Ứng dụng học liệu và công nghệ giáo dục, giảng viên FPT Edu kiến tạo môi trường giàu trải nghiệm cho người học
Không chỉ dạy học theo những giáo trình, phương thức có sẵn đã thành “lối mòn”, năm qua, nhiều thầy cô FPT Edu đã tiên phong đưa ra những phương án phối hợp học liệu, ứng dụng công nghệ giáo dục để nâng cao hiệu quả công việc của bản thân và đem đến môi trường học tập giàu trải nghiệm hơn cho người học.
Phối hợp học liệu – phương án tối ưu cho cả Tổ chức và sinh viên
Vào những ngày cuối cùng của tháng 12, cô Bùi Lê Thùy Trang – Chủ nhiệm bộ môn Biz, CĐ Anh quốc BTEC FPT Hà Nội cho rằng mình đã bước qua một năm đầy gian khó nhưng cũng không ít dấu ấn đáng để tự hào. Năm qua, cô Trang đã làm được 3 việc mà bản thân cảm thấy “ra tấm ra món”.
Đầu tiên phải kể tới việc phối hợp bộ học liệu của BTEC FPT và Greenwich Việt Nam. Bằng sự nhạy bén của bản thân, nữ giảng viên nhận thấy chuẩn đầu ra mà BTEC FPT và Greenwich Việt Nam áp dụng cùng được chuyển giao từ tổ chức Pearson, Vương quốc Anh. Khi nhân lực của hai đơn vị cùng hợp tác sẽ tạo ra bộ học liệu đạt chất lượng cao cũng như tối ưu hóa nguồn lực, tiết kiệm tài chính cho FPT Edu.
“Với tổng số môn học cần xây dựng là 15 môn học thuộc Chương trình Higher National Diploma in Business (Marketing), BTEC FPT và Greenwich Việt Nam đã thống nhất chia sẻ nguồn lực, mỗi bên sẽ phụ trách xây dựng một số môn nhất định và gửi kết quả cho bên còn lại đóng góp ý kiến, chỉnh sửa và thông qua. Sản phẩm sau khi hoàn thành đồng sở hữu bởi cả hai bên”, cô Trang chia sẻ.
Có học liệu hay thì cần giảng viên “xịn” để truyền đạt những kiến thức ấy tới sinh viên một cách hiệu quả nhất. BTEC FPT đã có đội ngũ giảng viên Business tuy nhiên còn khá mỏng. Để kiện toàn đội ngũ giảng viên tại đơn vị, cô Thùy Trang trực tiếp tuyển dụng nhân tài qua nhiều kênh khác nhau thay vì thụ động chờ hồ sơ của nhân sự. Nhờ vậy, nữ giảng viên dần tìm kiếm và sàng lọc được những ứng viên có chuyên môn tốt cũng như phù hợp với văn hóa FPT Edu. Đồng thời, cô cũng tổ chức các hoạt động PDP cho sinh viên thời 4.0 như viết email, rèn luyện AQ và EQ thay vì các kỹ năng truyền thống.
Dù ở vai trò giảng viên hay “lấn sân” sang tuyển dụng, PDP thì cô Trang đều hoàn thành xuất sắc. Cô luôn tâm niệm nếu sinh viên chỉ học tập một cách rập khuôn, nhàm chán và không cảm thấy có giá trị thì công việc mình đang làm hoàn toàn vô nghĩa. Tất nhiên, không ai muốn làm giáo dục không có ý nghĩa. Và trong một năm nhiều thử thách như 2021, nữ giảng viên này tự đặt thêm cho mình một thử thách nhưng vượt qua nó, cô khiến cho công việc của mình và cả việc học tập của sinh viên trở nên có giá trị hơn.
Tiên phong ứng dụng EduNext, “đặt người học vào trung tâm”
Cô Đoàn Thị Thanh Hương – Trưởng bộ môn Quản trị Marketing, Viện quản trị kinh doanh và Công nghệ FSB và tham gia làm giảng dạy tại ĐH FPT còn được biết tới là nữ giảng viên tiên phong sử dụng nền tảng giảng dạy EduNext vào các khóa học MBA, Hội thảo Ecovax – “Từ sống sót đến thịnh vượng” của FSB dành cho các học viên doanh nghiệp trên toàn quốc.
Trước đây các lớp học sẽ được duy trì qua nền tảng Google Meet kết hợp với tạo lớp trên Classroom của Google. Giảng viên phải kết hợp hai nền tảng còn học viên, sinh viên dễ bị bỏ lỡ các hoạt động học tập do phải chuyển đổi giữa các nền tảng.
Trong khi đó, EduNext được thiết kế và phát triển để ứng dụng được học thuyết kiến tạo (Constructivism) mà FPT Edu đang theo đuổi một cách tốt nhất. Để giờ học diễn ra hiệu quả, giảng viên cần chuẩn bị tốt kịch bản, đặt ra tình huống để học viên tiếp cận kiến thức, nhớ được các từ khóa thâu tóm kiến thức quan trọng và hiểu thêm về thực tế vận dụng kiến thức trong công việc. Học viên, có thể lựa chọn phương án trả lời, đưa ra vấn đề thảo luận, bình luận về các phần đáp án của các bạn học khác để giúp nhau hoàn thiện hơn.
“Mình rất nhớ Hội thảo Ecovax 3 gần đây, một học viên là CEO đến từ một công ty Digital Marketing đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của các học viên khác khi cho rằng Covid-19 khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng cũng mở ra không ít cơ hội, một trong số đó là việc ứng dụng chuyển đổi số và sử dụng marketing online phổ biến, hiệu quả.
Học viên này cũng đưa ra lời khuyên: doanh nghiệp cần phải thay đổi theo hành vi của người tiêu dùng từ cách nghĩ đến cách làm, nắm bắt thời cơ khi thấy giá các vị trí quảng cáo online còn rẻ thì nên ký hợp đồng dài hạn và phát triển bán hàng đa kênh, tiếp thị đa điểm và quản lý tập trung (Ommi Chanel). Mình từng đưa khái niệm này vào bài học trên lớp nhưng khi nó được phát biểu qua lời của học viên thì lại có tác động hữu hiệu tới các thành viên trong lớp”, cô Hương cho biết.
Đối với cô Hương, phương pháp EduNext hay nhiều công nghệ giáo dục khác đang được áp dụng tại FPT Edu đều hướng tới mục tiêu là đặt người học vào trung tâm, giúp người học tự kiến tạo kiến thức, kỹ năng cho mình. Khi theo đuổi công việc này, cô tâm niệm điều hạnh phúc nhất là đem lại được giá trị khoa học và thực tiễn cho người học. Vì vậy, ứng dụng những công nghệ giáo dục hiện đại giúp quy trình làm việc được cải thiện thì hiệu suất giảng dạy sẽ cao hơn, người học cũng thấy vui hơn. Bản thân giảng viên như cô Hương cũng thấy công việc của mình đem lại giá trị xứng đáng với những nỗ lực đã bỏ ra, nhất là trong một năm nhiều thử thách.
Đổi mới góp phần vào việc “tái sinh” Tổ chức trong kỷ nguyên số
Năm 2021, cô Ngô Thị Thúy An – Giảng viên Kỹ năng mềm, ĐH FPT Cần Thơ và đồng đội được vinh danh tại cuộc thi iKhien FPT 2021 với giải Vàng vòng Chung khảo 7 dành cho sáng kiến “Ứng dụng mobile myFAP”. Để giảm tải lượng công việc cho cán bộ và phục vụ tốt nhất nhu cầu cập nhật thông tin nhanh chóng cho phụ huynh và sinh viên, ý tưởng xây dựng ứng dụng mobile kết nối với hệ thống thông tin đào tạo của trường ra đời.
“Mình đã mạnh dạn mang ý tưởng này chia sẻ tại FPT Educamp, tổ chức vào tháng 12/2019 với chủ đề Chuyển đổi số trong giáo dục và đã nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người nhà FPT Edu. Sau khi đề xuất được thông qua thì team được thành lập và bắt tay vào thực hiện dự án. Đến tháng 9/2020, ứng dụng myFAP version 1 chính thức đưa vào sử dụng cho hệ thống ĐH FPT toàn quốc. Đến nay ứng dụng này cũng đã được triển khai cho các đơn vị khác của FPT Edu như Greenwich Việt Nam và Viện Đào tạo quốc tế”, cô An chia sẻ.
Kể từ khi được đưa vào sử dụng, myFAP trở thành một công cụ hữu ích giúp góp phần nâng cao hiệu suất công việc, tiết kiệm chi phí cho các hoạt động dịch vụ, tăng trải nghiệm cho phụ huynh và sinh viên khi có thể nhanh chóng cập nhật mọi thông tin chỉ với một chiếc smartphone.
“Trong công việc, mình là người “ham của lạ” nên cứ cái gì mới là thích. Mình thích thử thách, thích trải nghiệm, thích tự đặt ra những mục tiêu để thách thức giới hạn của chính mình, thích nghĩ ngược lại và làm khác đi để cho bản thân có cơ hội khám phá những điều mới mẻ. Với mình, dù ở bất kỳ cương vị nào thì “đã yêu là không liêu xiêu” cứ cố gắng hết sức và vui vẻ tận hưởng quá trình tìm kiếm sự khác biệt của chính mình.
Bận rộn suốt 1 năm với nhiều công việc giảng dạy, hỗ trợ sinh viên, lại thêm cả việc nghiên cứu và triển khai myFAP nhưng cô An không hề thấy mệt mỏi và luôn tràn đầy cảm hứng trong công việc. Đối với cô An, vượt qua được những khó khăn để đưa ứng dụng này vào thực tế là thành tích vượt trội của chính bản thân mình, là quả ngọt cho sự nỗ lực của cả một tập thể. Sự nỗ lực này cũng là cách để góp phần vào quá trình đổi mới và công cuộc “tái sinh” của Tổ chức trong kỷ nguyên số.
Tại FPT Edu, các thầy cô không chỉ là người trao truyền kiến thức mà còn không ngại dấn thân vào những trải nghiệm mới. Mỗi lần vượt qua thách thức là một lần người FPT Edu được hun đúc để trở nên vượt trội trong một năm nhiều thách thức.
Huệ Anh
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn