Educamp 2015: Thấu hiểu và thực tế
Không đặt nặng tính hàn lâm, những chia sẻ tại Educamp năm nay mang đến cho người tham dự nhiều góc nhìn mới, đầy thực tiễn và hướng đến sự thấu hiểu về giáo dục tại FPT nói riêng cũng như bức tranh toàn cảnh của ngành nói chung.
Hiểu thêm về nghề, về trường
Công tác trong một đơn vị giáo dục không chỉ đơn thuần là làm công việc chuyên môn mà còn là quá trình tìm hiểu chính môi trường làm việc để thêm yêu quý, gắn bó với “nghiệp trồng người”. Lần thứ hai tham dự Educamp, anh Nguyễn Tất Trung - Giảng viên CNTT Đại học FPT - đặc biệt tâm đắc với keynote “
Quản trị Đại học như Tổ chức dịch vụ” của TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT.
Anh Nguyễn Tất Trung cho rằng người cán bộ giáo dục không chỉ cần làm tốt chuyên môn mà còn phải thấu hiểu môi trường nơi mình đang công tác.
“Tôi ấn tượng nhất với keynote của anh Tùng bởi dù bàn luận về một vấn đề có tính chuyên sâu, vĩ mô là quản trị Đại học nhưng diễn giả đưa ra nhiều ví dụ thực tiễn về chính Đại học FPT. Bài nói đã cung cấp nhiều thông tin liên quan cụ thể, giúp những giảng viên đang công tác tại trường như tôi hiểu thêm về Đại học FPT, đặc biệt là các chính sách liên quan đến hoạt động tổ chức đào tạo. Đáng quý hơn nữa, những chia sẻ này lại đến từ phía các lãnh đạo cao nhất của trường dành đến cho cán bộ cũng như tất cả những khách mời tham dự Educamp”, anh Trung tâm đắc.
Ngoài ra, anh Trung còn tham dự các bài keynote và diễn thuyết khác. Đã có kinh nghiệm tham dự Educamp nên năm nay, anh không “tham” số lượng dự nghe nhiều mà lựa chọn những chủ đề sát sườn với công việc hiện tại và có thể mang lại lợi ích cho mình. Theo anh, nguyên tắc “hai chân” ở Educamp rất thú vị nhưng người tham dự cũng cần chọn lọc để mỗi giờ phút bỏ ra thực sự mang lại kiến thức cho mình và cũng là cơ hội chia sẻ hiểu biết của mình đến những người khác trong hội thảo.
Đánh giá Educamp 2015 là một diễn đàn mở không nặng nề tính hàn lâm mà đã đi sâu vào thực tiễn việc dạy và học, anh Trung cho rằng đó là một bước tiến mới của cả Ban tổ chức và các diễn giả, khách mời tham dự. Hy vọng, Educamp năm tới sẽ tiếp tục phát huy điều này để lan tỏa lợi ích không chỉ trong quy mô Đại học FPT mà rộng hơn nữa là toàn ngành giáo dục.
Thấy chính mình qua chia sẻ của đồng nghiệp
Chị Lê Thị Bích Liên - Giáo viên bộ môn Tin học - mới công tác tại Trường THPT FPT được khoảng 4 tháng. Tuy khác nhau về tuổi nghề và thời gian gắn bó với môi trường giáo dục tại FPT nhưng chị Bích Liên và anh Tất Trung đều có chung một mong muốn trước khi đến với Educamp 2015 đó là được hiểu thêm về trường, về nghề, về nơi mà mình đã và đang cống hiến trong sự nghiệp.
Ấn tượng lần đầu tiên đến với Educamp của chị Lê Thị Bích Liên là một hội thảo mở chia sẻ nhiều vấn đề thời sự hấp dẫn.
“Mình muốn học hỏi được điều gì đó về phương pháp giáo dục, tìm hiểu sâu thêm về trường vì hiện tại mình là giáo viên cũng mới vào trường một thời gian ngắn”, chị Liên chia sẻ về lý do tham gia Educamp.
Tham dự 3 bài diễn thuyết về các chủ đề “Dạy học tích hợp liên môn và những thách thức của nhà giáo”, “Tuổi nào tự lập và trưởng thành từ tổ chức sự kiện” và “Câu chuyện của những người thầy không dạy chữ”, chị Liên như nhìn thấy hình ảnh của chính bản thân mình với công việc hàng ngày qua lời chia sẻ từ các cán bộ đồng nghiệp.
“Bài diễn thuyết của anh Trần Vũ Quang – Phó Hiệu trưởng THPT FPT - chia sẻ rất nhiều câu chuyện về giáo viên quản nhiệm - những người thầy tuy không trực tiếp dạy kiến thức nhưng lại góp phần rất lớn rèn giũa, dạy dỗ về lối sống cho học sinh. Xung quanh đó là những vui buồn, đôi khi là cả áp lực từ công việc, khiến người cán bộ phải trăn trở rất nhiều. Đó là vấn đề mà trước khi vào trường tôi chưa bao giờ nghĩ tới”, chị chia sẻ.
Xúc động khi nói về những người quản nhiệm tại FSchool, chị Liên cho rằng: “Nếu không có sự tận tâm, tình yêu nghề, tôi nghĩ các cán bộ như anh Quang khó có thể vượt qua được. Qua đó, tôi càng thấy khâm phục những người làm công tác quản nhiệm tại FSchool - đồng nghiệp “không dạy chữ” của mình” .
Đứng trên góc nhìn của một giáo viên, chị Bích Liên chưa bàn đến những vấn đề vĩ mô của ngành giáo dục nhưng bản thân muốn được hiểu sâu sắc về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến công việc hàng ngày của mình. “Thời gian làm việc trong môi trường giáo dục của FPT còn ngắn và đây cũng là lần đầu tiên tham dự Educamp nên những gì tôi thu nhận được mới chỉ dừng lại ở mức tổng quan. Tôi mong được tìm hiểu sâu hơn nữa, chi tiết hơn nữa đặc biệt là về các vấn đề liên quan trực tiếp đến giáo viên, học sinh, nhà trường. Educamp năm sau, tôi sẽ lại đến tham dự và tin là ở đó, tôi sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn cho riêng mình để áp dụng nhiều hơn vào thực tiễn công việc”, chị Liên cho biết.
Mong muốn chia sẻ sâu sắc và thực tiễn hơn
Đến với Educamp năm nay, các diễn giả đã mang những vấn đề thời sự nóng hổi, được dự luận quan tâm như: định hướng nghề, dạy học tích hợp, làm bạn với sinh viên và mối quan hệ thầy-trò trong nhà trường hiện đại,… Tuy nhiên, dường như những cán bộ, giảng viên và giáo viên tham dự Educamp còn mong muốn nhiều hơn nữa ở tính sâu sắc và thực tiễn khi chia sẻ các vấn đề.
Sẽ có những chia sẻ, phân tích sâu sắc hơn về vấn đề còn dang dở của Educamp năm nay là mong muốn của anh Nguyễn Minh Hải.
Anh Nguyễn Minh Hải – Giảng viên Quản trị kinh doanh Đại học FPT - cho rằng: “Những chủ đề như “Lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với tính cách bằng bài test Holland Code” khá hấp dẫn, những thông tin cơ bản được diễn giả thuyết trình tốt. Tuy nhiên, theo tôi, diễn giả và cũng là người đang nghiên cứu về vấn đề này không nên có sự giới hạn lựa chọn để bài test chính xác hơn. Tôi hy vọng trong tương lai, công trình nghiên cứu này sẽ được mở rộng quy mô và đi sâu nghiên cứu để thích ứng hơn nữa với môi trường văn hóa, giáo dục ở Việt Nam. Và có thể tại Educamp năm sau, diễn giả sẽ chia sẻ, phân tích sâu sắc hơn về chủ đề thú vị này.”
Educamp không có giới hạn về biên giới
Anh Nguyễn Việt Khoa – giảng viên Khối Liên kết quốc tế (FAI) - Đại học FPT, dù đang bị chấn thương sau tai nạn giao thông nhưng vẫn nhiệt tình tham dự Educamp. Anh chia sẻ, nhiều đồng nghiệp can ngăn anh vì chân còn đau, trời lại lạnh nhưng anh quyết đi vì "nhớ" Educamp, nhớ tinh thần chia sẻ tri thức của hội thảo.
Di chuyển khó khăn nhưng anh Nguyễn Việt Khoa vẫn có mặt ở nhiều phòng hội thảo nơi có những bài tham luận khiến anh hững thú. Giảng viên FAI cảm nhận: "Educamp năm nay rất vui và sôi nổi, các chủ đề chia sẻ rất thực tế, phong phú. Ngoài ngôn ngữ tiếng Việt, Hội thảo còn có các phòng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, điều đó cũng thể hiện sự chuyên nghiệp và hướng tới toàn cầu hoá”.
“Hội thảo cũng thu hút những diễn giả nước ngoài cho thấy sức hút của chương trình cũng như thành công của ban tổ chức trong việc mở rộng tầm "chia sẻ và học hỏi" của Educamp: không có giới hạn về biên giới, quốc gia mà FE luôn hướng tới những nguồn tri thức rộng mở, cập nhật nhất trong khu vực và trên thế giới".
Tin liên quan
Ngọc Trâm
Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn