Nhiều đề tài tại FPT Educamp 2023 tập trung nghiên cứu người học
Giáo dục hiện đại đặt người học ở vị trí trung tâm, chất lượng giáo dục cũng chịu ảnh hưởng lớn từ phía người học. Do đó, ở FPT Educamp năm nay với chủ đề "Giáo dục đào tạo gắn với phát triển bền vững", nhiều báo cáo viên đã lựa chọn những chủ đề tham luận thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu đối với người học, góp phần thúc đẩy giáo dục có chất lượng.
Tham luận “Rèn luyện ý chí và nghị lực của giới trẻ Gen Z với mục tiêu phát triển bền vững: Ưu tiên sức khỏe và Phát triển cá nhân” – Báo cáo viên (BCV) Phan Mai Chi, ĐH FPT TP. HCM
Tham luận “Rèn luyện ý chí và nghị lực của giới trẻ Gen Z với mục tiêu phát triển bền vững: Ưu tiên sức khỏe và Phát triển cá nhân” của Báo cáo viên Phan Mai Chi là kết quả của nghiên cứu nhằm mục tiêu khám phá cách giáo dục có thể rèn luyện ý chí và nghị lực của Gen Z, đặc biệt là để họ hiểu rằng việc sống khỏe và được phát triển lành mạnh là tiền đề quan trọng trước khi học tập trung vào việc kiện toàn bản thân thông qua học hành.
Khởi nguồn của việc nghiên cứu này xuất phát từ việc nhận thức về áp lực ngày càng tăng mà Gen Z đang phải đối mặt. Ngoài áp lực từ học tập, họ còn phải đối diện với những vấn đề phức tạp về gia đình, bạn bè, và cuộc sống xã hội. Thông qua thực hiện khảo sát, BCV Phan Mai Chi đã liệt kê ra 10 áp lực mà giới trẻ thường gặp: Áp lực về hiệu suất thành công, Áp lực về hiệu suất và thành công, Áp lực về hình thể và hình ảnh, Áp lực về tương tác xã hội và mạng xã hội, Áp lực học tập và nghề nghiệp, Áp lực về tương tác gia đình và mối quan hệ, Áp lực về điểm sống, Áp lực về bài tập và deadline, Áp lực tự đặt với đồng trang lứa, Mối quan hệ tình cảm và tình yêu, Vai trò của giới tính...
Từ kết quả này, cô Phan Mai Chi đã đặt ra câu hỏi quan trọng về cách giáo dục có thể giúp giải quyết những vấn đề này đồng thời nghiên cứu . Trong khuôn khổ của phiên trình bày, BCV Phan Mai Chi cũng đã chia sẻ một số cách làm cá nhân, ưu tiên việc tạo ra môi trường đại học thân thiện và chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho giới trẻ, nhằm đảm bảo rằng họ có cơ hội học cách quản lý stress và áp lực.
Một số cách thức mà BCV Phan Mai Chi đưa ra tại phiên trình bày có thể kể đến: Khuyến khích tinh thần khám phá và sáng tạo, Đánh giá và khuyến khích mục tiêu cá nhân, Xây dựng kỹ năng sống, Hỗ trợ tư duy tích cực, Chương trình học đa mục tiêu, Hỗ trợ tâm lý và tâm sinh lý, Xây dựng môi trường học tập thuận lợi... Đồng thời, những nhà giáo dục cũng cần tập trung vào việc giảm áp lực học tập bằng cách tối ưu hóa số lượng bài tập và đặt lên hàng đầu chất lượng thay vì lượng.
Như vậy, BCV Phan Mai Chi không chỉ đặt vấn đề về việc rèn luyện ý chí và nghị lực của giới trẻ Gen Z mà còn thúc đẩy các cuộc thảo luận về cách tái tư duy về giáo dục để tạo ra môi trường học tập và phát triển cá nhân hiệu quả hơn cho thế hệ trẻ trong thời đại phức tạp này, đồng thời tạo điều kiện để học phát triển bền vững trong tương lai.
