FPT Edu - Tin tức chung

Nghệ thuật song hành cùng công nghệ: Cách để vượt trội của nữ giảng viên ĐH FPT

22/12/2021
Huỳnh Lệ Thục Anh
732

Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy bộ môn Hoạt hình mỹ thuật số, những giờ dạy của cô Phan Bảo Châu (ĐH FPT TP Hồ Chí Minh) không vì thế mà mất đi tính nghệ thuật. Hơn nữa, tính nghệ thuật hòa hợp cùng tính công nghệ, phát triển mạnh mẽ, đem đến cho giảng viên này sự vượt trội trong công việc giữa một năm nhiều biến động.

Người ta thường nói, tâm hồn nghệ sĩ bay bổng trên mây. Là một giảng viên Hoạt hình mỹ thuật số – bộ môn ít nhiều cũng liên quan đến vẽ vời, sáng tạo, cô Phan Bảo Châu trong mắt nhiều đồng nghiệp cũng là người có tâm hồn lãng mạn, bay bổng. Nhưng một khi đã bắt tay vào công việc, cô Châu chính xác là người giảng viên làm nghệ thuật cực kỳ khắt khe và nghiêm túc. 

Làm nghệ thuật, nhưng không xa rời cuộc sống thực tế bởi cô Châu quan niệm “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Giữa một năm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi hàng loạt các ứng dụng công nghệ thông tin đi vào đời sống, hỗ trợ con người vượt qua một năm nhiều biến động như năm 2021, cô Châu cũng nhanh chóng cùng nghệ thuật của mình hòa nhịp vào dòng chảy thời cuộc ấy. 

Cô là một trong những giảng viên tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy tại ĐH FPT TP. HCM. Trong các buổi triển lãm mà cô Châu thực hiện cho SV của mình, các công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đã được ứng dụng, tạo nên những hiệu ứng thu hút và gây được tiếng vang trong giới mỹ thuật. Nữ giảng viên này cùng đồng nghiệp của mình triển khai xây dựng website cho chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số của ĐH FPT TP. HCM và góp phần tạo nên hệ thống các bức tường AR nơi đây.

Cô Phan Bảo Châu (ngoài cùng, bên trái, hàng trên) trong triển lãm ứng dụng công nghệ VR Digital Connection'19

Có không gian thực hành, sáng tạo và học hỏi, nhiều sinh viên do cô Châu giảng dạy và hướng dẫn đã đủ tự tin tham gia “chinh chiến” tại các cuộc thi lớn nhỏ cũng mang về nhiều thành tích đáng nể: giải Nhất, Nhì, Ba tại cuộc thi FPT Edu Color Up; giải Nhất cuộc thi phim hoạt hình ngắn Hoomu; đạt bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim Cánh diều 2019 với phim hoạt hình ngắn xuất sắc “Bà ơi”…

Những ứng dụng công nghệ của cô Châu vào việc đào tạo và tạo không gian thực hành trải nghiệm bộ môn Hoạt hình mỹ thuật số cho sinh viên ĐH FPT TP. HCM không chỉ được sinh viên trong trường biết tới, yêu thích mà cả các bạn trẻ bên ngoài cũng vì thế mà có hình dung và ấn tượng rõ nét hơn về bộ môn này. Nhiều bạn đã vì “yêu” cách dạy, cách học, yêu những tác phẩm của SV ĐH FPT TP. HCM do cô Châu hướng dẫn tham gia các cuộc thi về thiết kế do FPT Edu hay thành phố, quốc gia tổ chức mà đăng ký học chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số tại TP. HCM. Sáng tạo vượt trội trong công việc có thể đem đến nhiều thành công khác nhau cho cô Châu nhưng có lẽ thành công lớn nhất là “ươm mầm” được nhiều lứa sinh viên có đam mê với ngành. 

Nỗ lực cho công việc và hết mình sáng tạo nhiều trải nghiệm cho sinh viên, năm qua đồng thời là một năm cô Châu có được nhiều thành công cho riêng mình. Cô Châu đã nhận giải nhất tại trại sáng tác “Tuổi trẻ và tương lai thành phố” do Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật TP và Hội Mỹ thuật TP HCM tổ chức với tác phẩm triển lãm mang tên “Bản ngã và đô thị”. Bên cạnh đó, triển lãm A.S.A.P - Death’s in the air (Cái chết trong không khí) của cô Châu cũng thu hút sự quan tâm của truyền thông và công chúng. 

Đặc biệt, cô Bảo Châu là 1 trong 13 người được vinh danh tại 13 FPT Under35 – giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh những người trẻ sáng tạo, tạo ra những dấu ấn mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của FPT nói chung. Đối với nữ giảng viên này, giải thưởng này là kỷ niệm đẹp đẽ sau một năm nỗ lực để vượt trội đồng thời là “đòn bẩy” để cá nhân cô Châu có những thành công tiếp theo trong bộ môn mà mình đang theo đuổi.

Cô Phan Bảo Châu được vinh danh tại hạng mục Vận hành & Sản xuất - FPT Under 25

Ngọc Trâm – Thục Anh

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

 

732

Nhân vật