FPT Edu - Tin tức chung

Những thí sinh đặc biệt của FPT Edu Tích Tịch Tình Tang

29/06/2022
Hà Hải Ngân
1710

Thí sinh của FPT Edu Tích Tịch Tình Tang đều có chung đam mê và mong muốn trải nghiệm với những thanh âm của sáo, đàn bầu, đàn nhị… Trong đó, có bạn tự học chơi nhạc cụ, bạn lại quy tụ được đến 10 thành viên để lập nhóm… tất cả đều là những thí sinh đặc biệt ở mùa thi đầu tiên này.

Thí sinh tự học nhạc cụ

Đó là Phạm Huy Hải – Sinh viên Cao đẳng FPT Polytechnic Hà Nội. Hải đăng ký dự thi bảng độc tấu với nhạc cụ là Sáo. Tuy rằng, đây là loại nhạc cụ phổ biến được các thí sinh đăng ký khi tham gia FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, nhưng trường hợp của Huy Hải đặc biệt hơn một chút, khi anh bạn tự mình học sáo.

Hải cho biết, cậu bạn biết đến và yêu thích cây sáo từ năm lớp 5. Và cho tới khi Hải học lớp 10, cậu bạn đã bắt đầu hiện thực hóa ước mơ học sáo. Đặc biệt, Hải vẫn luôn duy trì việc luyện tập từ đó cho tới bây giờ.

Hỏi chọn học sáo bởi loại nhạc cụ này mang âm hưởng dân gian rất đặc trưng. Tiếng sáo thổi lên nghe trong trẻo, gợi nhớ về quê hương, đất nước. Đồng thời, nam sinh này cũng có thể dễ dàng sở hữu một cây sáo bởi chi phí mua một cây sao không quá cao so với các loại nhạc cụ khác.

Nhưng quá trình chinh phục một cây sáo cũng không phải chuyện đơn giản. Nhất là khi Hải thường tự học và xem các clip hướng dẫn thổi sáo trên Youtube. Khó khăn bắt đầu ngay từ khi cầm cây sáo lên, định vị các nốt trên cây sáo, cách đặt môi thổi sáo và luyện các kỹ thuật chuyên nghiệp hơn với cây sáo của mình. 

Tuy vậy, gắn bó với cây sao đủ lâu, hiện tại Hải đã có thể chơi sáo khá tốt. Anh bạn thường thổi sáo mỗi ngày vào những lúc rảnh rỗi. Chưa kể, đôi khi vui vui, Hải cũng có thể thổi sáo cho bạn bè nghe và "biểu diễn" ở quán trà đá mà cậu bạn hay ngồi.

Việc thổi sáo không chỉ khiến cậu bạn thoải mái hơn, xả stress mà còn giúp Hải rất nhiều trong việc luyện hơi và những kỹ thuật tay khéo léo.

Đội hòa tấu đông thành viên nhất

Đó là đội thi do Phan Thu Thủy – sinh viên Trường ĐH FPT Hà Nội làm trường nhóm. Đội của cô bạn có tất cả 10 thành viên, chơi 4 loại nhạc cụ là đàn nguyệt, trống, mõ và sáo. 

Thủy cho biết, các thành viên trong nhóm thực tế chưa quen biết nhau trước cuộc thi. Nhưng nhờ sự "huy động" kiêm "rủ rê" của giảng viên âm nhạc tại trường, 10 thành viên mới tụ họp lại và cùng nhau luyện tập. Ban đầu nhóm chỉ có 2-3 bạn nhưng với mong muốn tạo nên một đội chơi mạnh, cả đội đã cùng cô giáo tìm kiếm các sinh viên có khả năng chơi nhạc cụ và tham gia cùng đội. 

Kể từ khi thành lập, các thành viên đều tranh thủ thời gian rảnh hoặc những lúc có thể gặp nhau để tập đàn. Lại nhờ sự hậu thuẫn của cô giáo, cả nhóm cũng được tạo điều kiện có một phòng riêng để luyện tập cùng nhau. 

