Giáo dục đại học trong tương lai
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT chia sẻ góc nhìn về chủ trương phát triển đại học ngoài công lập trong 30 năm qua, cũng như thách thức của giáo dục đại học trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Mở đầu cuộc trao đổi, ông Lê Trường Tùng nhắc lại thời điểm thành lập trung tâm của trường tư thục Thăng Long ra đời cách đây 30 năm như là mốc đánh dấu sự xuất hiện của đại học ngoài công lập và sau này là đại học tư thục. Tuy mục tiêu giai đoạn đầu đặt ra cho giáo dục đại học ngoài công lập khá cao, từ 30% cho tới 40% tổng số sinh viên, nhưng xét về số lượng, trường tư thục cũng như sinh viên theo học của khối ngoài công lập tuy có tăng, nhưng vẫn quanh mức 13-14%. Nghĩa là cứ 10 sinh viên, có gần 9 sinh viên công lập. Tỉ trọng của phần ngoài công lập chiếm tỉ lệ quá bé, đến mức chỉ mang tính chất minh họa.
Forbes Việt Nam: Ông có nghĩ đây là một dấu chỉ cho sự thất bại của chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học?
TS. Lê Trường Tùng: Xét theo chủ trương, chính sách, quy hoạch, có đặt ra mục tiêu tăng trưởng tương đối cao cho giáo dục ngoài công lập như 30-40%. Thậm chí nhiều lúc mọi người nói giáo dục ngoài công lập mọc lên như nấm. Rõ ràng kế hoạch đặt ra cách đây hơn 10 năm không đạt được. Vậy cần phải đánh giá nguyên nhân vì sao có kết quả như vậy. Bên cạnh đó, việc đặt ra mục tiêu là một chuyện, cách thực hiện là quan trọng.
Nhìn bức tranh giáo dục đại học toàn cầu, không phải nước nào tỉ lệ ngoài công lập cũng cao. Tổng thể chung, ba khu vực có tỉ lệ ngoài công lập thấp (<20%). Thứ nhất là châu Âu, Úc, phần lớn nhiều nước Bắc Âu đại học là miễn phí, cho nên trong bối cảnh ấy trường tư chẳng thể tồn tại. Khu vực thứ hai là châu Phi, khu vực chưa phát triển số số người đi học còn hạn chế.
Đối với các khu vực khác, tỉ trọng sinh viên ngoài công lập thông thường từ 30%, có nơi 60-70%, tùy theo chính sách của từng nước. Việt Nam chưa giàu có như các nước châu Âu, như Úc, cũng không thuộc loại kém phát triển như một số nước châu Phi. Số lượng người đi học lại rất đông. 20 năm qua số lượng tăng 2,5 lần. Tính tại thời điểm hiện nay là hai triệu người đi học. Nhưng tỷ trọng sinh viên ngoài công lập 13-14% là hơi bất thường.
Forbes Việt Nam: Vậy cơ cấu đào tạo ngoài công lập theo ông ở mức bao nhiêu là hợp lý?
TS. Lê Trường Tùng: Điều này căn cứ vào nhiều yếu tố. Đầu tiên, xét trong xu thế chung của thế giới, đại học chuyển dịch dần từ tinh hoa sang đại chúng, nhu cầu học đại học không phục vụ số nhỏ nữa mà cần phải mở rộng do khả năng đào tạo đại học hầu như không tăng trong thời gian dài. Cách đây 100 năm, một giảng viên đào tạo 20 sinh viên, thì nay vẫn thế. Thứ hai, ai cũng mong muốn hưởng thụ nền giáo dục chất lượng cao. Thứ ba, chi phí đào tạo đại học chất lượng càng tốt thì phải càng cao. Người ta đang kỳ vọng online, MOOC (giáo trình đại chúng mở) sẽ giúp giải quyết bài toán hiệu suất đào tạo.
