FPT Edu - Tin tức chung

Bật mí phương pháp học độc lạ của chủ nhân Huy chương Vàng Olympic tiếng Nhật

23/10/2018
Vũ Thị Ngọc Ánh
3685

“Không ai tạo ra giá trị của bạn, chính bản thân bạn tạo ra giá trị của mình” là câu châm ngôn được cô sinh viên K11 ngành Ngôn ngữ Nhật – Nguyễn Thị  Huyền Trang lấy làm kim chỉ nam trong suốt quá trình học tập. Đặc biệt, với phương pháp học độc lạ chẳng giống ai, mới đây Huyền Trang đã gặt hái được thành tích “khủng” tại cuộc thi Olympic tiếng Nhật miền Bắc lần I.

Xuất phát từ điểm số 0 lên số 10

Có thể nói FPT Edu là cái duyên không định trước nhưng lại “đúng trường, đúng thời điểm” của Huyền Trang. Trước đây Trang đã từng học 2 trường đại học Việt Nam: ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Nông nghiệp. Ở cả hai ngôi trường này, Trang đều không tìm thấy niềm đam mê và hứng thú học tập. Chính vì vậy cô đã quyết định bỏ học. Không giấu nổi bố mẹ chuyện tự ý bỏ học, Trang đã nói sẽ thi vào ĐH FPT để bố mẹ yên tâm. Thực ra với cô khi ấy, FPT Edu chỉ là lời chống chế khi chưa có hướng đi rõ ràng. Nhưng “bút sa gà chết”, lời đã nói ra không thể rút lại, Trang đành liều lĩnh nộp hồ sơ đăng ký ngành Ngôn ngữ Nhật tại FPT Edu. Cơ duyên thế nào, cô lại trúng tuyển và chính thức thành viên của gia đình màu cam.

"Nếu là Trang, mọi chuyện đều nên" là câu nói của cô Ikeda - giảng viên tiếng Nhật ĐH FPT khuyến khích và động viên Huyền Trang.

Ngôn ngữ Nhật không phải là thế mạnh của Trang, thậm chí lúc mới vào trường cô còn chẳng có tí kiến thức gì về tiếng Nhật. Thế nhưng cô vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình, bởi đơn giản cô nghĩ, “Trước không biết thì giờ học sẽ biết. Con đường đi đến số 10 đều có vạch xuất phát từ số 0. Mình sẽ đi lên từ con số 0.” Với lòng quyết tâm ấy, Trang đã nỗ lực không ngừng để chinh phục bộ môn tiếng Nhật. Luôn chọn ngồi một mình một bàn vì không muốn bị ảnh hưởng bởi mọi việc xung quanh, Trang dành 100% cho việc tập trung nghe giảng và note lại những từ keyword, cụm từ hay vào sổ. 

Với Trang, kiến thức chỉ thực sự thuộc về mình khi mình hiểu nó. Vì vậy, sau mỗi giờ học trên lớp Trang đều dành 4 thời điểm từ 30p đến 1h trong ngày để ôn lại bài. 1h đầu tiên là ngay sau khi kết thúc tiết học trên lớp, dù cho bận rộn Trang cũng không bỏ qua 1h này để ôn lại bài học. Tiếp đó Trang sẽ chia nhỏ các thời gian ôn và học bài vào chiều, tối và sáng hôm sau.

Không những thế, việc tự học tiếng Nhật trên mạng cũng là cách để Trang nâng cao trình độ đọc và nghe. Mỗi khi có gặp khó khăn nếu không thể giải quyết Trang mới nhờ đến thầy cô giáo giải đáp. Cách này giúp thúc đẩy tư duy, tạo sự chủ động mà không ỷ lại vào người khác. Bởi mong chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác thì mãi phải phụ thuộc vào họ. Tự đứng lên từ chính nỗ lực của mình với Trang mới là điều quý giá. 

