Educamp - vừa để sẻ chia vừa để học hỏi
Tham dự Educamp 2015, mỗi diễn giả không chỉ có cơ hội chia sẻ những hiểu biết của mình mà còn học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu từ chính các đồng nghiệp và áp dụng vào thực tế công việc của họ.
Phạm Hiệp: Không diễn thuyết mà chia sẻ những kinh nghiệm thực tế
Là một trong những diễn giả đầu tiên trình bày trong Educamp năm nay, anh Phạm Hiệp – Trưởng phòng QA HO FPT Education - đã mang đến một bầu không khí chia sẻ cởi mở, có tính tương tác cao khác hẳn những gì người ta vẫn hình dung về một phần diễn thuyết truyền thống.
Với chủ đề “Lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với tính cách bằng bài test Holland Code”, diễn giả đã lựa chọn cách trình bày hết sức ngắn gọn. Điểm nhấn của session là khi anh Phạm Hiệp mời một vị khách trẻ tuổi trực tiếp thực hiện ngay bài test tại hội trường. Cả khán phòng dường như còn đang ngỡ ngàng vì phần trình bày lý thuyết “chóng vánh” trong 5 phút lại ngay lập tức bất ngờ và thích thú với phần test thực tế tại website
www.nghephuhop.com của chính tác giả xây dựng và phát triển.
Bài test tính cách Holland Code sẽ được anh Phạm Hiệp tiếp tục nghiên cứu, kết hợp với thực tiễn để đem lại một sản phẩm thực sự hữu dụng.
“Tôi không muốn nói những vấn đề to tát, hàn lâm mà muốn mang đến Educamp năm nay những câu chuyện, kinh nghiệm cụ thể của tôi trong quá trình nghiên cứu, làm việc. Đó là lý do tôi lựa chọn trình bày chủ đề về bài test tính cách Holland Code. Hơn nữa, chủ đề này có tính ứng dụng rất cao đặc biệt đối với các bạn học sinh, sinh viên tại FSchool, FPT University”, diễn giả giải thích cho phần trình bày khá lạ của mình.
Chia sẻ thêm về dự án, anh Phạm Hiệp cho biết đề tài mới đang được triển khai ở những bước đầu tiên. Những ý kiến tranh luận của các khách mời hôm nay sẽ là động lực để anh tiếp tục đào sâu nghiên cứu, kết hợp với thực tiễn để đem lại một sản phẩm thực sự hữu dụng. “Trong thời gian tới, bài test tính cách Holland Code này sẽ được phát triển thêm các tính năng như có phần mô tả nghề nghiệp rõ ràng, cụ thể hơn. Thông qua bài test, người dùng đặc biệt là học sinh, sinh viên có thêm thông tin để quyết định ngành học, ngành nghề phù hợp với bản thân chứ không chỉ dựa trên cảm tính.”
Có thể nói, đề tài mà diễn giả chọn có tính thiết thực rất cao đặc biệt trong xã hội học đường hiện đại ngày nay. Khi mà, vấn đề chọn trường, chọn nghề phù hợp với bản thân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nhưng đại đa phần học sinh, phụ huynh còn đang băn khoăn. “Chủ đề thực tế, nói chuyện câu chuyện cụ thể. Đó là những gì tôi mang đến Educamp năm nay” – diễn giả vui vẻ chia sẻ.
Bạn đọc có thể làm thử bài test Holland code phiên bản tiếng Việt để xem tính cách của mình phù hợp với nghề nghiệp nào tại website của anh Hiệp tại địa chỉ
www.nghephuhop.com
TS. Phạm Thị Ly: “Một trường ĐH được định nghĩa bằng những người làm việc cho nó”
TS. Phạm Thị Ly mang đến Educamp năm nay bài viết mà chị tâm đắc nhất trong số hơn 150 tác phẩm của mình: “
Tinh thần cộng sự - một so sánh bước đầu trong môi trường học thuật Hoa Kỳ và Việt Nam”. Chủ đề này cũng được chọn là 1 trong 3 keynote chính của Educamp 2015.
