Bàn chuyện Giáo dục

Mô hình ĐH trực tuyến FUNiX: Sinh viên càng hỏi, thầy cô càng... mừng

11/10/2017
Ngô Ngọc Trâm
5499

Nghe có vẻ lạ kỳ, nhưng đó là sự thật đang diễn ra ở đại học trực tuyến FUNiX (thuộc hệ thống FPT Education). Thậm chí, sinh viên dễ dàng bị… đánh trượt nếu không hỏi đủ lượng câu hỏi cho mentor. Còn với các mentor, để được sinh viên hỏi, họ phải tự marketing chính bản thân mình.

Học không quan trọng bằng… hỏi

Người sáng lập ra FUNiX - mô hình đại học trực tuyến lĩnh vực công nghệ thông tin và cũng là một trong những người sáng lập ra FPT, TS Nguyễn Thành Nam, đã khẳng định như vậy khi nhắc đến phương pháp học tại đây. Sinh viên học tại FUNiX phải làm quen với cách học không bằng hỏi này. Sinh viên muốn “qua” được môn học, phải có đủ số câu hỏi cho các mentors (Mentors tại trường Đại học Trực tuyến FUNiX là các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ hàng đầu Việt Nam sẽ giải thích những thắc mắc, đưa ra bài tập thực hành cho sinh viên 24/24h thông qua các kết nối online). Còn phần việc của các mentors là càng được sinh viên hỏi nhiều, họ càng mừng, càng trân trọng dù là câu hỏi ngớ ngẩn nhất. Thậm chí, mentors phải tự marketing cho bản thân chỉ để được sinh viên chú ý đặt câu hỏi.

Nguyên cớ nào khiến TS Nguyễn Thành Nam theo đuổi với phương pháp dạy học có vẻ không giống ai này, khi mà lâu nay ở Việt Nam, học sinh sinh viên đã quá quen với tư duy “lời thầy cô là thánh chỉ”, “cô đọc trò chép”? Có quá lập dị hay phiêu lưu với cách thức này? Trả lời cho những thắc mắc này, TS Nguyễn Thành Nam kể những trải nghiệm của chính mình: “Đi dạy, mỗi khi hỏi: có ai muốn hỏi hoặc có ý kiến gì không, tôi thấy các sinh viên tự nhiên cắm đầu xuống hết. Mà không chỉ sinh viên mới lớn, quen ngoan ngoãn nghe lời. Cả các học viên trưởng thành hơn, tự tin hơn, đã đi làm, học các loại MBA, hay khoá lãnh đạo cao cấp cũng thế”.

Vừa thấy khó chịu, lại vừa thấy tiếc anh em bỏ thời gian, bỏ tiền đi học, ông thường yêu cầu học viên có những vấn đề nào cần quan tâm thì đăng ký trước, để giảng viên có thể điều chỉnh bài giảng. “Vậy mà không ít lần tôi phát cáu: đến đây chẳng hát thì hò, chẳng phải con cò ngóng cổ lên nghe. Các anh chị không có câu hỏi gì, thì tốt nhất giải tán lớp, tôi cũng đỡ phải dạy, các anh chị có thể đi chơi giao lưu!” – ông Nam nhớ lại.

Quan điểm giáo dục của TS Nguyễn Thành Nam là tất cả mọi sự sáng tạo đều bắt đầu từ sự tò mò khám phá thế giới, từ những câu hỏi. Ông cho rằng, lớp trẻ không hỏi hay không dám hỏi, chắc chắn đầu tiên là tại người lớn, hay chính xác hơn là người lớn làm “ô nhiễm” môi trường hỏi.