Với số điểm 717, Nguyễn Thị Huyền Trang đã mang huy chương Vàng về cho FPT Edu tại cuộc thi Olympic tiếng Nhật miền Bắc lần I

“Chủ động đến với kiến thức, kiến thức ắt sẽ tìm đến mình. Ngoài việc tự học, mình cũng nhận công việc dịch thuật cho một công ty xuất khẩu của Nhật. Ngay thời gian đầu, công ty đã yêu cầu 5 ngày phải dịch xong 100 trang. Đây quả thực là công việc áp lực đòi hỏi phải có trình độ tiếng Nhật tốt nhưng mình vẫn nhận công việc này. Mình coi đây là thử thách để đánh giá kiến thức của bản thân. Không biết có phải may mắn hay không nhưng chưa lần nào mình trễ deadline của công ty”, Trang kể.

Cũng nhờ sự chăm chỉ, cần cù, cách học khác lạ và nỗ lực không ngừng mà mới đây Huyền Trang đã đạt thành tích “khủng” khi giành tấm Huy chương Vàng tại cuộc thi Olympic tiếng Nhật miền Bắc lần I. Với số điểm 717, cô nàng đã sở hữu chứng chỉ Chuẩn B của kỳ thi AD J.TEST, được đánh giá là hơn mức độ N1 và hoàn toàn có thể đi công tác và làm việc tại Nhật Bản bất kì lúc nào.

Kẻ lập dị đứng ngoài vòng “mạng xã hội” 

Trên lớp một mình một bàn vì không muốn bị làm phiền khi đang học nên trong mắt một số bạn bè Trang là cô bạn khá khó gần.Thậm chí có bạn gọi Trang là “kẻ lập dị”, nhất là biết cô không dùng mạng xã hội. 

Facebook, Instagram… những trang mạng phổ biến trong giới trẻ lại hoàn toàn xa lạ với cô bạn 9X. Dù nhiều khi bị bạn bè nhận xét như một kẻ lập dị mù mờ đứng ngoài vòng mạng xã hội, Trang vẫn thấy rất ổn. “Bởi mình không dùng mạng xã hội không có nghĩa mình lạc hậu, cổ hủ. Công nghệ 4.0 phát triển như thế nào mình đều cảm nhận thấy. Nhưng sử dụng công nghệ như thế nào lại là câu chuyện riêng của mỗi người. Ở thời điểm này mình muốn tập trung 100% vào việc học tập để tạo tiền đề phát triển sự nghiệp. Mạng xã hội lúc nào tham gia cũng được còn kiến thức và cơ hội thì sẽ không trở lại với bạn 2 lần nếu không chủ động nắm giữ”, Trang bộc bạch.

“Xõa” khi cần thiết

Học tập trên lớp, tự học ở nhà, đi dạy học, nhận dịch sách và đôi khi làm phiên dịch cho Trường mỗi khi có đoàn khách Nhật tới thăm… đã lấp kín các khoảng thời gian, khiến thời gian biểu của cô không còn một khe hở. Với khối lượng công việc lớn và lịch trình kín đặc nên có lúc Trang rơi vào tình trạng stress nặng. Mỗi lúc như thế, không quá gồng mình Trang tự thưởng cho mình một ngày để “xõa”.

Gác lại công việc Trang tạm rời xa phòng KTX xứ Hola và dành một ngày để thỏa mãn tâm hồn ăn uống tại những con phố ẩm thực của Hà Nội. Cũng có khi cô dành thời gian hẹn hò bạn bè đi xem phim. Đây là cách để Trang thư giãn, cho cơ thể nghỉ ngơi và có thêm nguồn cảm hứng. Sau ngày "xõa", Trang sẽ quay trở lại với việc học tập và công việc bằng hiệu suất gấp đôi. Có lẽ nhờ cách này mà Trang cân bằng được mọi việc và đạt kết quả tốt. Đúng như cô chia sẻ: “Nếu là Trang, mọi chuyện đều nên”.

Cô cũng bật mí, “Mình dự định sẽ sang Nhật và dùng tiếng Nhật để học lên Thạc sỹ chuyên ngành Tâm lý học. Nhưng việc quan trọng đầu tiên là vượt qua kỳ tốt nghiệp sắp tới. Hy vọng, mình sẽ có được thành tích cao”.

Tuệ Lâm

3685

Nhân vật