Trường học trải nghiệm

Thầy cô FSchool Hòa Lạc giúp học sinh "vượt ải” học trực tuyến bằng nhiều phương pháp thú vị

18/10/2021
Nguyễn Huệ Anh
3655

Với những ý tưởng sáng tạo như biến sách giáo khoa thành game 3D, cho học sinh tắt camera để thực hiện du lịch tại gia… các thầy cô giáo tại Trường THPT FPT Hòa Lạc đã mang tới những giờ học trải nghiệm trực tuyến tràn đầy cảm hứng cho học sinh

Dễ hiểu bài, nhiều trải nghiệm hơn với Ngữ văn đa phương tiện

Theo đánh giá của thầy Đoàn Mạnh Linh (Giáo viên Ngữ văn – THPT FPT Hòa Lạc), Ngữ văn là môn học khiến nhiều bạn “xin giơ tay rút lui” bởi khối lượng kiến thức khá nặng cùng quan điểm “muốn qua môn thì phải học thuộc lòng” sai lệch kéo dài suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, tâm lý “ngán ngẩm” của học sinh còn do nhiều tác phẩm trong chương trình học hiện nay đã có “độ lùi quá khứ”, không còn phù hợp với tâm lý tiếp nhận của các bạn trẻ gen Z.

Thầy Đoàn Mạnh Linh (Giáo viên Ngữ văn – THPT FPT Hòa Lạc) dày công nghiên cứu và thiết kế nên những giờ học Ngữ văn đa phương tiện cho học sinh

Để giải quyết vấn đề này, thầy Linh ưu tiên sử dụng “chìa khóa” mang tên “Ngữ Văn đa phương tiện” để học sinh dễ dàng tiếp cận môn học bằng nhiều con đường. Đây là dự án ứng dụng công nghệ vào bài giảng, hạn chế sự mô phạm để ngôn ngữ Văn học gần gũi hơn với học sinh nhưng vẫn giữ được những đặc trưng của bộ môn.

Dự án “Ngữ văn đa phương tiện” gồm ba giai đoạn: trong giảng dạy, sau bài giảng và thi. Mỗi quá trình được áp dụng công nghệ phù hợp với mục đích, thời gian và lượng kiến cần tiếp thu. Điểm nhấn là trò chơi dạy văn bằng game 3D trong quá trình giảng dạy. Tại đây, học sinh hóa thân thành nhân vật chính để tương tác với các chướng ngại vật mô tả theo tác phẩm ngữ Văn, qua đó giúp từng chi tiết được cụ thể, sinh động, giúp người học nắm vững kiến thức”, thầy giáo chia sẻ.

Học văn thời 4.0: Người lái đò sông Đà hoá game 3D, học sinh FSchool Hòa Lạc "quét" sách ra kiến thức

Để hoàn thành một trò chơi tương tác, thầy Mạnh Linh và học sinh thường mất khoảng hai tháng và sử dụng nhiều công nghệ như Blender, Unreal Engine, Substance Designer, Photoshop. Trong các tiết học thử nghiệm, học sinh được dạy bằng phương pháp này ghi nhớ bài tốt hơn so với cách dạy truyền thống. Ngoài ra, học sinh có thể sử dụng công cụ Nearpod nghe bài giảng qua file Audio.

Sớm xem công nghệ như một giải pháp cho dạy học trực tuyến, thầy Linh cố gắng tận dụng tối đa các ứng dụng để bài giảng có nhiều “thực đơn” hơn, tăng trải nghiệm cho học sinh. “2 công cụ mình sử dụng để học sinh có thể trải nghiệm thuyết trình, phản biện là Artsteps và Canva. Với Artsteps, các bạn tự tạo một không gian ảo và mang cả thế giới lên đó, đưa cả lớp đi tham quan nơi mình thiết kế. Với Canva – công cụ đa năng đa nhiệm, các bạn có thể thiết kế các dạng ấn phẩm, sử dụng tính năng chia sẻ để làm việc nhóm thuận tiện hơn”, thầy Linh nói.