Phiên trình bày của cô Phan Mai Chi đã nhận được nhiều sự đồng tình và quan tâm từ người tham dự. Chị Lê Đoàn Mai Khanh, Cán bộ PDP, THPT FPT Cần Thơ, đặt câu hỏi: Có cách nào, dựa trên thang đo nào để người làm giáo dục có thể biết được học sinh, sinh viên đã thay đổi như thế nào sau khi người làm giáo dục áp dụng các phương pháp tích cực nói trên? Đối với câu hỏi này, BCV Phan Mai Chi đã chia sẻ một cách làm cá nhân, đó là thông qua những cán bộ PDP tại đơn vị, những thành viên hỗ trợ dự án là sinh viên để tiếp xúc, lắng nghe từ đối tượng được xác định. Bên cạnh đó các thành viên của dự án cũng theo dõi đối tượng được xác định thông qua các kênh mạng xã hội, blog cá nhân... – nơi đối tượng thường bày tỏ tâm tư, suy nghĩ, cảm xúc... Từ sự tiếp xúc này, khi nhận thấy vấn đề bất thường (ví dụ, trầm cảm, hưng động...) thì đối tượng sẽ được mời tham gia tư vấn tâm lý.
Tham luận “Great teacher... Get to the Eye level of student” – Báo cáo viên Nguyễn Tuân, FAI Hà Nội
“Great teacher... Get to the Eye level of student” đặt vấn đề về việc giáo viên cần đứng từ góc nhìn của người học để nhận biết vấn đề, từ đó biến điều khó hiểu, phức tạp thành đơn giản, dựa theo Eye level của sinh viên. Trong phiền trình bày của mình, BCV Nguyễn Tuân nhấn mạnh, công việc giảng dạy thuộc về giáo viên, còn công việc học tập thuộc về học sinh. Và việc học diễn ra độc lập với việc dạy, thậm chí trên thực tế, việc học có thể diễn ra độc lập với việc dạy và không cần giáo viên.
Bên cạnh đó, để có thể nhìn nhận vấn đề ở góc nhìn của người học, người dạy cũng cần xác định đúng trọng tâm của chính mình. Điều đó thể hiện ở việc, nếu người thầy xác định công việc của mình là “phải dạy” thì trọng tâm công việc nằm ở chính bản thân người thầy. Khi đó, tất cả những gì mà người thầy tập trung là bài giảng, cách nói chuyện, vào bài kiểm tra, các phương pháp, vào thành công của chính mình. Và thậm chí, việc học tập của sinh viên không có trong danh sách đó. Vì vậy, lấy “việc dạy” làm trung tâm không giúp ích gì cho việc học của sinh viên. Do vậy, điều quan trọng là người thầy phải “từ bỏ việc giảng dạy”.
Đồng thời, người thầy cũng không cần phải cố gắng bắt chước hoặc sao chép một người thầy nào đó mà ta cho là thú vị, bởi sự sao chép đó sẽ làm thảm họa nếu ta không phải họ, không có những kỹ năng và sức hấp dẫn như họ. Vậy nên, thực tế, sẽ tốt nhất nếu một người thầy là chính mình, tìm ra sức hấp dẫn riêng của mình đối với học trò.
Như vậy, theo góc nhìn của BCV Nguyễn Tuân, để trở thành một Great teacher, người dạy có thể tham khảo thực hiện những điều sau đây: Hãy là chính mình, Từ bỏ “việc dạy” - theo đuổi “việc học”, Hiểu vấn đề từ góc nhìn của sinh viên, Cho phép sinh viên được mắc lỗi, Khuyến khích sự sáng tạo, tạo cơ hội cho sinh viên suy nghĩ bằng cách đặt câu hỏi “Theo em thì thế nào?”.