Điều đáng lưu ý là tổng chi phí đào tạo đại học, kể cả học phí, suất đầu tư tại Việt Nam khoảng 650 đô la Mỹ/sinh viên/năm thuộc loại thấp nhất thế giới. Hầu như không tìm được một nước nào có suất đầu tư thấp như vậy, mà tiền nào của nấy, nên chất lượng không thể cao được.
Forbes Việt Nam: Vậy làm thế nào giáo dục đại học có thể đáp ứng được các yếu tố vừa nêu trên?
TS. Lê Trường Tùng: Theo kinh nghiệm thế giới, khi kinh phí đầu tư của nhà nước có hạn, nếu mong muốn chất lượng cao thì cần có kinh phí đầu tư khác do nhu cầu học đại học lớn. Bối cảnh như vậy buộc phải xã hội hóa, hay nói đúng ra là tư nhân hóa.
Tuy nhiên cần phải có định nghĩa rõ ràng về tư nhân hóa trong giáo dục đại học. Thực hiện “tư nhân hóa” có hai con đường đi. Thứ nhất, là dùng kinh phí xã hội để đầu tư mở đại nọc tư . Thứ hai là “tư nhân hóa” các trường công. Xin đừng hiểu tư nhân hóa theo nghĩa là cổ phần hóa trường công mà là các trường công dịch chuyển sang hoạt động chủ yếu dựa trên học phí của người học.
Forbes Việt Nam: Vậy theo ông, Việt Nam sẽ chọn cách nào?
TS. Lê Trường Tùng: Việt Nam đang chọn cách thứ hai và thể hiện khá rõ. Từ chuyện dự kiến trong báo cáo chính trị tại đại hội Đảng lần thứ 12 vừa qua là phát triển trường tư, nghĩa là sẽ tăng tỉ trọng sinh viên học trường tư, thì nghị quyết đại hội điều chỉnh thành “phát triển hợp lý.” Trong các chỉ tiêu phát triển đại học không nhắc gì đến chỉ tiêu tỷ trọng đại học ngoài công lập nữa - tức là có sự thay đổi trong chính sách. Đi kèm với đó là chủ trương tự chủ tài chính của các trường công lập.
Forbes Việt Nam: Ông có thể phân tích điểm mạnh và điểm yếu của hai cách?
TS. Lê Trường Tùng: Thực ra, cả hai chính sách đều tốt. Quan trọng là các nhà hoạch định chính sách sẽ cân nhắc, lựa chọn cách nào cho phù hợp.
Theo cách đầu, hệ thống trường tư sẽ tăng và chiếm tỉ trọng nhất định. Tư nhân sẽ có sự sáng tạo dựa trên nguyên tắc được làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, phát triển như vậy ít nhiều cũng gây khó khăn cho việc quản lý nhà nước.
Còn theo cách thứ hai, trường công sẽ chiếm tỉ trọng lớn và và trường và nhà nước dễ quản lý. Hiệu trưởng do nhà nước bổ nhiệm. Trường công muốn hay không muốn, dù được tự chủ, thì cũng làm những gì trong khuôn khổ cho phép. Nghĩa là họ phải xây dựng quy chế, quy chế phải được phê duyệt. Quản trị nhà nước với trường công bao giờ cũng dễ hơn quản lý trường tư. Ưu điểm là bức tranh phát triển ổn định. Cái dở là sức ì, hạn chế đổi mới, sáng tạo, thông thường đó đặc điểm ưu việt của khu vực tư. Mà giáo dục đại học hiện nay lại rất cần có sự thay đổi, cho phù hợp với nhu cầu của nguồn nhân lực.
Forbes Việt Nam: Vậy lựa chọn chính sách như vậy, khối đại học ngoài tư nhân sẽ thay đổi như thế nào?
TS. Lê Trường Tùng: Chắc tỉ trọng sinh viên đại học tư vẫn sẽ xoay quanh con số 13-14%. Năm 2006, khi đại học FPT mới thành lập, lúc đó các nhà đầu tư giáo dục rất yên tâm. Với chính sách của nhà nước như vậy, tỉ trọng sinh viên ngoài công lập sắp tới sẽ tăng để đạt mục tiêu 30%, số lượng sinh viên tăng vài, ba lần, thì trường tư nào hoạt động tốt, nhu cầu thị trường rất lớn. Sau 12 năm, bức tranh không như vậy. Bây giờ xu hướng không nhắc đến các chỉ tiêu của hơn 10 năm trước nữa, mà đi theo chính sách “phát triển một cách hợp lý”. Các nhà hoạt động giáo dục ở trường tư phải chấp nhận hoạt động trong bối cảnh bất bình đẳng. Trong khi trường tư phải tính đúng, tính đủ, thể hiện trong học phí mà người học phải trả, thì sinh viên trường công vẫn được bù giá từ ngân sách nhà nước.
Forbes Việt Nam: Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
TS. Lê Trường Tùng: Trên thực tế, nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, chi lương giáo viên ở khối trường công, chỉ cắt dần dần một số khoản. Như vậy, suất đầu tư cho sinh viên trường công vẫn chưa tính đúng, tính đủ, kể cả 24 trường công được thử nghiệm tự chủ tài chính.
Forbes Việt Nam: Như vậy trường tư đang phải hoạt động trong môi trường bất bình đẳng?
TS. Lê Trường Tùng: Khi góp ý về luật Giáo dục đại học sửa đổi, tôi nói chẳng cần gì nhiều, chỉ cần bình đẳng, trường tư thế nào, trường công cũng thế, chỉ khác là trường nào có nguồn đầu tư ban đầu từ đâu. Quy định tư nhân đầu tư cho trường thế nào, thì trường công cũng vậy. Còn lại hoạt động, nghĩa vụ là phải bình đẳng.
Trong ba năm qua, nhà nước thí điểm một số trường công được tự chủ về tài chính, nghĩa là nhà trường tự lo các khoản chi thường xuyên. Để khuyến khích các trường tự chủ tài chính, nhà nước có chủ trương nếu tự chủ được, thì được phép mở ngành không cần xin phép, được phép liên kết quốc tế không cần xin phép, được phép tự xác định chỉ tiêu. Trong khi trường tư lại bị kiểm soát rất chặt trong thủ tục ở ngành, liên kết quốc tế. Điều đáng nói nhất, là trường tư rất khó cạnh tranh được với trường công khi họ vẫn được bù giá thông qua chính sách.
Forbes Việt Nam: Vậy khối trường tư làm thế nào để tồn tại và phát triển?
TS. Lê Trường Tùng: Hoạt động trong bối cảnh bù giá là rất khác. Ngay từ đầu, đại học FPT xây dựng chiến lược: làm khác để làm tốt, thì mới tồn tại và phát triển bền vững được.
Forbes Việt Nam: Ông có thể nói cụ thể hơn về làm khác để làm tốt trong giáo dục đại học?
TS. Lê Trường Tùng: So với 20 năm trước, chỉ cần mở trường là có sinh viên do nhu cầu học rất lớn. Hiện nay, sinh viên có nhiều lựa chọn, thực sự phải cạnh tranh trực tiếp giữa trường công và trường tư.
Giả sử chúng tôi làm với chất lượng như trường công, trong bối cảnh không được bù giá, nghĩa là học phí phải thu cao hơn. Khi đó làm sao cạnh tranh được? Nếu giá ngang bằng, thì chất lượng sẽ phải giảm sút. Do vậy, muốn tồn tại, phải chứng tỏ với thị trường là trường tư dạy tốt hơn và học phí cao hơn để hai bên không thể so với nhau. Để tốt hơn thì phải làm khác để có chất lượng tốt hơn, có thể thu học phí cao hơn.
Forbes Việt Nam: Ở góc độ cơ quan quản lý, làm sao vừa duy trì sự ổn định và vẫn kích thích nhân tố đổi mới, sáng tạo?
TS. Lê Trường Tùng: Kinh nghiệm thế giới cho thấy, sáng tạo, đổi mới phải dựa vào tư nhân. Nhà nước chỉ làm công việc quản lý, còn lại để khối tư nhân làm.
Forbes Việt Nam: Sự thay đổi của công nghệ, nhu cầu nguồn nhân lực bây giờ cạnh tranh ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Làm sao để giáo dục đại học có thể cung ứng được nguồn nhân lực có chất lượng?
TS. Lê Trường Tùng: Tôi mong muốn đưa vào luật, để các trường đại học bắt buộc phải dạy bằng tiếng Anh. Tất nhiên phải có lộ trình phù hợp. Khi hội nhập kinh tế toàn cầu, nếu không sử dụng giáo trình nước ngoài để giảng dạy, sinh viên không giao tiếp được bằng ngoại ngữ thì làm sao hội nhập được. Bên cạnh đó, phải có các quy định về kiểm định đại học theo chuẩn quốc tế, hoặc được các tổ chức quốc tế có uy tín kiểm định. Trong các tiêu chí đánh giá của quốc tế về một đại học tốt, có tiêu chí sinh viên nước ngoài theo học, tỉ lệ giảng viên người nước ngoài, các hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế…
Forbes Việt Nam: Chất lượng đầu ra sẽ được duy trì và nâng cao thế nào khi khu vực giáo dục đại học công được lựa chọn để phát triển?
TS. Lê Trường Tùng: Trường công chắc cũng phải thay đổi theo xu hướng chung, nhưng khó có hi vọng đột biến. Đó là mối lo ngại khi hiệu trưởng trường công được nhà nước bổ nhiệm và hoạt động theo nhiệm kỳ. Như vậy sự đổi mới phụ thuộc vào tư duy nhiệm kỳ của hiệu trưởng. Trường tư dù sao cũng có hoạt động, quản trị xuyên suốt hơn.
Forbes Việt Nam: Ông nghĩ thế nào về vai trò của giáo dục đại học trong xã hội học tập khi công nghệ thay đổi nhanh chóng?
TS. Lê Trường Tùng: Đây là vấn đề mang tính triết học. Trước đây mấy trăm năm không có đại học. Đại học ban đầu đào tạo các cử nhân về luật, hành chính, nông nghiệp, phục vụ cho xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp dẫn tới sự xuất hiện cả nhiều ngành, mô hình học đại học là tinh hoa, học một lần và sử dụng tri thức đó suốt đời. Sang giai đoạn kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, đại học trở nên phổ cập, ai có điều kiện cũng có thể học được, và người học cần có kỹ năng tự học để đáp ứng được các thay đổi.
Vai trò của đại học muốn hay không muốn phải tạo được giá trị gia tăng cho người học để phù hợp với học xong, làm được gì, trong tương lai có thể học tiếp trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh. Đây không phải là vấn đề của đại học Việt Nam mà ngay cả ở các nước tiên tiến cũng phải đối mặt. Câu hỏi mấu chốt là: Làm thế nào để người học đáp ứng được với thách thức và những thay đổi trong tương lai?
Lời giải, theo tôi cũng đơn giản. Thứ nhất, làm thế nào để người học khi ra trường có thể làm được việc. Thứ hai là có những tố chất có tính bền vững để có thể tồn tại sau này. Giáo dục đại học thực chất là tổ chức và quản trị quá trình tự học của người học. Tự học mới là quan trọng.
Cuối cùng là vai trò của đại học trong vấn đề khởi nghiệp. Người học phải được trang bị kiến thức, tố chất để tạo ra việc làm cho chính người học và cho bạn bè mình. Học để mở ra những ngành chưa có, những doanh nghiệp chưa có. Làm thế nào để tạo văn hóa khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, cộng với các kỹ năng mềm (làm việc nhóm, phân tích phản biện, tư duy sáng tạo). Tóm lại, đại học phải trang bị cho người học các kiến thức nền tảng để không bị cũ theo thời gian, kiến thức hiện đại để bắt kịp trào lưu, quan trọng hơn nữa là tư duy phân tích, phê phán, sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp.
(Theo Forbes Việt Nam
Tháng 9/2018)