TS. Phạm Thị Ly cho rằng Educamp 2015 là cơ hội tốt để chị chia sẻ và học hỏi.
“Chọn trình bày về tinh thần cộng sự bởi tôi cho rằng đây là một chủ đề quan trọng. Nó là một phần cốt lõi tạo ra văn hóa của tổ chức, tạo ra động lực để mọi người gắn bó với nhau, làm việc cùng nhau, tạo ra kết quả tốt. Tuy nhiên, chủ đề này lại ít được chú ý tới. Educamp năm nay là cơ hội tốt để tôi chia sẻ về “tinh thần cộng sự” với những người đã và đang công tác trong ngành giáo dục, để mọi người thấu hiểu về nó và vận dụng tạo ra môi trường làm việc hiệu quả hơn trong tổ chức của mình.” – diễn giả chia sẻ lý do lựa chọn đề tài.
Đã từng có thời gian làm học giả tại Hoa Kỳ, hiện tại TS. Phạm Thị Ly cũng đang là giảng viên của 2 trường ĐH tại TP HCM, chị có nhiều thời gian và điều kiện để quan sát, so sánh về động lực làm việc của các cán bộ ngành giáo dục. Chị cho rằng: “Một trường ĐH được định nghĩa bởi những con người làm việc cho nó. Chúng ta là con người nên động lực làm việc là rất quan trọng.”
Nhiều người cho rằng động lực làm việc chỉ dừng lại ở các chế độ lương, thưởng nhưng TS Phạm Thị Ly lại chia sẻ quan điểm khác: “Tinh thần cộng sự tạo một thiết chế để mọi người trong tổ chức cảm thấy ý nghĩa của công việc, cảm nhận được mình đã đóng góp cho tổ chức như thế nào và đóng góp của mình được trân trọng ra sao. Quan trọng hơn, họ cũng hiểu và tôn trọng tầm quan trọng của những đồng nghiệp khác dù nền tảng của mỗi người là khác nhau.”
Nữ giảng viên của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - ĐH Nguyễn Tất Thành đã tham dự 3 bài diễn thuyết với các chủ đề: “Tương lai của các tổ chức giáo dục/ trường kinh doanh”, “Động lực làm việc của giảng viên FPT”, “Triết lý giáo dục của bạn là gì?”. Chị đặc biệt ấn tượng với cách mà những người FPT chia sẻ kiến thức và đặc biệt là sự nhiệt huyết, ý thức tự vấn bản thân mình làm sao để làm tốt hơn. “Mỗi cá nhân trong tổ chức luôn có ý thức về việc thay đổi công việc của mình sao cho tốt hơn thì sẽ tạo ra động lực tự đổi mới cho cả tổ chức. Tôi nghĩ đó là động lực sống còn đối với mọi tổ chức trong thời đại ngày nay”, TS. Phạm Thị Ly chia sẻ.
Educamp 2015 không chỉ là cơ hội để TS Phạm Thị Ly chia sẻ những quan sát, hiểu biết của mình về đề tài “tinh thần cộng sự” mà còn là dịp để nữ diễn giả học hỏi được nhiều điều: từ cách tiếp cận đề tài, cách tìm kiếm dữ liệu, hơn thế nữa là luôn tự đặt ra câu hỏi dù câu hỏi đó có thể không dẫn đến câu trả lời nhưng nó cho thấy là chúng ta luôn khao khát tìm tòi, học hỏi không ngừng. Nữ diễn giả cho rằng đó là điều đáng quý nhất mà mỗi người, khi tham gia Educamp năm nay, nhận được.
FPT EduCamp là hội thảo mở do Khối giáo dục FPT tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 2014.Hội thảo hướng đến kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và Khối giáo dục FPT nói riêng. Chủ đề Hội thảo EduCamp 2015 có chủ đề “Vận hành tổ chức giáo dục”. |
Tin liên quan
Ngọc Trâm
Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn