Trường học trải nghiệm

Trải nghiệm từ khoa học, công nghệ đến nghệ thuật qua các giờ học STEM – Công nghệ 4.0 của học sinh TH&THCS FPT Đà Nẵng

09/10/2021
Nguyễn Huệ Anh
3487

STEM – Công nghệ 4.0 luôn là bộ môn hấp dẫn đối với học sinh Trường TH&THCS FPT Đà Nẵng. Không chỉ trải nghiệm, sáng tạo và tự tay tạo ra các sản phẩm thực tế, học sinh còn được nắm chắc kiến thức về khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học cũng như phát triển toàn diện các kỹ năng thế kỷ 21.

Giáo dục STEM – Công nghệ 4.0 ở Trường TH&THCS FPT Đà Nẵng có thời lượng 2 tiết/tuần. Tham gia học tập bộ môn này, học sinh được tiếp cận kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học một cách chuyên sâu, toàn diện nhờ trải nghiệm thông qua các dự án thực tế.

Vũ trụ trở nên thật gần gũi với các bạn học sinh khối 3 sau khi hoàn thành dự án “Thiết kế Hệ mặt trời”
Học sinh trải nghiệm sản phẩm "Xe đua phản lực" do bản thân tự thiết kế và chế tạo

Trong năm học 2021 – 2022, Giáo dục STEM – Công nghệ 4.0 tiếp tục được triển khai theo định hướng giúp học sinh vận dụng tri thức, đề cao sự trải nghiệm thực hành và sáng tạo. Đứng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh toàn thành phố phải chuyển sang hình thức học tập trực tuyến, điều này là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội để thầy và trò trường TH&THCS FPT phát huy tính sáng tạo và trải nghiệm trong môn STEM – Công nghệ 4.0.

Học sinh báo cáo dự án “Smart Garden" trong môn Công nghệ 4.0 - Lớp 7

Đẩy mạnh trải nghiệm trong học tập trực tuyến

Theo cô Tăng Thị Xuân Tuyền (Giáo viên STEM khối Tiểu học, Trường TH&THCS FPT Đà Nẵng), STEM là môn học đề cao tính thực hành và trải nghiệm nên các giáo viên luôn cố gắng sử dụng phương pháp dạy học tích cực giúp học sinh có những trải nghiệm hiệu quả nhất trong bối cảnh học trực tuyến.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù phải học trực tuyến nhưng học sinh vẫn được tự tay thực hành các thí nghiệm dưới sự hướng dẫn và quan sát qua màn hình. Cô Tuyền thường lựa chọn những thí nghiệm sử dụng nguyên vật liệu có sẵn trong gia đình để học sinh dễ dàng thực hành, trải nghiệm sự mới lạ trong giờ học trực tuyến.

Bên cạnh đó, để giờ học trở nên sôi nổi hơn, giáo viên tăng tính tương tác trong giờ học thông qua những trò chơi trực tuyến như Quizizz, Kahoot, Izi, Blooket, Gimkit, phần mềm thí nghiệm ảo, phần mềm thiết kế, phần mềm 3D… Nhờ được trang bị tốt các kỹ năng công nghệ mà học sinh dễ dàng tiếp cận và tham gia các hoạt động của giáo viên.

Trải nghiệm phần mềm 3D đã góp phần giúp bức tranh của các em sau khi hoàn thành trở nên đầy sống động

“Trong suốt quá trình giảng dạy cho khối Tiểu học, mình luôn sử dụng những phương pháp tích cực, dẫn dắt học sinh bắt đầu từ chính sự tò mò của trẻ nhỏ đến hình thành những tư duy, kỹ năng và sự sáng tạo. Từ những trải nghiệm này, sẽ khơi dậy được đam mê nghiên cứu và sáng tạo của chính bản thân học sinh”, cô Tuyền chia sẻ.

