FPT Edu - Tin tức chung

SV Kinh tế FPT gợi ý giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu gạo thời Covid: trong “nguy có cơ”

08/09/2020
Vũ Thị Ngọc Ánh
2356

Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay đã và đang có bước phát triển mạnh cả về quy mô và mức độ hiện đại, nhưng đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Đây cũng là một trong những nội dung có trong đồ án của nhóm sinh viên ĐH FPT mang đến lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp kỳ Summer 2020 nhằm đưa ra những giải pháp hữu ích cho hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam ra thị trường thế giới qua quá trình tìm tòi học cùng trải nghiệm tại FPTU.

Năm 2020, giữa thời điểm dịch Covid-19, trong khi các đối thủ như Thái Lan gặp vấn đề về giá đồng Bath tăng, Ấn Độ gặp vấn đề về logistics và lũ lụt, Việt Nam với lợi thế giao hàng nhanh và nguồn cung dồi dào đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới trong 7 tháng đầu năm 2020. Chính vì thế, nhóm SV gồm: Nguyễn Thị Lệ Giang, Vũ Duy Long, Cam Thuý Hằng và Lê Ngọc Trâm đã chọn đề tài này để có thể phân tích cũng như đưa ra các giải pháp phù hợp giúp người nông dân có được thu nhập ổn định và tốt hơn; đồng thời tạo đà giúp gạo Việt Nam xuất khẩu bền vững hơn trong trong thị trường ASEAN+3 nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu lớn do Covid-19 và EVFTA mới có hiệu lực từ 1/8/2020 mang lại rất nhiều cơ hội phát triển cho gạo Việt Nam.

Buổi bảo vệ đồ án của nhóm.
Buổi bảo vệ thu hút đông đảo sự tham gia của thầy cô, phụ huynh và các sinh viên

Nhóm chia sẻ quá trình vừa học cùng trải nghiệm thú vị khi làm đồ án.

Lệ Giang – thành viên nhóm chia sẻ, “Gạo vốn là một sản phẩm có tính đặc thù rất cao bởi đây là sản phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất của con người. Với khí hậu thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam được biết đến là một trong những nước xuất khẩu gạo thuộc top đầu trên thế giới về sản lượng. Tuy nhiên, chất lượng và thương hiệu gạo của Việt Nam chưa được cao khiến cho thu nhập của người nông dân chưa ổn định và làm mất đi giá trị tiềm năng vốn có. Trong hơn 150 quốc gia Việt Nam xuất khẩu sang, thị trường ASEAN+3 là một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất nhưng chưa có đồ án nào nghiên cứu về thị trường này chuyên sâu. Trên thực tế, số liệu các bài nghiên cứu về xuất khẩu gạo nói chung ở Việt Nam và trên quốc tế đều chưa nhiều, nếu có thì số liệu cũng thường là từ 3-4 năm trước và đã không còn tính thời sự. Chính vì vậy, với các nghiên cứu trong đồ án này nhóm sẽ đưa ra những giải pháp khả thi để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo tại Việt Nam”.

Nhóm đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các nước ASEAN+3 trong 15 năm, từ 2005-2019. Trong đồ án này, nhóm sử dụng Gravity model và dùng Stata 14.0 để phân tích số liệu thứ cấp được lấy từ các nguồn dữ liệu mở uy tín như World Bank, UN Comtrade, vv. Từ đó, nhóm tìm hiểu các nhân tố định lượng, định tính gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu gạo tại Việt Nam để đưa ra các giải pháp như: Kết nối chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp, thực hiện canh tác theo cánh đồng lớn, sản xuất theo nhu cầu người mua chứ không phải sản xuất rồi mới bán, thực hiện OCOP để tăng đặc trưng và vị thế gạo của từng địa phương. Song song với đó, nâng cao cơ sở vật chất hạ tầng, cải thiện chuỗi cung ứng, tăng việc ứng dụng khai thác các sàn thương mại điện tử như Amazon…Kết quả này sẽ là một tham khảo hữu ích cho những doanh nghiệp, người hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông nghiệp, người làm chính sách… để xây dựng và phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Với tính khả thi này, đồ án của nhóm đã được Hội đồng chấm đánh giá cao và ngợi khen.

Đồ án của nhóm được đánh giá cao.
Đồ án của nhóm đã nhận được đánh giá cao từ Hội đồng phản biện

“Chẳng chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió” có lẽ là tinh thần chung của mỗi nhóm sinh viên trong kỳ bảo vệ đồ án, nhóm của Giang cũng vậy. Trong quá trình thực hiện vừa học cùng trải nghiệm, nhóm đã gặp khó khăn khi tìm hiểu về model Gravity bởi đây là mô hình thường được sử dụng trong các bài nghiên cứu ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ, vì vậy với sinh viên đây là thử thách lớn. Để tăng tính khả thi của đồ án, các nghiên cứu cần có số liệu chứng thực cụ thể nên việc tìm số liệu và xử lý số liệu cũng gặp nhiều trắc trở. Số liệu cần có trong đề tài mang tính cập nhật đến năm 2019 cho đủ 11 nước được nghiên cứu trong khối ASEAN+3 nhưng tháng 6/2020 mới chỉ có số liệu của năm 2018. May mắn thay đến đầu tháng 7 vừa qua, UN Comtrade và World Bank cập nhật tất cả các số liệu năm 2019 lên trên website nên nhóm đã hoàn thành đồ án một cách trọn vẹn.

“Thực hiện đồ án trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19, tuân thủ đúng quy định giãn cách xã hội của Chính phủ đồng nghĩa với việc các thành viên trong nhóm phải tự chủ động nghiên cứu và xử lý phần việc của mình theo phân công trước đó. Không những thế, mỗi thành viên đều có những dự án riêng nên khối lượng công việc dường như tăng gấp 2, 3 lần trong khoảng thời gian này. Tuy có nhiều lúc cũng căng thẳng nhưng cả nhóm đã nỗ lực hoàn thành đồ án xong trước 1 tháng, thời gian còn lại nhóm dành để kiểm tra lại các thông tin, làm slides, tập luyện thuyết trình. Để có được kết quả này, nhóm rất cảm ơn cô Cung Thị Ánh Ngọc – giảng viên hướng dẫn nhóm và các thầy cô trong trường đã tạo điều kiện, nhiệt tình hỗ trợ trong suốt 4 tháng qua”, Lệ Giang cho biết thêm.

Nhóm gửi lời tri ân đến giảng viên hướng dẫn.
Nhóm dành món quà tri ân sâu sắc tới giảng viên hướng dẫn – người đã đồng hành cùng nhóm suốt 4 tháng làm đồ án vừa qua

Với nhóm, dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức lớn nhưng cũng mang đến những cơ hội để được học cùng trải nghiệm lớn để mỗi cá nhân đổi thay và phát triển. Đúng như câu “trong nguy có cơ”, nếu như nhóm tận dụng khoảng thời gian giãn cách để thực hiện đồ án thì những giải pháp mà nhóm đưa ra cũng sẽ là cơ hội để hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới và giữ vị trí vững bền.

Ngọc Ánh

 
2356

Nhân vật