Thầy cô bật mí bí quyết "ẵm giải" ở FPT Edu Tích Tịch Tình Tang
Lần đầu tiên được tổ chức, cuộc thi nhạc cụ dân tộc FPT Edu Tích Tịch Tình Tang khiến nhiều thí sinh chưa có đủ tự tin khi đăng ký. Nhưng điều đó không có nghĩa là các bạn sẽ lẻ loi trên con đường chinh phục ngôi vị quán quân của cuộc thi. Hãy khám phá ngay những bí quyết "ẵm giải" cao từ thầy cô - những chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc của FPT Edu nhé!
Trang bị đủ kỹ năng - Thầy Nguyễn Văn Quyết, Giảng viên Âm nhạc, ĐH FPT Cần Thơ
"Cuộc thi nào cũng vậy, để có thể trở thành người chiến thắng cần có sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo thầy, để trở thành quán quân của FPT Edu Tích Tịch Tình Tang mùa đầu tiên, mỗi một thí sinh cũng nên trang bị cho mình những kỹ năng sau đây:
Thứ nhất, trau dồi nhiều kỹ năng chơi nhạc cụ. Mỗi nhạc cụ dân tộc sẽ có những kỹ thuật khác nhau: sáo thì luyến, láy, rung lưỡi, lướt ngón, vỗ ngón, láy rền 2 ngón; đàn tranh thì có tuyệt chiêu "Á", song thanh, mổ ngón, nhấn dây...; đàn bầu có kỹ thuật gảy hai chiều, pizzicato, bồi âm... , và nhiều kỹ thuật của các nhạc cụ khác.
Thứ hai, thí sinh nên lựa bài thi có mức độ chuyên môn cao, có thể áp dụng được nhiều kỹ thuật như đã nói ở trên. Đặc biệt, nên chọn các tác phẩm mang tính dân tộc và đặc trưng vùng miền khác nhau của Việt Nam. Cũng có thể lựa các tác phẩm nước ngoài, nhưng phải thật đặc sắc và biết cách đưa thêm nhiều kỹ thuật vào bài. Hoặc xa hơn nữa, thí sinh có thể tự sáng tác một bản nhạc mới có đủ các yếu tố trên để tham dự cuộc thi.
Thứ ba, dù là có nhiều kỹ thuật hay bài vở ở mức độ khó thế nào đi chăng nữa mà thiếu yếu tố tình cảm, tức là chơi có "hồn", có nhiều cảm xúc, thì không thể chinh phục được khán giả và ban giám khảo. Bởi lẽ, âm nhạc chính là một phương tiện diễn tả cảm xúc của con người. Mà nhạc cụ dân tộc Việt Nam là hồn phách Việt Nam, rất đa dạng, muôn màu".
Thầy Nguyễn Văn Quyết – Giảng viên Âm nhạc, ĐH FPT Cần Thơ
Quán quân là người hội tụ rất nhiều yếu tố - Thầy Nguyễn Xuân Chung, Giảng viên Âm nhạc, FPTU Hà Nội
"Để tạo nên một quán quân, cần rất nhiều yếu tố:
Thứ nhất: Là năng khiếu
Năng khiếu là cơ sở giúp các thí sinh cảm thụ âm nhạc tốt hơn, nhạy bén hơn với âm nhạc. Đây cũng chính là yếu tố nền tảng mà không phải thí sinh nào cũng có được. Nếu may mắn sở hữu năng khiếu về âm nhạc, các em đã có xuất phát điểm tốt hơn và có cơ hội chiến thắng và vươn xa cao hơn so với những thí sinh khác.
Thứ hai : Là đam mê và khổ luyện
Tuy nhiên, có năng khiếu thôi chưa đủ. Một người có tài năng âm nhạc vẫn có thể bị đánh bại bởi những thí sinh có sự đam mê và khổ luyện. Trong bất cứ một bộ môn nào chứ không chỉ riêng âm nhạc, nếu không luyện tập và rèn giũa khả năng, các em cũng sẽ không thể phát huy được phẩm chất mình có và đạt được những thành tựu cao hơn.
Bởi vậy, đừng tự đắc nếu bản thân mới chỉ có năng khiếu. Thành công vẫn còn nằm phía cuối con đường mang tên rèn luyện.
Thứ 3 : Là sự dìu dắt của người thầy
Điều này nói lên tầm quan trọng của việc học tập và rèn luyện đúng hướng, đúng phương pháp, đúng kỹ thuật. Sự dìu dắt của một người thầy tốt sẽ rút ngắn quãng đường đi tới thành công của các thí sinh.
Đặt vào một cuộc thi, sự hướng dẫn của người thầy cũng sẽ giúp các thí sinh lựa chọn đúng bài nhạc sẽ thể hiện, phô diễn kỹ năng phù hợp để nhận được đánh giá cao từ BGK.
Như vậy, để chiến thắng tại FPT Edu Tích Tịch Tình Tang năm nay, ngoài yếu tố năng khiếu thì các thí sinh có thể đầu tư và tìm kiếm 2 yếu tố còn lại. Luyện tập chăm chỉ và tìm đến sự giúp đỡ của thầy cô khi cần thiết để thi tốt hơn tại FPT Edu Tích Tịch Tình Tang nhé ^^".
Thầy Nguyễn Xuân Chung, Giảng viên Âm nhạc, FPTU Hà Nội
Hãy coi trọng yếu tố kỹ thuật và cảm xúc - Cô Vũ Kim Yến, Giảng viên Âm nhạc ĐH FPT TP. HCM
"Hãy coi trọng yếu tố kỹ thuật và cảm xúc.
Kỹ thuật tốt mới có thể truyền tải nội dung hay đến được với người nghe. Có thể coi kỹ thuật là công cụ, là cách thức để đạt được mục tiêu cuối cùng.
Tuy nhiên, một phần trình diễn tốt còn cần có cảm xúc. Bởi kỹ thuật thì có thể giống nhau, nhưng cảm xúc của một người thì lại hoàn toàn riêng biệt. Đây chính là điểm khác biệt lấy được cảm tình từ BGK và cả khán giả. Một nhạc phẩm có lay động lòng người hay không phụ thuộc rất nhiều vào tình cảm của thí sinh đặt vào nhạc phẩm đó.
Và cuối cùng, đừng quên tự tin để làm chủ sân khấu và thể hiện tốt nhất có thể nhé!"
Cô Vũ Kim Yến, Giảng viên Âm nhạc ĐH FPT TP. HCM
Mỗi học viên là một bông hoa, sẽ có cách tỏa hương khác nhau - Cô Trần Thị Bích Hồng, GV Âm nhạc, ĐH FPT Hà Nội
Là người đã trải nghiệm nhiều với nhạc cụ dân tọc với tư cách là học viên và cả giảng viên, để giỏi một môn nghệ thuật, người học cần hội tụ 3 yếu tố:
Đầu tiên là năng khiếu Âm nhạc:
Bàn về vấn đề này, là một người được học nhạc từ khi lên 8 tuổi, tôi thấy rằng năng khiếu Âm nhạc chiếm vị trí rất quan trọng. Năng khiếu ở đây chính là sự cảm thụ về âm nhạc, sự tư duy trong từng âm thanh, khả năng nhìn nhận mọi vấn đề. Năng khiếu là do bẩm sinh, không hẳn những bạn chơi đàn lâu năm (được bố mẹ cho học từ trước) là hơn những bạn mới được làm quen với các cây đàn dân tộc này. Vậy để đánh giá bạn nào năng khiếu hơn bạn nào, thì đòi hỏi giảng viên - người trực tiếp dạy sẽ phát hiện và thúc đẩy những điểm mạnh của sinh viên đó.
Thế mới nói, mặc dù cũng là được học đàn từ nhỏ những có những người học mãi vẫn chỉ dừng lại ở một điểm nhất định. Nhưng có những người chỉ học vài tháng, hay một thời gian nhất định nào đó lại có thể chơi nhuần nhuyễn và "nhập hồn" vào những tác phẩm âm nhạc.
Thứ hai là sự đam mê
Khi có sự đam mê thì người học sẽ hăng say luyện tập. Khi năng khiếu âm nhạc đã có sẵn trong người, thêm có sẵn đam mê nữa, người học sẽ tiến bộ nhanh chóng và thuần thục các ngón đàn, rồi dần đạt được sự tinh tế nhất định.
Có những người có năng khiếu nhưng không say mê, học kiểu đối phó, như vậy thì mức độ đạt được cũng chỉ ở mức độ nhất định.
Thứ ba là sự dẫn dắt đúng hướng
Người thầy giỏi là những “người lái đò” giúp học viên tìm ra những con đường ít gập ghềnh. Đó cũng là người phát hiện được những học viên tài năng, truyền đi đam mê và uốn nắn tài năng đó.
Mỗi học viên là một bông hoa, mỗi người sẽ có cách tỏa hương khác nhau. Nói cụ thể hơn, mỗi sinh viên sẽ có những điểm yếu, điểm mạnh nhất định mà người giảng viên phải tìm ra được để giảm thiểu những điểm yếu và phát huy những điểm mạnh cho sinh viên của mình.
Vậy theo tôi, muốn đạt được giải ở cuộc thi lần này, các thí sinh hãy tìm cho mình một động lực, một người chỉ dẫn bản thân đi đúng đường. Có như vậy, thành công cũng sẽ đến gần hơn".
Cô Trần Thị Bích Hồng, GV Âm nhạc, ĐH FPT Hà Nội
Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn