FPT Edu - Tin tức chung

365 ngày sáng tạo và truyền cảm hứng không ngừng nghỉ của các thầy cô đồ họa FPT Edu

22/12/2021
Nguyễn Huệ Anh
1279

Tính nghệ thuật, tính ứng dụng trong những giờ dạy đồ họa đã được các thầy cô FPT Edu truyền đạt tới sinh viên nhờ nỗ lực ứng dụng công nghệ và sáng tạo không ngừng nghỉ. Có lẽ vì thế mà, vượt qua những ảnh hưởng của Covid hay giãn cách, một “mùa vàng” với nhiều giải thưởng, thành tích cao trong các cuộc thi thiết kế đồ họa đã đến với thầy và trò FPT Edu.

Chuyển đổi số để dạy thiết kế đồ họa hiệu quả hơn

Chứng kiến sự biến đổi từng ngày của nhóm ngành Thiết kế đồ họa, thầy Đặng Quang Vinh – Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế đồ họa, CĐ FPT Polytechnic Đà Nẵng nhận thấy cần phải liên tục thay đổi phương pháp giảng dạy, đa dạng hóa hoạt động dạy và học để rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết tới thực hành cho sinh viên.

Xác định mục tiêu lớn là chuyển đổi số, thầy Vinh chủ động nắm bắt xu hướng sáng tạo hiện nay bằng cách tham gia các lớp đào tạo; cập nhật xu hướng mới của ngành nói riêng và các kiến thức chung về GenZ để hiểu, định hướng tốt nhất cho sinh viên. Bên cạnh đó, thầy cũng tham gia chuẩn hóa học liệu ở từng kỳ; tổ chức đa kênh để lắng nghe khó khăn của sinh viên và tìm ra phương án giải quyết sớm và hiệu quả nhất.

Thầy Vinh là một trong những GV tích cực xây dựng các hoạt động bộ môn, chương trình hội thảo, điều hành CLB mỹ thuật…

“Lắng nghe tiếng nói từ doanh nghiệp và lồng ghép vào phần thực hành của các bạn là điều rất quan trọng để sinh viên không bị bỡ ngỡ khi đi làm. Việc xây dựng các sân chơi chuyên môn như cuộc thi thiết kế, mời chuyên gia đầu ngành và các cựu sinh viên về chia sẻ những kiến thức bên ngoài chương trình cũng là cách mang lại kinh nghiệm thực chiến cho các bạn”, thầy Vinh chia sẻ.

Sau khi áp dụng chuyển đổi số vào giảng dạy, thầy Vinh cảm thấy tự hào khi sinh viên tạo ra các sản phẩm có giá trị, được giới chuyên môn lẫn doanh nghiệp đánh giá cao. Đây cũng là động lực để thầy Vinh cùng đồng nghiệp tiếp tục ứng dụng và học hỏi các phương pháp mới trong giai đoạn tiếp theo.

Social media, livestream hỗ trợ truyền đạt kiến thức

Cô Phan Mai Chi – Trưởng ngành Thiết kế và Mỹ thuật Quốc tế, CĐ Anh quốc BTEC FPT đánh giá TKĐH là bộ môn dễ dàng ứng dụng CNTT trong quá trình giảng dạy bởi bản chất đây là loại hình nghệ thuật mang tính ứng dụng, có liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng máy tính và các phần mềm thiết kế.

“Mình vận dụng mọi phương tiện social media hay livestream để truyền đạt kinh nghiệm cho “ai đó cần” một cách hợp trend nhất. Chúng như một kênh hỗ trợ giúp mình tiếp cận gần hơn đến các bạn sinh viên FPT Edu cũng như nhiều đối tượng khác. Với những môn phù hợp, mình có định hướng các bạn trình bày sản phẩm ở hình thức là một video ngắn để đem đến những trải nghiệm thú vị hơn cho người học”, cô Chi cho biết.

Tham gia talkshow, livestream là cơ hội để cô Chi củng cố kiến thức và “ngộ ra” nhiều vấn đề hay làm tăng tính hấp dẫn cho mỗi câu chuyện bài giảng trên lớp

Một trong những phương pháp được cô Chi thường xuyên sử dụng là “bắt trend vào lớp học”, tức là mang câu chuyện đời thường vào làm ví dụ cho bài giảng. Các bạn sẽ nhớ câu chuyện thú vị hơn là nhớ một bài giảng toàn kiến thức mới và hàn lâm. Nữ giảng viên hóm hỉnh cho rằng mình may mắn có duyên ăn nói nên khi giảng bài không bị chán và điều này cũng được nhiều sinh viên chứng thực .

