5 bước trải nghiệm cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật
Trải nghiệm cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật không chỉ mang đến cho học sinh, sinh viên cơ hội tiếp cận chuyên sâu lĩnh về lĩnh vực yêu thích, mà còn giúp các bạn sớm rèn luyện phong làm việc khoa học, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tiếp cận từ nhiều phía. Để sẵn sàng cho các cuộc thi nghiên cứu khoa học, học sinh sinh viên cần thực hiện 5 bước cơ bản sau đây.
1. Chọn ý tưởng nghiên cứu khoa học kỹ thuật
Khi làm và tham gia trải nghiệm cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, bước đầu tiên và có thể nói là nền móng quan trọng nhất đó là chọn ý tưởng/đề tài. Ý tưởng nghiên cứu có thể đến từ nhiều nguồn như đời sống thường nhật, bài giảng của giảng viên, bài báo khoa học của những học giả đi trước... Một ý tưởng nghiên cứu tốt thông thường phải đảm bảo được 4 tiêu chí sau:
1.1. Tính khoa học
Tính khoa học thể hiện ở việc ý tưởng nghiên cứu khoa học phải gắn với một khuôn khổ lí thuyết và cơ sở lí luận rõ ràng, hướng đến giải quyết một mục tiêu cụ thể. Nếu đề tài chưa đảm bảo được tính khoa học thì càng đi sâu nghiên cứu sẽ càng khó khăn, vậy nên ngay từ khâu lựa chọn ý tưởng nghiên cứu, học sinh sinh viên cần trả lời rõ câu hỏi: Đề tài nghiên cứu này có giá trị gì về mặt khoa học và kết quả nghiên cứu sẽ được ứng dụng như thế nào trong thực tế?
1.2. Tính sáng tạo, mới mẻ
Tính mới ở đây trước hết là mới về ý tưởng. Học sinh sinh viên có thể làm nghiên cứu về 1 vấn đề mà trước nay chưa từng được giải quyết, hoặc nghiên cứu mới ở một phạm vi nhất định, tức là bổ sung, cụ thể hóa, hoàn chỉnh thêm một khía cạnh nào đó trong vấn đề khoa học đã được nghiên cứu khoa học trước nay.
Ngoài ra, học sinh sinh viên cũng có thể cập nhật những công cụ mới, kỹ thuật, tiến trình mới để dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật của mình đạt hiệu quả tốt hơn. Việc sử dụng số liệu mới sẽ giúp kết quả của đề tài có tính cập nhật và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao hơn.
1.3. Tính khả thi
Đây có thể coi là mục đích chính của việc nghiên cứu khoa học. Tính khả thi của một dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật được thể hiện qua các cơ sở lý luận và số liệu thực tế, những kế hoạch cụ thể về kinh phí thực hiện để tạo tính khả thi cho đề tài. Nếu là đề tài nghiên cứu lý thuyết thì kết quả phải đem lại một lý thuyết khả dụng còn nếu là đề tài nghiên cứu thực tiễn thì kết quả đưa ra phải là những giải pháp có tính ứng dụng cao.
1.4. Tính phù hợp
Để có thể hoàn thành tốt một dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật thì một tiêu chí quan trọng đó là nhóm nghiên cứu phải lựa chọn ý tưởng/đề tài phù hợp với trình độ, khả năng của bản thân, ngoài ra cũng cần phù hợp về thời gian, không gian, điều kiện làm việc, sự hứng thú và đam mê với đề tài đã chọn.
Tiêu chí phù hợp này đặc biệt được chú trọng tại các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho những đối tượng không chuyên như học sinh, sinh viên. Ví dụ tại cuộc thi nghiên cứu khoa học quy mô nhất toàn Tổ chức Giáo dục FPT - FPT Education, mỗi mùa giải ban tổ chức lại lựa chọn một chủ đề mở để học sinh sinh viên thỏa sức sáng tạo, tìm tòi và phát triển những đề tài phù hợp với khả năng.
“Đề tài của học sinh sinh viên không nhất thiết phải thiên về hướng quá vĩ mô, nhưng cũng cần thể hiện sự hiểu biết xã hội một cách xác đáng và phù hợp với trọng tâm nghiên cứu của đề tài", thầy Nguyễn Hồng Chí (Chủ nhiệm bộ môn Tiếng Anh, ĐH FPT Cần Thơ) chia sẻ.
2. Xây dựng đề cương sơ lược dự án
Sau khi đã lựa chọn được đề tài nghiên cứu khoa học, nhóm nghiên cứu cần xây dựng đề cương sơ lược cho đề tài đó. Đề cương chính là phần khung xương của nội dung, giúp cho việc thực hiện công trình nghiên cứu được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Đồng thời, khi học sinh sinh viên tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật thì thông qua bản đề cương này, hội đồng chuyên môn cũng sẽ đánh giá được năng lực của nhóm nghiên cứu ra sao.