“Thầy cô có tâm huyết đến đâu, thì ngay cả kham cho đủ giáo án cũng đã hết thời gian, nói gì đến hỏi đáp. Chưa kể thi cử vẫn theo hình thức cũ rích, một chiều kiểu: thầy hỏi, chúng em thuộc lòng (hoặc chép trộm). Cái câu “các em có hỏi gì không?” lẽ ra phải phổ biến thì lại trở thành “giờ học đến đây là hết” – TS Thành Nam thắng thắn nói. Theo ông, không hẳn vấn đề là học sinh không tích cực, cũng không hẳn thầy giáo không khơi gợi. Sự thụ động trong giáo dục nằm ở chỗ thời khóa biểu quá chặt, số học sinh trong một lớp quá lớn, và quy chế thi cử đã lạc hậu. “Thay đổi những cái đó, không thuộc hoàn toàn thẩm quyền của hiệu trưởng. Nhưng vẫn nhiều điều có thể thực hiện được ngay. Người lớn chúng ta cứ cố gắng đi. Còn các bạn trẻ, đừng sợ “hỏi ngu”. “Ngu” gì mà không hỏi” – ông nói

"Tương lai không có chỗ cho những người trung bình"

Với tâm huyết ấy, khi thành lập ra FUNiX – mô hình đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, TS Nguyễn Thành Nam đưa ngay phương pháp giáo dục này vào môi trường học. Lựa chọn hình thức học online, quan điểm của FUNiX là không có lý do gì để mài đũng quần trên những giảng đường buồn chán của các trường đại học. Đến lúc ra trường lại phải nộp đơn xin việc khắp nơi. TS Nguyễn Thành Nam chia sẻ: “Các bạn chất vấn, vậy thì học FUNiX có gì hơn. Không có gì hơn. Chỉ là chúng tôi cố gắng mang logic của cuộc đời vào trường học: Muốn có việc thì phải tiếp xúc chuyên gia tuyển dụng. Muốn biết họ cần gì thì sao không hỏi thẳng họ”.

Nhưng điểm khác biệt của cách học FUNiX không chỉ ở việc học online, mà nhấn mạnh yếu tố đặt câu hỏi – yêu cầu gần như cơ bản đối với sinh viên là tìm câu trả lời không khó bằng đặt câu hỏi. Việc đặt câu hỏi được quy định bắt buộc trong các học phần, và sinh viên phải đặt được một số lượng câu hỏi tối thiểu thì mới đạt điều kiện cần để hoàn thành học phần. Và nghe qua tưởng chừng phức tạp, cầu kỳ, nhưng hệ thống hỏi đáp giữa sinh viên với mentor hiện được triển khai tại FUNiX đơn giản là Facebook. FUNiX chọn kênh này để tăng tối đa thời gian kết nối với sinh viên và mentor.

Chung Nguyễn, một SV của trường, khi nói về trường đã gói gọn trong một câu: “Ngôi trường này lập ra để phá bỏ mọi quy tắc truyền thống”. Bởi vì sao? “Tôi có thể khẳng định rằng hiệu suất tranh luận ở đây cao hơn bất cứ ngôi trường nào. Cách để có kĩ năng không gì khác ngoài luyện tập không ngừng nghỉ. Đại học vốn là từ mang lại buồn chán kinh khủng thì giờ nó có thể khiến người học có cảm giác tuyệt vời bởi khi bạn tự ngồi và sửa được lỗi trong code để rồi tự đặt ra một đống câu hỏi: Tại sao phải làm thế này mà không phải là thế kia? Xử lý thế nào nếu bạn lỡ tay xóa file Home.html khi dùng ftps để tải những gì bạn code lên mạng? làm thế nào...? làm thế nào...? và tại sao...? Không có trường nào giải thích cho bạn cặn kẽ điều này bằng FUNiX.

Khi đến mừng FUNiX ngày ra mắt, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, đã gửi đến thông điệp "tương lai không có chỗ cho những người trung bình". Quá khứ sẽ lạc hậu, cái mới đang nảy sinh, ông hy vọng các sinh viên sẽ phát triển nhanh, mạnh qua sự hỗ trợ của các mentors. "Tôi mong đến một lúc nào đó học tập sẽ thành nghiện ngập đối với cả người dạy và người học", ông nói.

Theo Dân Trí

5499

Nhân vật