Tuy rằng 10 thành viên trong nhóm là 10 người không học chung lớp chung ngành, cũng chưa thân quen nhưng đều có chung một điểm. Đó là yêu quý nhạc cụ và văn hóa truyền thống. Đối với nhóm, nhạc cụ truyền thống là một cái gì đó rất thiêng liêng, quý giá, giống như kho báu của nền âm nhạc Việt Nam vậy. Nó vừa mang giá trị tinh thần, giá trị lịch sử và cả giá trị dân tộc. Do vậy, trong và sau quá trình tập luyện, các thành viên trong nhóm đều rất nâng niu các loại nhạc cụ, sử dụng và bảo quản một cách cẩn thận.

Trước vòng sơ loại, các thành viên đều khá hồi hộp. Nhưng xen lẫn cảm giác hồi hộp đó cũng là cảm giác háo hức, mong muốn được cho mọi người thấy thành quả của việc nỗ lực tập luyện trong suốt thời gian qua. 

Tuy vậy, nhóm không đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc phải đạt giải. Bởi mong muốn của nhóm khi đến với cuộc thi là được thử sức mình, trải nghiệm văn hóa thông qua việc tập luyện và chơi nhạc cụ truyền thống. Tham gia FPT Edu Tích Tịch Tình Tang là điều mới mẻ với nhóm, việc biểu diễn trên sân khấu cuộc thi này cũng là một thử thách lớn đối. Do vậy, việc cố gắng và vượt qua thử thách đó đã là một thành công tuyệt vời đối với các bạn.

Thí sinh thi cả độc tấu và hòa tấu

Đó là cậu bạn Lê Khanh, sinh viên ĐH FPT TP. HCM. Ở cả bảng độc tấu và hòa tấu, Khanh đều lựa chọn chơi sáo. Chia sẻ về lý do đến với FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, Khanh cho biết, cậu bạn muốn thử sức mình, thử thách bản thân vượt qua chính mình để đứng trên một sân khấu lớn.

Còn nhớ, ngày ấy Khanh chọn học sáo là vì tình cờ thấy một người bạn chơi sáo. Chính âm thanh du dương cũng những kỹ thuật điêu luyện trên cây sáo ấy đã khiến Khanh có cảm hứng và mong muốn tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật này. 

Từ bấy đến nay cũng đã ngót nghét hai năm Khanh gắn bó với cây sáo. Bắt đầu từ những video hướng dẫn trên Youtube cho tới những lớp học bài bản ở FPT Edu, Khanh cứ từ từ khám phá những cung bậc cảm xúc khi hiểu về cây sáo. 

Cũng như Khanh chia sẻ, ban đầu khi đến với sáo, cậu bạn chỉ nghĩ rằng học cho biết chứ chưa bao giờ nghĩ rằng sáo lại có vị trí quan trọng đến thế trong tương lai của chính mình. Nhưng hiện tại, tình cảm của Khanh đối với sáo rất khác so với trước kia. Cây sáo trở thành người bạn của Khanh và giúp Khanh có thêm những người bạn mới. Chưa kể, học sáo từ trước khiến cậu bạn dễ dàng vượt qua môn học nhạc cụ dân tộc vốn bị coi là khó nhằn trong Trường Đại học FPT.

Năm nay, Khanh đăng ký FPT Edu Tích Tịch Tình Tang ở cả hai bảng độc tấu và hòa tấu. Cậu bạn mong muốn rằng, qua phần trình diễn của bản thân và các thí sinh, mọi người sẽ biết đến và dành nhiều tình cảm hơn cho nhạc cụ dân tộc. Từ đó sẽ dành thời gian tìm hiểu về những điều thú vị của nhạc cụ truyền thống, để duy trì và phát huy.

Hiện tại, cuộc thi nhạc cụ truyền thống FPT Edu Tích Tịch Tình Tang vẫn đang mở đăng ký cho tất cả các đối tượng người học tại FPT Edu tham gia. Đây là cuộc thi nhạc cụ truyền thống đầu tiên và lớn nhất được tổ chức tại FPT Edu với giải thưởng lên tới gần 200 triệu đồng.

Hải Ngân

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

 

1710

Nhân vật