Nội dung chính của đề cương nghiên cứu khoa học là trình bày về lý do lựa chọn đề tài, tính cấp thiết của đề tài, những bước cần thực hiện, phương pháp nghiên cứu, kết quả mong muốn đạt được và kế hoạch cụ thể giúp đảm bảo hoàn thành được bài nghiên cứu… Cụ thể, một đề cương sơ lược dự án cần đảm bảo đầy đủ các thông tin chính gồm:
- Tên đề tài/dự án: Lưu ý đặt tên ngắn gọn, xúc tích và thể hiện được nội dung của vấn đề nghiên cứu
- Tính cấp thiết của đề tài: Chỉ ra đề tài ảnh hưởng đến vấn đề cụ thể nào đó của xã hội dẫn đến cần phải nghiên cứu vấn đề đó
- Mục đích và mục tiêu nghiên cứu: Trình bày ngắn gọn mục tiêu cụ thể và mục tiêu chung mà nghiên cứu nhắm đến có thông số đánh giá hiệu quả kèm theo
- Câu hỏi nghiên cứu: Những vấn đề của đề tài đang trong trạng thái nghi vấn tạm thời, nói cách khác là tạm thời chưa thể tìm ra câu trả lời chính xác
- Tổng quan tình hình nghiên cứu: Hay còn gọi là tổng quan tài liệu nghiên cứu, là phần bài cho người đọc có cái nhìn bao quát về những công trình nghiên cứu đã có trước đó cũng như tập hợp, liệt kê và xem xét các thông tin có trong bài nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Bản chất của sự vật hay hiện tượng cần xem xét và làm rõ trong nhiệm vụ nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu: Giới hạn khảo sát đối tượng nghiên cứu trong trong phạm vi nhất định
- Phương pháp nghiên cứu: Đề cập đến các phương pháp sẽ được sử dụng cho việc nghiên cứu và lý giải vì sao lựa chọn phương pháp này thay vì phương pháp khác.
- Giả thuyết nghiên cứu: Nhận định sơ bộ, một kết luận giả định về bản chất sự vật, do người nghiên cứu đưa ra để chứng minh hoặc bác bỏ
- Dự kiến đóng góp mới của đề tài: Những đóng góp khoa học và điểm mới của luận án
- Dự kiến cấu trúc đề tài: Nội dung này trình bày các phần dự kiến của nghiên cứu (phần mở đầu, phần nội dung…)
- Danh mục tài liệu tham khảo: Liệt kê toàn bộ các tài liệu được trích dẫn trong đề cương, tuân theo quy định về cách trích dẫn và tài liệu tham khảo.
3. Thực hiện thu thập và xử lý số liệu
Đây là bước quan trọng không thể thiếu trong quá trình trải nghiệm cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, bởi thu thập và xử lý số liệu nhằm mục đích tạo ra cơ sơ lý luận khoa học hay luận cứ để chứng minh giả thuyết hay các vấn đề mà nghiên cứu đã đặt ra.
3.1. Thu thập số liệu
Có 3 phương pháp thu thập số liệu được sử dụng phổ biến, bao gồm:
- Phương pháp thu thập số liệu từ tham khảo tài liệu: thu thập số liệu từ những tài liệu nghiên cứu trước đây để xây dựng cơ sở luận cứ để chứng minh giả thuyết.
- Phương pháp thu thập số liệu từ những thực nghiệm: Số liệu được thực hiện bằng cách quan sát, theo dõi, đo đạc qua các thí nghiệm. Để thu thập số liệu, các nhà NCKH thường đặt ra các biến để quan sát và đo đạc (thu thập số liệu). Các nghiệm thức trong thí nghiệm (có những mức độ khác nhau) thường được lặp lại để làm giảm sai số trong thu thập số liệu.
- Phương pháp sử dụng bảng câu hỏi: Bảng câu hỏi là một loạt các câu hỏi được viết hay thiết kế bởi người nghiên cứu để gởi cho người trả lời phỏng vấn trả lời và gửi lại bảng trả lời câu hỏi qua thư bưu điện cho người nghiên cứu.
3.2. Xử lý số liệu
Với sự hỗ trợ của công nghệ, ngày nay, hầu hết các nghiên cứu đều có thể xử lý số liệu thu thập được trên máy tính thông qua việc mã hóa số liệu, nhập liệu và hiệu chỉnh. Một số công cụ xử lí số liệu nhằm hỗ trợ tìm kiếm, lựa chọn và sử dụng các phần mềm phù hợp với đề tài nghiên cứu khoa học có thể kể đến như: Microsoft Excel, Stata, SPSS, Eviews...
Tùy theo nhu cầu, mục đích cũng như đặc điểm của nguồn dữ liệu thu thập được mà học sinh sinh viên có thể lựa chọn công cụ xử lý phù hợp cho bài nghiên cứu của mình.
4. Trình bày báo cáo dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật
Trình bày báo cáo dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật thế nào cho ấn tượng là điều mà học sinh sinh viên đặc biệt quan tâm khi tham gia các cuộc thi nghiên cứu. Tùy thuộc vào từng đơn vị giáo dục, từng cuộc thi khác nhau mà quy chuẩn về cách trình bày đề tài nghiên cứu khoa học cũng có những khác biệt nhất định. Một số lưu ý khi trình bày:
- Hình ảnh, bảng biểu, biểu đồ phải rõ ràng, chính xác
- Không tự ý gạch chân các từ/ cụm từ
- Không sử dụng thanh tiêu đề cho toàn bộ bài nghiên cứu...
