FPT Edu - Tin tức chung

Thầy Phan Trường Lâm đăng đàn gỡ rối FPT Edu Hackathon 2018

19/04/2018
Vũ Thị Ngọc Ánh
2885

Cuộc thi FPT Edu Hackathon 2018 đang ở giai đoạn nóng bỏng, đã có rất nhiều đội đăng ký tham dự; nhưng vẫn còn không ít anh tài ẩn dật trong FPT Edu còn chần chừ vì nhiều mông lung liên quan đến cuộc thi. Thầy Phan Trường Lâm, Trưởng ban Công nghệ của cuộc thi đã quyết định đăng đàn giải đáp những thắc mắc đang có trong sinh viên.

Thầy Phan Trường Lâm – Trưởng ban Công nghệ cuộc thi FPT Edu Hackathon 2018 giải đáp các thắc mắc hay gặp của thí sinh cuộc thi

PV: Thưa thầy, nhiều thí sinh thắc mắc là không biết dùng công nghệ gì để đi thi Hackathon?

Thầy LâmPT: Hackathon không giới hạn công nghệ khi thực hiện ý tưởng. Các nhóm có thể lựa chọn bất kỳ công nghệ nào miễn là nó giải quyết tốt bài toán đặt ra và thuận lợi nhất cho người dùng, cho nhóm khi phát triển. Do chủ đề về IoT nên các bạn nên chọn công nghệ nào có hỗ trợ kết nối cao để thuận lợi khi lập trình.

Việc dùng công nghệ gì rất phụ thuộc vào lĩnh vực, loại bài toán mà nhóm đã lựa chọn. Luôn để ý rằng công nghệ vị nhân sinh! Việc bạn dùng gì để tạo nên sản phẩm không quan trọng bằng giá trị mà sản phẩm tạo ra cho người dùng. Do thời gian thi không dài, các nhóm nên chọn công nghệ phù hợp bài toán mà mình thuần thục nhất để tạo ra sản phẩm nhanh nhất và hoàn thiện cao nhất có thể. 

PV: Hackathon năm nay có chủ đề về IoT, nhiều thí sinh không biết làm về IoT thì nên làm gì?

Thầy LâmPT: Em làm bất kì ứng dụng gì có tính kết nối là được.

PV: Rất nhiều sinh viên FPT Edu giỏi nhất là làm app nên ngần ngại chưa dự thi, vì các bạn bảo là không đúng với yêu cầu của cuộc thi. Thầy có lời khuyên gì cho các bạn không ạ?

Thầy LâmPT: Làm app được là đi thi Hackathon năm nay được rồi. Thầy cho là các bạn SV nhà mình đang hiểu IoT quá phức tạp. Các em cứ hiểu đơn giản, ứng dụng IoT là ứng dụng có tính kết nối. Ví dụ như các em làm một app game để chơi online hai người với nhau được, đó chính là có kết nối rồi. 

PV: Còn có ý kiến là sinh viên thấy Hackathon thi rất khó vì vừa phải làm kết hợp phần cứng và phần mềm với nhau, lại còn phải học rất nhiều công nghệ mới không được học trong trường nên hơi quá tầm với sinh viên. 

Thầy LâmPT: Thầy phải đính chính là thông tin này hoàn toàn không chính xác nhé các em. Các thí sinh hoàn toàn có thể sử dụng các ngôn ngữ lập trình như Java, C#.Net, PHP, Python v.v... đều là những ngôn ngữ lập trình các em quen thuộc. Ngôn ngữ thiết kế thì có thể dùng UML, nếu không quen UML thì các em có thể mô tả theo cách của mình miễn sao là giám khảo hiểu được ý là được.

PV: Thầy có lời khuyên gì cho sinh viên FPT Edu không ạ?

Thầy LâmPT: Thầy chỉ có chia sẻ với các em là cứ mạnh dạn đăng ký đi, và phải đăng ký SỚM vào. Vì cuộc thi không khó đến như các em đang tưởng tượng đâu. Và đội nào càng đăng ký sớm thì càng có lợi thế, vì cuộc thi này có đặc trưng là ngay sau khi đăng ký xong cả đội phải bắt tay vào làm sản phẩm luôn. Như vậy mới đảm bảo các em có cơ hội giành giải vô địch.

FPT Edu Hackathon 2018 là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên của Tổ chức giáo dục FPT (FPT Edu), được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới. 

Thách thức của cuộc thi nằm ở việc các thí sinh phải phát triển một sản phẩm công nghệ trong thời gian ngắn, cạnh tranh về tốc độ, độ sáng tạo và tính hoàn thiện của ứng dụng, nhằm giải bài toán được cuộc thi đặt ra.

Cuộc thi trải qua 3 vòng gồm: vòng lọc ý tưởng, vòng sơ kết và vòng chung kết. 
Cuộc thi dành cho các sinh viên, học sinh, học viên của toàn Tổ chức Giáo dục FPT trên 3 miền đất nước.

Hạn cuối nhận đăng ký: ngày 04/05/2018

Đăng ký tham gia tạihttp://fpt.edu.vn/hackathon2018/

Sơn Tùng

(thực hiện)

2885

Nhân vật