Học tập khác biệt

Sinh viên "lạc lối trong trường học"

29/11/2017
Ngô Ngọc Trâm
5579

Mỗi mùa Educamp, tham luận của TS Nguyễn Thành Nam thường được đông đảo người tham dự và các diễn giả khác quan tâm bởi cách chọn chủ đề “không đụng hàng”. Tại Educamp 2017 “Tự học và Trải nghiệm”, một lần nữa TS Nguyễn Thành Nam khiến nhiều người phải tò mò, chờ đợi: “Anh sẽ chia sẻ gì với chủ đề ‘Lạc lối trong trường học’?”

TS Nguyễn Thành Nam (Hiệu trưởng chương trình đại học trực tuyến FUNiX) mở đầu phần chia sẻ bằng một trải nghiệm “mắt thấy, tai nghe” của chính anh. Cuối năm 201, trong một hội nghị của QS (Tổ chức xếp hạng Đại học thế giới), TS Nguyễn Thành Nam tình cờ nghe bài phát biểu của ĐH Quốc gia Brunei về “Discovery year – Năm khám phá.”

Bằng sự uyên bác và hài hước, TS Nguyễn Thành Nam chia sẻ những câu chuyện giáo dục trong và ngoài nước về việc để sinh viên tự học, tự trải nghiệm

“Nhà trường dành cả một năm cho sinh viên tự chọn lấy công việc của mình: sinh viên bắt buộc phải ra khỏi trường, hoặc đi ra nước ngoài học, hoặc khởi nghiệp, hoặc tham gia vào một dự án cộng đồng nào đó… Bài phát biểu đã làm tôi thực sự phải suy nghĩ.” TS Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Cách làm mới của một trường đại học ngay trong khu vực khiến TS Nguyễn Thành Nam suy nghĩ về phương pháp đào tạo trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay. Thực tế, vào đại học, sinh viên hầu hết đã xác định học ngành gì, với ngành học ấy ra trường có thể làm gì. Chương trình học được trường công khai, thậm chí chi tiết đến từng tiết học: “Sinh viên biết chính xác lúc nào học cái gì, lên lớp nào, thầy cô nào dạy, thi thế nào… càng cụ thể chi tiết, sinh viên càng thích.” TS Nguyễn Thành Nam nói.

Suốt 4 năm đại học, sinh viên được đi trên một con đường an toàn. Họ đã quen. Nhưng, khi ra đời, đi làm, sinh viên có lẽ đều phải đối mặt với những trắc trở không nằm trong kế hoạch: xin việc gì, lương bao nhiêu, đồng nghiệp và sếp là người như thế nào, nếu trúng tuyển thì sẽ bắt đầu công việc ra sao và nếu không trúng tuyển thì làm thế nào…? Họ không quen. Lạc lối ở đường đời thì ra bắt nguồn từ việc lạc lối trong một môi trường đại học quá an toàn.

TS Nguyễn Thành Nam: “Không ai dạy dạy sinh viên đối mặt với những điều mơ hồ như khi ra trường cả. Vì sao vậy? Vì chúng ta sợ sinh viên sẽ lạc lối. Nhưng chúng ta càng sợ thì các em càng sợ hơn nên cả thầy lẫn trò đều chọn con đường an toàn.”

Tiếp tục đưa ra một câu chuyện từ những chuyến đi nước ngoài để học hỏi và trải nghiệm, TS Nguyễn Thành Nam kể,  một trường đại học của Pháp có hơn 3.000 sinh viên nhưng chỉ có khoảng 10 cán bộ nhân viên. Giảng viên giao bài, sinh viên tự tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau, làm bài xong tự chấm điểm chéo cho nhau sau đó giảng viên mới kiểm tra lại. Cách làm này khá lạ nhưng được nhà trường và sinh viên thực hiện một cách nhuần nhuyễn.

“Kỷ luật là quá trình rèn luyện chứ không phải áp đặt điều mình muốn lên sinh viên. Điều này đỏi hỏi người thầy phải thay đổi.” TS Nguyễn Thành Nam cho biết.

Ở góc nhìn cá nhân, TS Nguyễn Thành Nam tin ĐH FPT có thể là trường ĐH trong nước đầu tiên công nhận sinh viên là chủ thể, có quyền tự quyết định: học gì, học như thế nào… Những sinh viên như thế khi ra trường sẽ là những người can đảm và thành công.

Trước băn khoăn: “Để sinh viên được tự quyết liệu có mạo hiểm?” TS Nguyễn Thành Nam cho rằng thực tế điều này không mạo hiểm. Nhà trường sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lường trước mọi tình huống nếu quyết tâm trao quyền tự quyết định cho sinh viên. Thay vì để sinh viên “lạc lối” trên đường đời, nếu có thể, hãy để sinh viên được “lạc lối trong trường học” nơi các em học tập, trải nghiệm, có quyền được vấp ngã và đứng lên thành công hơn trong tương lai.

Giải Giải

5579

Nhân vật