thay đổi, người FPT Edu đã có thể tận dụng khoảng thời gian này một cách có ích và khiến mỗi ngày trôi qua đều lạc quan, tích cực hơn. 

Tinh thần học cùng trải nghiệm mùa dịch

Mai Mai

Tổ chức Giáo dục FPT

2247

Nhân vật