Nội dung và vấn đề đặt ra trong phiên trình bày tham luận của BCV Nguyễn Tuân đã thể hiện một cách nhìn mới về việc trở thành một giảng viên tốt hơn và cũng nhận được nhiều đóng góp từ phía người tham dự. Một người tham dự tại phiên trình bày đã bày tỏ thắc mắc: Vậy nếu khi đừng trước những vấn đề của bài học, khi giảng viên liên tục đặt những câu hỏi ngược lại “theo em thì thế nào” cho sinh viên, liệu người có nghi ngờ năng lực của giảng viên? Đứng trước thắc mắc này, BCV Nguyễn Tuân đã giải thích rõ hơn về việc “khuyến khích người học tư duy” bằng cách đặt câu hỏi ngược. Cụ thể, người dạy không nên lạm dụng cách khuyến khích tư duy này, đồng thời cũng cần demo, đưa ra giải pháp khi vấn đề đi vào bế tắc.
Đồng thời BCV Nguyễn Tuân cũng lấy ví dụ về việc đặt một eye level phù hợp với đối tượng người học thông qua trải nghiệm giảng dạy thực tế tại FAI Hà Nội. Cụ thể, đối với những người học cần kiến thức để đi làm luôn thì cần có cách truyền đạt sao cho có thể áp dụng ngay; đối với lớp gồm những sinh viên có trình độ khác nhau thì cần đặt eye level ở mức trung bình để người trình độ thấp hơn theo kịp và người có trình độ cao hơn không cảm thấy nhàm chán.
Xây dựng mối quan hệ với người học – Báo cáo viên Võ Lê Anh Thư, Phổ thông Cao đẳng FPT TP. HCM
Trong phiên trình bày với chủ đề “Xây dựng mối quan hệ với người học”, BCV Võ Lê Anh Thư đã đưa ra quan điểm về những vấn đề như Tầm quan trọng của giao tiếp trong mối quan hệ, Tác động của mối quan hệ đối với sự tham gia học tập của người học, Thách thức trong xây dựng mối quan hệ tích cực, Cách giao tiếp ảnh hưởng đến quản lý lớp học và xây dựng mối quan hệ với người học.
Theo đó, BCV Anh Thư khẳng định giao tiếp có vai trò quan trọng trong một mối quan hệ và việc có một mối quan hệ tốt đối với người học sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Tuy vậy, việc xây dựng mối quan hệ với người học sẽ gặp khá nhiều thách thức liên quan đến khoảng cách thế hệ, khác biệt văn hóa, sự bất đồng quan điểm, sự thiếu hiểu biết về nhu cầu và mong muốn của người học. Tuy vậy, người dạy vẫn có thể áp dụng một số kiến thức kỹ năng như cửa sổ hành vi, lắng nghe chủ động, loại bỏ việc “đóng khung” để cải thiện việc xây dựng mối quan hệ.
Tại phiên trình bày, BCV Anh Thư cũng nhận được câu hỏi liên quan tới việc người dạy cần hành xử, giao tiếp như thế nào trong trường hợp sinh viên có feedback xấu (có thể đúng, hoặc sai) về bản thân? Đối với câu hỏi này, BCV Anh Thư đã đưa ra 3 bước giải quyết, đó là: Xem xét, suy nghĩ lại vấn đề, Tìm hiểu nguyên nhân và Kết nối lại với sinh viên để tháo gỡ khúc mắc.
Bằng cách đặt người học làm trung tâm, có thể thấy, các báo cáo viên đã có những nghiên cứu, giải pháp nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng quá trình dạy và học, giúp sinh viên và giảng viên trở nên cởi mở, tích cực và giao tiếp, truyền tải kiến thức có hiệu quả hơn, đồng thời cũng thực hiện được mục tiêu giáo dục có chất lượng (SDG4), một trong 14 mục tiêu Phát triển bền vững do Liên hợp quốc.
Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn