CBGV Trường TH&THCS FPT Đà Nẵng sáng tạo phương pháp giúp học sinh học online vẫn tha hồ trải nghiệm
CBGV Trường TH&THCS FPT Đà Nẵng đã linh hoạt chuyển mình để sáng tạo nên những giờ học, hoạt động trải nghiệm thú vị cho học sinh trong bối cảnh dạy và học trực tuyến.
Không ngại lăn xả tạo ra những hoạt động trải nghiệm tuyệt vời nhất
Chị Trần Thị Mỹ Lợi (Trưởng phòng Công tác học sinh) cho biết: “Khi dịch Covid-19 bùng phát, phòng CTHS đã chuyển toàn bộ các chương trình, sự kiện từ offline sang online với nhiều ý tưởng tổ chức sáng tạo khác nhau. Dù tham gia trải nghiệm tại nhà nhưng các bạn học sinh vẫn có thể chia sẻ, giao lưu với các bạn trong trường”.
2021 – 2022 là một năm học đặc biệt khi các CB CTHS cùng nhau xây dựng “Lễ khai giảng” và “Tuần định hướng” trực tuyến tràn đầy cảm xúc hân hoàn của năm học mới. “Tân binh” khối 1 và 6 được làm quen với trường mới, với đời sống bán trú, thực hành thiết kế thời gian biểu, chia sẻ ước mơ và cảm xúc về trường, tham gia trò chơi… thông qua chuỗi video hóm hỉnh để có được trải nghiệm thực tế như đang đi học tại campus.
“Các bạn học sinh chia sẻ kinh nghiệm học tập, hưởng ứng phong trào khoe góc học tập online, kể câu chuyện hạnh phúc của gia đình mình, làm đèn lồng cùng bố mẹ bằng vật liệu tái chế, sáng tác câu chuyện về chị Hằng Nga và chú Cuội thời Covid-19… chính là động lực to lớn để các CB CTHS Trường TH&THCS FPT Đà Nẵng không ngại lăn xả, không ngừng “vắt não” tạo ra những hoạt động trải nghiệm tuyệt vời nhất”, chị Mỹ Lợi bày tỏ.
Linh hoạt thay đổi phương pháp, quan tâm cảm xúc người học
Điều quan trọng nhất trong hoạt động trải nghiệm là sự tương tác, thực hành. Khi triển khai dạy – học online, quá trình tương tác này gặp một số trở ngại. Theo thầy Lê Văn Hiền (Giáo viên Hoạt động trải nghiệm – khối Tiểu học), nhiều bạn khó tập trung trong thời gian dài khi học một mình trước màn hình máy tính, có các biểu hiện cảm xúc âm tính (mệt mỏi, chán nản). Tuy nhiên, với kinh nghiệm “vượt ải” online từ năm học trước, thầy Hiền đã linh hoạt đề xuất thay đổi phương pháp dạy và học, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin cũng như thay đổi phương pháp tiếp cận tâm lý, “xa mặt nhưng không cách lòng” mang tới những trải nghiệm tốt nhất cho các bạn học sinh.
“Mình tập trung vào vấn đề cảm xúc, nhu cầu và khả năng chuyển đổi kiến thức của học sinh trong từng giờ dạy. Nếu học sinh gặp khó khăn, mình sẽ chủ động lắng nghe để giải quyết triệt để vấn đề hoặc liên kết với giáo viên chủ nhiệm để hỗ trợ học sinh.
Thầy và trò lúc này không thể cùng nhau trải nghiệm tại trường lớp một cách trực tiếp nên mình cũng chủ động tìm kiếm các phần mềm, ứng dụng dạy học trực tuyến. Nhờ vậy, mình có thể kết nối tốt hơn với học sinh và học sinh cũng không bị đứt đoạn các hoạt động trải nghiệm”, thầy Hiền chia sẻ.
Học trực tuyến vẫn được tham gia các hoạt động trải nghiệm bổ ích
Nói về các dự án trải nghiệm môn học, cô Nguyễn Trường Xuân Nguyệt (Tổ trưởng tổ PDP) đánh giá: “PDP là nhóm môn rất khó để triển khai online vì đặc thù về tính trải nghiệm trực tiếp. Tuy nhiên, chúng mình cũng sẵn sàng thay đổi và đầu tư trong việc thiết kế, xây dựng các tiết học, triển khai các dự án chuyên môn… để dù không đến trường, học sinh vẫn được tham gia các hoạt động bổ ích”.
Tạm dừng các dự án sáng tạo sử dụng dụng cụ và chất liệu đặc thù, các giáo viên đã hướng dẫn học sinh sáng tạo từ vật dụng có sẵn trong gia đình như bột mì, các chất liệu giấy tái chế (giấy báo, bìa tạp chí, giấy đã qua sử dụng) tạo ra sản phẩm như gấp giấy Origami, tranh xé dán vô cùng độc đáo, mang ý nghĩa giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường. Để tăng cường hoạt động trải nghiệm, tương tác và giao lưu giữa học sinh toàn trường, giáo viên tổ PDP cũng đẩy mạnh tổ chức các buổi workshop vào cuối tuần với các nhóm chủ đề đa dạng.
“Chúng mình đã phải nhờ đến các công cụ công nghệ hỗ trợ dạy học trực tuyến, sáng tạo các trò chơi giúp học sinh vừa chơi vừa tiếp thu kiến thức hiệu quả như Kahoot, Quizizz, Menti… và hệ thống Google classroom giúp giáo viên có thể tương tác và giải đáp các câu hỏi với học sinh ngoài giờ lên lớp”, cô Xuân Nguyệt nói.
Ngoài ra, việc áp dụng các mô hình dạy học như Flip classroom cũng giúp rèn luyện cho học sinh kĩ năng tự học, chủ động trong việc tìm hiểu kiến thức và giờ lên lớp sẽ là thời gian để học sinh chia sẻ nhiều hơn, tương tác, phản biện và hệ thống kiến thức. Như vậy, mỗi giờ học tuy ngắn nhưng lại trở nên hiệu quả và ý nghĩa hơn.
Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp. Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình. Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình. |
Huệ Anh
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn