FPT Edu - Tin tức chung

Những cách để học sinh TH&THCS có sản phẩm ấn tượng tại FPT Edu Color Up?

18/02/2022
Hà Hải Ngân
1114

Là đối tượng thí sinh nhỏ tuổi nhất của FPT Edu Color Up, học sinh khối TH&THCS thường chưa có nhiều kỹ năng và kiến thức chuyên ngành. Nhưng các thầy cô Mỹ thuật khối TH&THCS tại FPT Edu bật mí, vẫn có cách để các em có thể sáng tạo nên các tác phẩm ấn tượng về chủ đề “Nguồn”. 

Thể hiện cảm xúc và góc nhìn của chính mình

Là một trong các giáo viên giảng dạy bộ môn Mỹ thuật tại Khối TH&THCS FPT, khi triển khai cuộc thi đến với các em học sinh, cô Nguyễn Trương Xuân Nguyệt – Tổ trưởng chuyên môn, FSC Đà Nẵng, cũng nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau từ các em học sinh. Thực tế, cuộc thi FPT Edu Color Up 2022 đã có thêm một bảng Hand Drawing dành riêng cho khối phổ thông, nhưng vẫn có rất nhiều em học sinh tại FSC Đà Nẵng mong muốn tham gia bảng Digital Design và Graphic Design. Đây là hai bảng đấu có sự cạnh tranh cao với sự tham gia của cả các anh chị khối cao đẳng và đại học. 

Đứng trước những mong muốn ấy, cô Nguyệt cho biết, bản thân cô và các thầy cô chuyên môn tại trường đã đưa ra một số lời khuyên về mức độ cạnh tranh khi tham gia hai bảng đấu này nhưng đồng thời cũng luôn tôn trọng sự lựa chọn và quyết định của các em. Theo cô Nguyệt, mỹ thuật là một bộ môn rất khó để đưa ra thang đo hay một đáp án chính xác. Điều đó có nghĩa là, dù về mặt kỹ năng, các em học sinh có thể có thiệt thòi so với các anh chị khối cao đẳng và đại học, nhưng điều đó không có nghĩa là các em hoàn toàn không có cơ hội gây ấn tượng tại 2 bảng đấu được coi là "khó nhằn" này. 

"Không chỉ tại cuộc thi này mà trong các tiết học bình thường trên lớp, mình vẫn thường khuyên các bạn thể hiện những gì các em cảm thấy có cảm xúc nhất, dưới góc nhìn của chính mình. Riêng ở FPT Edu Color Up 2022 với chủ đề Nguồn, mình cho rằng việc tìm hiểu chủ đề, tìm hiểu về văn hoá của vùng miền cũng là một việc rất quan trọng. Chỉ khi các em thực sự tìm và hiểu và rồi cảm nhận được thì tác phẩm mới thể hiện tốt được tình cảm và nét địa phương của người sáng tạo nên tác phẩm" – Cô Nguyệt cho biết.

"Mình cho rằng các anh chị ở khối cao đẳng và đại học sẽ có nhiều kĩ năng và kinh nghiệm hơn các bạn TH và THCS, nhưng biết đâu dưới góc nhìn tươi mới và hồn nhiên của các em, với cách thể hiện chưa qua trường lớp, bài bản, các em cũng có được những tác phẩm mang lợi thế của riêng mình?" – cô Nguyệt chia sẻ thêm.

Chính bởi vậy, hiện tại, trong việc hướng dẫn các em thực hiện tác phẩm, cô Nguyệt cùng các thầy cô chủ yếu sẽ khơi gợi nguồn cảm hứng và nắm bắt những điều sáng tạo ở các em, hướng dẫn các em để phát triển thành tác phẩm hoàn thiện. Bởi "nhiều khi chỉ là một câu nói, một suy nghĩ “trên trời dưới đất” cũng có thể tạo ra một tác phẩm chả giống ai nhưng hay ho vô cùng".

Vận dụng những bài học tại trường

Cô Đặng Thị Hồng Nhung, Giáo viên Mỹ thuật, FSC Cầu Giấy, đã thể hiện sự vui mừng khi FPT Edu Color Up lần đầu tiên có một bảng đấu dành riêng cho các em học sinh khối phổ thông. Đối với cô Nhung, tham gia cuộc thi là một cơ hội rất tốt để các em học sinh rèn luyện khả năng hội họa. Đặc biệt, chủ đề Nguồn năm nay khá gần gũi và phù hợp với các em học sinh, vậy nên cô Nhung và các thầy cô luôn hỗ trợ hết sức để các em có thể có được những tác phẩm phù hợp với cuộc thi. 

"Chủ đề Nguồn là một chủ đề khá thú vị, gần gũi mà các em học sinh có thể thoả sức sáng tạo theo những suy nghĩ và cảm nhận của mình về chính cuộc sống xung quanh. Trước khi triển khai, các em hãy dành thời gian tìm hiểu thật kỹ về ý nghĩa của chủ đề, những hình ảnh liên tưởng có liên quan tới chủ đề… Bên cạnh đó, các em cũng có thể vận dụng những kiến thức từ những bài học trên lớp như Hội xuân quê hương, dự án Ếch Cốm trao thư, hoặc thể hiện tình cảm, tình yêu của mình với những nét đẹp đặc sắc của văn hoá truyền thống như: tín ngưỡng và tôn giáo, ẩm thực, trang phục... để có được những ý tưởng thú vị và phù hợp" – cô Nhung chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô Nhung cũng khuyên các bạn thí sinh hãy phác thảo những ý tưởng của mình ra giấy, sau đó chọn một bản phác thảo mà bản thân cảm thấy ưng ý và phát triển thật tốt. 

Lựa chọn những nội dung phù hợp với độ tuổi

Theo cô Hoàng Phương Thảo – Giáo viên Mỹ thuật, FSC Cầu Giấy, để có thể cân bằng ưu thế tại cuộc thi, các bạn học sinh khối TH&THCS có thể lựa chọn những nội dung phù hợp với độ tuổi, gần với chương trình học như họa tiết truyền thống, Tết dân gian, 12 con giáp... Điều này sẽ khiến các thí sinh nhỏ tuổi dễ liên tưởng và áp dụng được những kiến thức học được vào tác phẩm.  

Bên cạnh đó, cô Thảo cũng đưa ra một số gợi ý để các bạn thí sinh có thể cân nhắc lựa chọn cho phần triển khai tác phẩm của mình:

"Ở đề tài Nguồn – Origin của cuộc thi năm nay, các em có thể đưa những kiến thức về họa tiết thời Lý – Trần – Lê vào tác phẩm của mình, thiết kế banner hoặc tranh cổ động về chủ đề Nguồn, một tác phẩm thể hiện "Nguồn" trong em là những gì, hoặc một tác phẩm cho thấy sự giao thoa giữa những giá trị "Nguồn" truyền thống và hiện đại…"

Với những lời khuyên từ các cô giáo phụ trách Mỹ thuật tại trường, BTC mong rằng các thí sinh nhỏ tuổi tại FPT Edu Color Up có thể dễ dàng chinh phục cuộc thi năm nay theo cách riêng của  mình.

Hải Ngân

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

1114

Nhân vật