Giải thích về chuyện các trường có đào tạo đại học qua mạng không muốn khoe, ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ: “Quan điểm của các trường đào tạo online, đào tạo từ xa là dành cho những người không thể đến trường, ở vùng sâu, vùng xa và chất lượng của học sinh chưa tốt.
Hình thức này ở nhiều trường đang sống dở, chết dở vì khoe ra trước mọi người biết chất lượng học viên kém thế à!”.
Việc cấp bằng (gồm cả bằng đại học) hệ đào tạo từ xa cũng đã thực hiện từ lâu, tuy nhiên cả các trường và xã hội đang định vị thấp hình thức đào tạo này. “Người ta đang định vị chất lượng tấm bằng hệ từ xa thấp và một khi các trường còn có tư duy là người học hệ đào tạo này kém thì tấm bằng này vẫn bị đánh giá thấp” - ông Nam khẳng định.
Định vị lại tấm bằng từ xa
Với FUNiX, ông Nguyễn Thành Nam và các cộng sự mong muốn định vị lại giá trị của tấm bằng hệ đào tạo từ xa.
“Chúng tôi muốn mọi người hiểu đào tạo online không kém, thậm chí còn hơn các hệ đào tạo phổ biến hiện tại bởi quan trọng là cách học. Chúng tôi chú trọng 3 điểm: Thứ nhất, giáo trình học tốt nhất. Thứ hai, được gặp người hướng dẫn (mentor) là các chuyên gia uy tín ngay từ khi bắt đầu học và thứ ba là học viên tự quyết định được tốc độ học. Đây đang là các vấn đề hiện tại của giáo dục. Sinh viên ra trường hay thậm chí là người đi làm cũng không được gặp gỡ, chia sẻ với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình” - ông Nam cho biết.
Nhìn vào danh sách các chuyên gia của FUNiX, có thể thấy ngay đó là các chuyên gia, lãnh đạo các công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo ông Nam, mô hình này có thể huy động được sự tham gia của các chuyên gia vì họ là những người mong muốn được truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho các thế hệ sau.
Giải thích lý do làm mentor cho FUNiX, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tinh Vân Group Hoàng Tô cho biết: “Tôi không quan tâm tới thù lao mà FUNiX trả, cũng không kỳ vọng có thể tìm kiếm nguồn nhân lực cho Tinh Vân Group từ sinh viên của FUNiX.
Chia sẻ những kiến thức là điều nên làm với tất cả mọi người. Chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn còn quan trọng hơn nữa, nó giúp tạo cảm hứng cho người học và đi đúng đường”.
Về triết lý của FUNiX, ông Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh: “Tại FUNiX, HỌC không quan trọng bằng HỎI, DẠY không quan trọng bằng DỖ; hay nói cách khác, truyền đạt kiến thức không quan trọng bằng cách truyền đạt con đường tìm đến tri thức”.
Chia sẻ quan điểm này, ông Hoàng Tô cho rằng mô hình tạo môi trường truyền cảm hứng cho học tập này có thể áp dụng cho nhiều ngành đào tạo khác nhau. “Hình thức FUNiX thích hợp với tất cả các ngành có sự thay đổi nhanh chóng như công nghệ. Điều quan trọng, FUNiX sẽ giúp các bạn sinh viên hiểu rằng mình phải tự bước trên con đường học vấn, phải liên tục tự trau dồi và khi các bạn ấy học một cách tự giác và thích thú thì bản thân điều đó đã chất lượng hơn mọi ông thầy rồi” - ông Hoàng Tô chia sẻ.
FUNiX mới chỉ khởi động, kết quả còn ở phía trước. Dẫu vậy, triết lý về việc tạo một môi trường truyền cảm hứng và chỉ cho người học con đường học vấn đáng được các cơ sở đào tạo tham khảo.