Kể từ khi bắt đầu phương pháp mới, các học trò của cô Chi đã tự tay gặt hái những kết quả ngoài sức tưởng tượng như: Quán quân tiểu ban TKĐH cuộc thi Nghiên cứu khoa học FPT Edu Resfes 2020, Á Quân 2 tiểu ban TKĐH cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học FPT Edu Resfes 2020, Quán quân cuộc thi Vô địch thiết kế đồ hoạ Thế giới năm 2021, Giải sáng tạo hội thảo Resconnect 2021… Đó là niềm tự hào, là động lực để các cô Chi tích cực đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong hành trình truyền đạt kiến thức, truyền cả niềm tin và động lực học tập vượt trội cho SV.

Mong mỏi người học tiệm cận gần nhất với sự phát triển của công nghệ và nghệ thuật

Trước một số lo ngại, rằng TKĐH sẽ “bó tay” với việc dạy online thì đội ngũ giảng viên tại ĐH FPT TP Hồ Chí Minh đã tiên phong đưa nét vẽ “on cloud” trong thời gian dạy và học trực tuyến vừa qua. Điều đáng nói là chất lượng bài tập của sinh viên không hề giảm mà vẫn đạt chất lượng cao.

Theo thầy Nguyễn Viết Tân – Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế mỹ thuật số, ĐH FPT TP. Hồ Chí Minh thì đây là kết quả của việc xác định rõ mục tiêu các môn học và sử dụng công nghệ để truyền tải thông tin. Nhờ kết hợp nhiều nền tảng trong giao tiếp giữa người học và người dạy đã tạo ra sự tương tác khá tốt mà vẫn đạt được sự cộng hưởng kiến thức giữa hai bên.

“Các thầy cô luôn cố gắng học hỏi để ứng dụng công nghệ mới vào nghệ thuật thiết kế nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho người học. Bản thân mình cũng mong mỏi người học tiệm cận gần nhất với sự phát triển của công nghệ và nghệ thuật”, thầy Tân nói.

Thầy Tân cố gắng hướng đến mục tiêu: Vận dụng nền tảng nghệ thuật và ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế và sáng tạo

Để phát triển và học hỏi về tư duy nghệ thuật, thầy Tân cùng các đồng nghiệp đã sáng tạo, tìm tòi nhiều phương cách giúp sinh viên được tham gia các hoạt động trưng bày trong và ngoài trường như: triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số, nghệ thuật sắp đặt có sử dụng công nghệ mới do các hiệp hội chuyên nghiệp và thành phố tổ chức. Ngoài ra, SV còn được cọ sát với thực tế bằng cách tham gia các dự án thật của các doanh nghiệp, tham quan môi trường làm việc thực tế... và được thầy cô khuyến khích sinh viên sử dụng các thiết bị công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong bài tập.

Với phương pháp đào tạo mới, thầy Tân nhận thấy, nhiều sản phẩm do SV làm ra đã không dừng lại ở mức đúng kỹ thuật, đúng ý tưởng mà còn truyền đạt được thông điệp sâu sắc, khiến người xem xúc động. Trong đó, có thể kể tới Đồ án X smile – kết hợp với tổ chức Open smile Vietnam nhằm quyên góp giúp trẻ hở hàm ếch, hay những đồ án gây ngỡ ngàng về khả năng của sinh viên như 3D Second Chance (GV Phan Nhật Trung hướng dẫn), 2D Narcissus (GV Phan Bảo Châu hướng dẫn)… Sự vượt trội của SV trong học tập và thực hành nghề nghiệp có lẽ cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực sáng tạo, giảng dạy của thầy Tân và các đồng nghiệp.

Có thể nói rằng, 2021 là một năm tạo đà cho các thầy cô vượt lên chính mình. Mỗi bài giảng sáng tạo, mỗi hoạt động trải nghiệm đa dạng mang tới cho sinh viên chính là một câu chuyện truyền cảm hứng để hoàn thiện bức tranh 2021 của người FPT Edu: gian khó nhưng không bao giờ chùn bước.

Huệ Anh

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

1279

Nhân vật