- Nếu bảng biểu, hình vẽ, phương trình được lấy từ các nguồn khác, phải trích dẫn nguồn đầy đủ; các nguồn được trích dẫn phải ghi xuống phần “Danh mục tài liệu tham khảo”
- Các bảng biểu, hình vẽ, phương trình phải được đặt liền với phần nội dung liên quan và các hình vẽ phải được trình bày bằng mực đen, có thể sao in
- Hạn chế viết tắt, chỉ viết tắt đối với các từ hoặc cụm từ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong nội dung của bài. Các từ viết tắt phải được chú thích trong ngoặc hoặc liệt kê trong phần danh mục các chữ viết tắt và được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.
5. Chuẩn bị bài thuyết trình dự án
Sau khi đã hoàn thiện nội dung nghiên cứu, bạn cần chuẩn bị bài thuyết trình thật ấn tượng và phản biện/ hỏi đáp tự tin để có thể gây ấn tượng với hội đồng chuyên môn. Thời lượng báo cáo nghiên cứu thường giới hạn khoảng 10-15 phút, vậy nên cần chọn lọc những thông tin chính để thuyết trình, thiết kế slide thật ngắn gọn, dễ hiểu và chứa các từ khóa. Slide này nên có cả chữ và hình ảnh, biểu đồ, hiệu ứng để tạo ấn tượng và dễ thu hút sự chú ý của người xem.
Khi thuyết trình trước Hội đồng, cố gắng thật bình tĩnh, tự tin, nói to rõ ràng, rành mạch từng ý và khi nói không nên quá phụ thuộc vào tài liệu cứng hay slide. Để làm được như vậy thì cách tốt nhất chính là thường xuyên tập dượt, nhóm nghiên cứu có thể chia nhau vào vai Hội đồng, người xem để thử thuyết trình và hỏi đáp những vấn đề liên quan.
6. 8 kỹ năng cần có khi tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật
Nghiên cứu khoa học (NCKH) đối với sinh viên là thử thách, nhưng đáp lại bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội để vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống. Quá trình thực nghiệm nghiên cứu đòi hỏi học sinh sinh viên cần có những kỹ năng nhất định như:
- Tư duy khoa học, sáng tạo, dám nghĩ dám làm
- Tư duy phản biện
- Kỹ năng thuyết trình
- Kỹ năng phản biện
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
- Kỹ năng làm việc nhóm (teamwork)
- Khả năng linh hoạt, thích nghi nhanh với thay đổi
- Kỹ năng quản lý thời gian
- Khả năng chịu được áp lực cao
Bàn về vấn đề này, thầy Võ Minh Sang (ĐH FPT Cần Thơ) cho rằng: “Để thực hiện được những đề tài nghiên cứu khoa học sáng tạo, có tính ứng dụng thực tiễn cao thì học sinh sinh viên phải đáp ứng được một số yêu cầu như: Có năng lực quan sát/ nghiên cứu, sáng tạo để tìm ra được những ý tưởng độc đáo, đột phát; năng lực hiện thực hóa ý tưởng được triển khai, vận hành trên nền tảng số…”.
Những yêu cầu vốn không phải một đòi hỏi quá cao với học sinh sinh viên – những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, đam mê trải nghiệm, có thời gian và óc sáng tạo đột phá. Có lẽ vì thế mà những sân chơi nghiên cứu khoa học như FPT Edu ResFes của Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) ngày càng rộng mở và thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ.
Qua nhiều mùa giải tổ chức, cuộc thi này vẫn ngày càng tăng sức hút, mỗi năm đều thu về đơn đăng ký của hàng chục, hàng trăm đội thí sinh cả trong và ngoài Tổ chức Giáo dục FPT. “Tham dự các cuộc thi nghiên cứu như FPT Edu ResFes mang lại cho chúng mình rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng tương đương với việc thực tập ở các doanh nghiệp.
Sân chơi trí tuệ này giúp sinh viên không chỉ nâng cao tư duy và kiến thức thực tiễn mà còn tạo bước nền vững chắc cho việc thực tập, phỏng vấn làm việc tại doanh nghiệp sau này”, thành viên đội Wonder Mint, cựu quán quân Tiểu Ban Kinh tế - Quản trị kinh doanh tại FPT Edu ResFes 2020 chia sẻ.
Nghiên cứu khoa học kỹ thuật là một công việc không dễ dàng. Nhưng với niềm đam mê cùng những môi trường học tập và nghiên cứu thuận lợi như tại Tổ chức Giáo dục FPT, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai ngày càng phát triển của phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh sinh viên, ngày càng có thêm nhiều trải nghiệm cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật thú vị, hấp dẫn ngoài FPT Edu ResFes.
Tìm hiểu thêm trải nghiệm cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật tại đây.
Ảnh: Internet, FPT Edu
Xem thêm: