FPT Edu - Tin tức chung

Thí sinh FPT Edu Color Up nhận "một bồ" kiến thức từ "Hoạt hình trong túi"

22/02/2022
Hà Hải Ngân
984

Talkshow "Hoạt hình trong túi" là một trong những hoạt động đồng hành của BTC FPT Edu Color Up năm nay, nhằm giúp các bạn thí sinh có thêm nhiều ý tưởng và sáng tạo xoay quanh chủ đề “Nguồn”. Theo dõi talkshow này, thí sinh có thể thu về cho mình kha khá thông tin và kinh nghiệm thú vị. 

Gặp gỡ những người làm nghề nhiều kinh nghiệm

Talkshow "Hoạt hình trong túi" có sự tham gia của 3 vị khách mời đặc biệt:

  • NSƯT Phùng Văn Hà - Phó TGĐ phụ trách Nghệ thuật Hãng phim Hoạt hình Việt Nam.
  • Anh Nguyễn Quang Trung – Đạo diễn phim hoạt hình “Mảnh ghép của Rồng”, giải Kỹ xảo xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam 2021, giảng viên Đại học Sân khấu điện ảnh.
  • Bạn Nguyễn Lê Thảo Nhi - Co-Founder & CEO tại Trinix Studio Vietnam, Quán quân FPT Edu Color Up 2019, cựu sinh viên ngành Thiết kế mỹ thuật số tại Đại học FPT TP.HCM
Các vị khách mời của "Hoạt hình trong túi" đều là những người có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm trong ngành phim hoạt hình và đều có những tác phẩm khai thác chất liệu văn hóa dân tộc

Các vị khách mời của "Hoạt hình trong túi" đều là những người có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm trong ngành phim hoạt hình và đều có những tác phẩm khai thác chất liệu văn hóa dân tộc. Đặc biệt, anh Nguyễn Quang Trung – đạo diễn phim hoạt hình "Mảnh ghép của Rồng", tác phẩm đạt giải Kỹ xảo xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam 2021 đã đem đến buổi talkshow một trích đoạn của bộ phim và nhiều chia sẻ xoay quanh bộ phim đó.

Chia sẻ về tác phẩm "Mảnh ghép của Rồng" và tâm huyết mà bản thân đã dành cho tác phẩm đó, anh Nguyễn Quang Trung cho biết, việc cho ra đời một tác phẩm, bên cạnh nội dung mà tác phẩm muốn truyền tải, một người làm nghệ thuật, đặc biệt lại là một giảng viên như anh còn cần truyền được cái lửa, truyền được đam mê, nhiệt huyết của bản thân tới các em sinh viên, các bạn trẻ yêu thích và làm công việc sáng tạo này. 

Một cảnh trong phim "Mảnh ghép của Rồng"

Đồng quan điểm ở khía cạnh này, NSƯT Phùng Văn Hà cũng chia sẻ, việc làm ra một tác phẩm hoạt hình đã không phải một câu chuyện đơn giản, việc khai thác và đưa những chất liệu văn hóa dân tộc vào tác phẩm ấy lại càng là câu chuyện cần nhiều công sức hơn. "Lấy ví dụ ngay như để làm ra bộ phim Cậu bé cờ lau, chúng tôi đã phải "quần nát" cả Ninh Bình, vào tận hang Đinh Bộ Lĩnh, chứng kiến cảnh hoàng hôn thực như thế nào, cái bóng cờ lau ra sao…".

Ở vị trí là một người trẻ làm việc trong ngành animation, đã tham gia sản xuất những tác phẩm mang đậm dấu ấn của người Việt, Nguyễn Lê Thảo Nhi cũng bày tỏ sự thán phục trước sự lồng ghép khéo léo các yếu tố văn hóa truyền thống trong các tác phẩm khai thác chất liệu văn hóa dân gian như "Mảnh ghép của Rồng".

Chuyện nhân sự của nghề

Nghề làm phim hoạt hình vốn là một nghề chưa được nhiều người hiểu. Nhắc đến làm phim hoạt hình, nhiều người nghĩ ngay đến một công việc vui vẻ và nhiều màu sắc, thế nhưng thực tế, nghề làm phim hoạt hình tại Việt Nam vô cùng khan hiếm nhân sự.

Với vị trí là một bạn trẻ theo đuổi nghề từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Lê Thảo Nhi cho biết, nhân sự muốn sống được với nghề này cần liên tục trau dồi kĩ năng và làm mới bản thân. Bởi nếu như khi học tại trường, sinh viên được trang bị về mặt kiến thức, kỹ năng cơ bản để phục vụ cho công việc sau này, thì khi trực tiếp làm việc trong thực tế, người làm phim còn phải liên tục học hỏi, cập nhật về mặt kỹ thuật. Bởi kỹ thuật là thứ liên tục thay đổi, liên tục đổi mới. Nếu không muốn tụt hậu thì người làm phim cần liên tục làm mới chính mình.

Các khách mời chia sẻ về chuyện nhân sự trong nghề

Cũng theo anh Nguyễn Quang Trung và Phùng Văn Hà, việc làm phim hoạt hình cần rất nhiều sự kiên trì và rất kén người. Những người phù hợp với ngành này cần phải có cả tư duy về kịch bản, có mỹ cảm và kỹ thuật tốt. Số lượng người theo nghề rồi lại bỏ nghề thì quả thực không hiếm. Đồng thời trong suốt quãng đường mà anh Trung và anh Hà đã trải qua, những nhân sự tâm huyết với nghề và phù hợp với nghề chỉ được đếm trên đầu ngón tay. 

Chính bởi vậy, nhân lực khan hiếm tới bây giờ vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với ngành phim hoạt hình Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho những bạn trẻ đam mê với ngành nghề này. 

Những khó khăn của nghề trong thực tế

Có một câu hỏi được đặt ra trong talkshow, là tại sao ngành phim hoạt hình tại Việt Nam chưa có những sản phẩm hoạt hình được sản xuất để chiếu rạp, để đưa ra với công chúng thế giới? Đứng trước câu hỏi này, các vị khách mời đã có những thảo luận sôi nổi. Cụ thể, hoạt hình của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là vấn đề khan hiếm nhân sự, thứ hai là vấn đề liên quan tới chi phí. Để có thể làm ra một bộ phim hoạt hình ngắn, chi phí đầu tư đã là rất lớn. Vậy nên, để có thể hoàn thiện một bộ phim dài 90 phút đủ để chiếu rạp, đó là một chi phí khổng lồ. Thậm chí, nhiều hang phim hoạt hình lớn trên thế giới cũng phải đầu tư rất nhiều, thậm chí chịu thua lỗ với những bộ phim không thành công trước khi có được những sản phẩm nổi tiếng thế giới.

Nhưng cũng như các vị khách mời đã trao đổi, giá trị của một bộ phim hoạt hình không chỉ nằm ở độ dài và kinh phí mà người ta đầu tư cho nó mà còn nằm ở ý nghĩa của mỗi hình tượng mỗi câu chuyện. Vậy nên, dù chuyện nghề làm phim hoạt hình còn nhiều khó khăn, thì các bạn sinh viên vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp và phát triển ngành phim hoạt hình tại Việt Nam, chỉ cần các bạn có được sự kiên trì, niềm đam mê và những ý tưởng độc đáo.

Kinh nghiệm đạt được kết quả cao tại FPT Edu Color Up

"Nguồn" là một chủ đề tuy có gần gũi, quen thuộc nhưng lại là một chủ đề khó, bởi phạm vi rộng và cần hàm lượng kiến thức cao, đặc biệt là đối với các bạn thí sinh dự thi bảng Digital Design. Để có thể khai thác hiệu quả các chất liệu dân gian, đồng thời có được một sản phẩm ưng ý, theo anh Nguyễn Quang Trung, các bạn thí sinh có thể khai thác những đề tài gần gũi như ngày Tết, trung thu, tò he, trò chơi dân gian, đồng dao… 

Đồng thời, để có thể khai thác một cách hiệu quả các chất liệu dân gian, các bạn thí sinh có thể tạm thời bỏ qua những việc thể hiện kỹ thuật trong quá trình lên ý tưởng, mà tập trung thu hẹp đề tài. Với một đề tài tập trung, không quá rộng, các bạn thí sinh có thể có lợi thế hơn trong việc thể hiện kiến thức, hiểu biết của bản thân về đề tài đó, đồng thời có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ càng về văn hóa dân gian, chau chuốt hơn cho sản phẩm của mình. Cùng quan điểm đó, bạn Trần Phát Đạt – quán quân FPT Edu Color Up 2020 cũng có thêm những lời khuyên về việc thể hiện thông điệp, kết nối nội dung của tác phẩm với đề tài của cuộc thi để có thể nhận được kết quả cao tại sân chơi này.

Trần Phát Đạt – Quán quân FPT Edu Color Up 2020, cũng xuất hiện tại talkshow "Hoạt hình trong túi" 

Ở phần cuối của talkshow, các vị khách mời cũng đem đến cho các bạn thí sinh nhiều ý tưởng táo bạo và những lời chúc may mắn trong cuộc thi nói riêng và con đường theo đuổi ngành phim hoạt hình tại Việt Nam nói chung. 

Các bạn độc giả quan tâm tới talkshow "Hoạt hình trong túi" có thể xem lại chương trình tại đây.

Mong rằng, với những chia sẻ từ những vị khách mời đặc biệt tại talkshow "Hoạt hình trong túi", FPT Edu Color Up 2022 có thể sớm nhận được những bài dự thi độc đáo và táo bạo từ các bạn thí sinh.

Hải Ngân

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

 

984

Nhân vật