Sản phẩm Artsteps thuyết trình về truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy được thực hiện bởi nhóm học sinh K9 – Lớp 10A4

“Trong dạy học online, mình cũng không phải là người chỉ đuổi theo công nghệ. Nếu chưa thực sự hiểu về công cụ giảng dạy mới thì mình sẽ không áp dụng. Khi chưa làm chủ được công nghệ thì công cụ rất dễ trở thành con dao hai lưỡi”, thầy Linh nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm giảng dạy 10 năm, thầy Mạnh Linh cho rằng một nhược điểm trong môn văn mà dạy học online mang lại chính là vấn đề mất tập trung và đặc biệt là chữ viết, cách trình bày của học sinh. Để các bạn ghi chép bài thuận tiện và dễ bám sát được kiến thức, thầy Linh đã nghĩ đến giải pháp: bảng đen phấn trắng, kết hợp Goodnotes và bảng vẽ điện tử Wacom khắc phục khá tốt việc dạy cũng như tiếp thu kiến thức.

Giải pháp “bảng đen phấn trắng online” giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức và có thể truy cập drive để xem lại bài học trên lớp

Địa lý và những trải nghiệm “vượt ra ngoài sách giáo khoa”

Trong bối cảnh chuyển đổi từ hình thức thực hành trực tiếp sang trực tuyến, cô Lê Vân Anh (Trưởng Bộ môn Địa lý) đã thiết kế ra cuốn Atlat online – “cứu tinh” cho team yêu Địa lý trong mùa giãn cách.

“Học Địa lý 12 bắt buộc phải có Atlat nên mình đã làm tặng học sinh quyển Atlat Địa lí Việt Nam online. Ban đầu, mình dự kiến dành tặng riêng món quà nhỏ này cho học sinh THPT FPT Hòa Lạc nhưng thật bất ngờ khi sản phẩm nhận được ủng hộ rộng rãi từ phía thầy cô, học trò trên khắp mọi miền đất nước”, cô Vân Anh tự hào nói.

Cô Lê Vân Anh (Trưởng Bộ môn Địa lý, THPT FPT Hòa Lạc) ứng dụng công nghệ để sáng tạo ra cuốn Atlat Địa lý Việt Nam online

Sớm được trang bị kỹ năng công nghệ, các bạn học sinh THPT FPT Hòa Lạc dễ dàng tham gia vào những giờ học trải nghiệm của cô Vân Anh. Tùy theo từng nội dung kiến thức, cô và trò sẽ cùng nhau sử dụng những phần mềm, ứng dụng phù hợp để thực hành: tìm hiểu thế giới qua các công cụ hỗ trợ; chia nhóm nghiên cứu, thực hành sử dụng, khai thác các dạng bản đồ trực tuyến…

Ngoài ra, các hoạt động kiểm tra bài cũ thông qua game và quiz, nghiên cứu học liệu, thực hành bản đồ cũng được đẩy mạnh để thay đổi nhịp điệu giờ học, giúp học sinh hào hứng hơn với việc học Địa lý trực tuyến.

Học sinh thực hành gắn thẻ (tag) các quốc gia theo nhóm nước trên bản đồ

Học online yêu cầu cao tính tự giác của học sinh từ khâu chuẩn bị bài – học bài – ôn bài. Thay vì giới hạn không gian học tập, cô Vân Anh đã cho các bạn tự tổ chức một “tour du lịch địa phương online” ngay trong tiết học. Mỗi bạn sẽ đảm nhiệm một nội dung và cùng nhau tạo ra một video thực địa trải nghiệm gần gũi và chân thật nhất.

“Mỗi giờ lên lớp, các bạn lại nói với mình rằng muốn ngắm bầu trời thật sự chứ không phải qua màn hình. Điều đó khiến mình trăn trở và quyết định thực hiện dự án “Sơn Tinh – Thủy Tinh: Nội lực & Ngoại lực ở ngay nhà em”.

Tại đây các bạn được phép tắt camera, rời khỏi màn hình máy tính để quay video cảnh vật xung quanh nhà mình, nghiên cứu nó dưới góc nhìn địa lý. Trong quá trình thực hiện, các bạn luôn được nghiên cứu sách giáo khoa, các kênh thông tin, trao đổi theo nhóm nhỏ và phối hợp với nhau để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Cô giáo sẽ đồng hành cùng các bạn trong suốt thời gian thực hiện”, cô Vân Anh chia sẻ.

Hoạt động thực hành giúp học sinh có được nhiều trải nghiệm “vượt ra ngoài sách giáo khoa”

Được biết, dự án gồm 2 nội dung là: Giới thiệu thiên nhiên tại nơi mình sống với bạn bè và tìm hiểu các hiện tượng nội lực, ngoại lực tại ngay nơi mình ở.

Vớt hoạt động này, các nhóm sẽ được chia về các phòng họp nhỏ, cùng nhau thảo luận và phân công thành viên phụ trách theo các chủ đề của bài học. Sau đó, các bạn được rời khỏi vị trí ngồi học thông thường và đi ra trước cửa nhà, sau nhà, hoặc lên tầng thượng để quan sát, tìm kiếm các hiện tượng địa lí, tiến hành ghi hình và giới thiệu về hiện tượng mà mình nhìn thấy.

Những bạn không có máy quay hay điện thoại để ghi hình sẽ nhận trách nhiệm chỉnh sửa video sau khi các bạn khác có sản phẩm, “trực” tại phòng họp nhóm với cô giáo, liên tục cập nhật các thông tin, yêu cầu hay nhắc nhở của cô dành cho các thành viên. Cuối cùng, cả nhóm sẽ quay lại phòng học và cùng nhau dựng thành một video hoàn chỉnh giới thiệu về những địa danh được chọn.

“Video được dựng lên từ những cảnh quay thực tế do chính học sinh thực hiện. Hoạt động này giúp các bạn học sinh hiện thực hóa kiến thức trong sách, hiểu rõ hơn về địa hình địa phương cũng như cùng du lịch qua màn ảnh nhỏ tới thăm nhà các bạn cùng lớp”, cô Vân Anh giải thích.

Dự án được thực hiện bởi gần 100 bạn học sinh FSchool Hòa Lạc đến từ hơn 30 tỉnh thành khác nhau. Cô Vân Anh cho biết: “Lần đầu tiên được trải nghiệm kiến thức sách giáo khoa ngoài thực tế, nhiều bạn không khỏi bất ngờ vì những hiện tượng khó nhớ, khó giải thích lại ở ngay xung quanh mình. Nhiều bạn sau khi xem clip thì có cảm giác được đi du lịch và đến thăm nhà bạn mình… Nếu như học theo hình thức truyền thống, chắc có lẽ sẽ không có dịp được cùng lúc đến thăm nhà nhiều bạn đến thế”.

Toàn cảnh dự án và sản phẩm được thực hiện bởi các bạn học sinh các lớp 10A2, 10A14, 10A19, 10A26, 10A28 (FSchool Hòa Lạc)

Theo cô Vân Anh, học trực tuyến có thể giới hạn học sinh về không gian địa lý nhưng lại mở ra không gian sáng tạo và nhiều trải nghiệm mới, cũng như giúp học sinh tự trang bị những kỹ năng mới nhất là khi Internet và các ứng dụng CNTT lên ngôi.

“Người giáo viên cần biết sử dụng hài hòa giữa công nghệ và thực tế để học sinh không “mỏi mắt” với 8 tiết học/ngày hay chỉ biết nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính. Với bộ môn Địa lý, các bạn hoàn toàn tiếp nhận bài học đảm bảo chất lượng như giờ học truyền thống, thậm chí được tham gia những hoạt động trải nghiệm địa phương mà nếu học trên lớp thì khó có thể thực hiện được”, cô Vân Anh chia sẻ.

Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.

Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.

Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình.

Huệ Anh

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

3655

Nhân vật