FPT Edu - Tin tức chung

Talkshow "Khơi nguồn" – cánh cửa hé mở thôi thúc người trẻ tìm về cội nguồn văn hóa

22/04/2022
Hà Hải Ngân
724

Là một trong những hoạt động đồng hành cùng chung kết cuộc thi FPT Edu Color Up, talkshow "Khơi nguồn" có sự tham gia của nhiều khách mời đặc biệt đã và đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Thông qua sự chia sẻ của các diễn giả, talkshow tựa như một "cánh cửa" hé lộ những điều lý thú xung quanh một chủ đề tưởng như già cỗi và tẻ nhạt là văn hóa, giúp khơi gợi cảm hứng và mong muốn khám phá, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc ở nhiều bạn trẻ.

Talkshow có sự tham gia của 2 vị khách mời đặc biệt: Chị Nguyễn Huyền Châu - Nhà sáng lập của công ty TNHH VAN. HOA và ca sĩ nhí Nhật Minh - Quán quân chương trình Đồ Rê Mí 2013, Giọng hát Việt nhí 2016. Cả hai vị khách mời đều là những người yêu thích và đang có những hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam.

Điều đặc biệt trong hành trình đến với các hoạt động văn hóa của chị Huyền Châu là chị không nghiên cứu và tìm hiểu về văn hóa ngay từ đầu. Chị vốn là sinh viên ngành Thương mại, tốt nghiệp RMIT và đã từng tham gia diễn đàn kinh tế thế giới. Nhưng trong quá trình du ngoạn tới khắp nơi trên thế giới, chị nhận ra rằng văn hóa Việt Nam còn đang rất mờ nhạt đối với bạn bè quốc tế. Và chị trăn trở về điều đó.

Cũng chính bởi văn hóa Việt chưa được chú trọng, nên mỗi khi mong muốn lựa chọn những món đồ nhỏ mang dấu ấn của Việt Nam để làm quà tăng cho bạn bè quốc tế, chị Huyền Châu lại trăn trở giữa các vấn đề đặc trưng và chi phí. Đam mê dẫn lối cho hành động, chị Huyền Châu cũng cứ thế mà tìm cách liên hệ với những người am hiểu về văn hóa, rồi tìm hiểu về văn hóa, về những ý nghĩa ẩn sau mỗi nét văn hóa đặc trưng của người Việt.

Chị Huyền Châu là người Việt Nam dưới 30 tuổi đầu tiên được mời tới tham dự Cuộc họp Thường niên tại Davos, Thuỵ Sĩ,  học bổng IATSS về Lãnh đạo kiến tạo Cộng đồng bền vững tại Nhật Bản

Đối với chị Huyền Châu, văn hóa bao gồm cả hình, cả tiếng, cả nội dung và cả những điều mà chúng ta trải nghiệm trong đời sống hàng ngày. Bởi nếu chỉ đưa một trong những khía cạnh riêng lẻ đó đến với công chúng thì có thể người ta không hiểu hết được ý nghĩa của nét văn hóa đó, dẫn đến việc bỏ qua hoặc không thích thú, quan tâm. Đó cũng chính là động lực để chị Huyền Châu thành lập TNHH VAN.HOA và thực hiện các hoạt động các dự án, chương trình xã hội và cộng đồng về quảng bá văn hoá Việt Nam trong và ngoài nước trước. Chị cùng với đồng đội đang từng bước phát triển VAN.HOA trở thành doanh nghiệp Việt Nam ghi dấu trên thị trường Thế giới với sức mạnh nội lực từ các giá trị "văn hoá bản địa".

Ở vai trò là người trẻ Gen Z, Nhật Minh cũng chia sẻ về những trải nghiệm bản thân đối với giá trị văn hóa truyền thống. Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, khi bố là nghệ sĩ hát chèo, mẹ từng tham gia biểu diễn trong các vở kịch, chèo cổ. Từ nhỏ, em đã được tiếp xúc với văn hoá truyền thống qua những nhịp trống, câu hò của cha của mẹ. Sau này, chính bản thân em cũng theo đuổi tình yêu với âm nhạc thông qua việc theo học Khoa âm nhạc truyền thống tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Trong quá trình học tập tại đây, Nhật Minh cũng học tập và tìm hiểu thêm về đàn bầu – một loại nhạc cụ mà đối với Nhật Minh là vô cùng đặc biệt. Nhờ quá trình học tập và nghiên cứu đó mà Nhật Minh cũng yêu luôn đàn bầu, yêu luôn những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là nét đẹp văn hóa trong âm nhạc. Và việc theo đuổi âm nhạc truyền thống, học chơi nhạc cụ truyền thống cũng là một cách gìn giữ và thể hiện tình yêu của Nhật Minh đối với văn hóa dân tộc.

Với tình yêu và năng khiếu đối với âm nhạc, Nhật Minh đã xuất sắc giành danh hiệu quán quân của chương trình âm nhạc Đồ Rê Mí và Giọng hát Việt nhí. Hiện tại, Minh đang là học sinh Khoa âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Sự hội ngộ giữa 2 con người thuộc 2 thế hệ người Việt là chị Huyền Châu và Nhật Minh tại talkshow không chỉ đem đến cho khán giả những góc nhìn mới về văn hóa, mà còn đem đến cho tất cả mọi người cái nhìn mới về tình yêu đối với văn hóa dân tộc. Không chỉ những thế hệ người Việt xưa mới quan tâm đến văn hóa, mà ngay cả người trẻ hiện nay cũng dành rất nhiều tình cảm cho văn hóa dân tộc. Mỗi một người, dù lớn hay nhỏ, đều có thể cùng nhau đóng góp vào quá trình gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc theo cách riêng của mình.

Hải Ngân

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

724

Nhân vật