Sau thời gian tổ chức dạy học trực tuyến, thầy Phạm Đình Xuân (Nhóm trưởng nhóm STEM – Công nghệ 4.0, Trường TH&THCS FPT Đà Nẵng) chia sẻ một số khó khăn của Thầy và trò khi dạy - học bộ môn này. Trong quá trình học tại nhà, các bạn học sinh không thể quan sát trực tiếp các thiết bị phục vụ cho bài thực hành, cũng như cách khắc phục sự cố với những thiết bị đó. Ngoài ra, việc không thể hướng dẫn trực tiếp ở các bài thực hành cũng khiến giáo viên khó khăn trong việc đánh giá đúng năng lực học sinh ở bộ môn Công nghệ 4.0.

Tự thực hành là cơ hội để học sinh hình thành được thói quen tìm ra vấn đề khó khăn đang tồn tại và cải thiện vấn đề đó. Đây cũng là một bước quan trọng trong việc hoàn thành sản phẩm dự án

Để khắc phục những khó khăn này, các giáo viên trong tổ STEM – Công nghệ 4.0 đã chủ động nâng cao kỹ năng của học sinh khi sử dụng các thiết bị công nghệ, công cụ dạy và học; thay đổi quy trình dạy - học từ lý thuyết – thực hành sang lý thuyết xen kẽ thực hành nhằm tạo sự hứng khởi và trải nghiệm phương pháp “học đi đôi với hành". Ngoài ra, các thầy cô cũng hướng dẫn học sinh tận dụng máy tính cá nhân để tra cứu tài liệu, đẩy nhanh tốc độ tính toán mô phỏng thông qua các website thiết kế 3D, mô phỏng mạch điện tử…

Dù học online nhưng các bạn học sinh vẫn được trải nghiệm toàn diện dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại

Trong quá trình học bộ môn STEM – Công nghệ 4.0, học sinh không chỉ tiếp cận kiến thức để thực hiện các dự án mà còn được thầy cô hưởng ứng tham gia các cuộc thi “Tin học trẻ” và đạt được thành tích cao như Giải Nhất bảng D2 (Nghiên cứu khoa học – thiết bị điểm danh tự động cho xe tuyến), Giải Ba bảng R1 (chế tạo và lập trình robot) và giải khuyến khích bảng B (lập trình C). Sắp tới, các bạn học sinh khối THCS sẽ bước vào vòng khu vực miền Trung của cuộc thi “Tin học trẻ” với vốn kiến thức căn bản tốt về điện tử, lập trình cùng các kỹ năng mềm quan trọng như làm việc cá nhân, làm việc nhóm, phát triển ý tưởng... được hình thành sau khi học bộ môn này.

Học sinh chế tạo Robot, tham gia cuộc thi “Tin học trẻ" bảng R1

Phát triển toàn diện các kỹ năng và sự tự tin trong giao tiếp công nghệ cho người học

Tại trường TH&THCS FPT, định hướng dạy học STEM – Công nghệ 4.0 không phải là cố gắng “nhào nặn” các học sinh trở thành thiên tài mà mong muốn mỗi ngày sẽ trang bị cho các bạn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng dụng trong các bậc học tiếp theo và trong cuộc sống thời đại hiện nay.

Học sinh sôi nổi làm việc nhóm, nhằm tìm ra cách tối ưu nhất để chế tạo xe ô tô phản lực trong dự án “Thiết kế ô tô phản lực”

Thầy Hoàng Văn Duy (Giáo viên STEM – Công nghệ 4.0 khối THCS, Trường TH&THCS FPT Đà Nẵng) nhấn mạnh: “Ngoài những kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán thì mình đặc biệt chú trọng mục tiêu phát triển cho học sinh các kỹ năng mềm như thuyết trình, báo cáo, thực hiện dự án có tính ứng dụng cao theo kế hoạch đề ra... Đặc biệt, các bạn được trang bị kỹ năng tự học để chủ động tìm kiếm tài liệu, thiết bị mới trên nền tảng kiến thức đã được giáo viên cung cấp”.

Bản thiết kế thời trang của các em khối 6
Với dự án Fashion 4.0, học sinh khối 6 thiết kế thời trang trên máy tính với phần mềm Tailornova, ClO 3D
Học sinh khối 6 thiết kế thực đơn cho bản thân trong dự án “Healthy food"

Các giờ học STEM diễn ra sinh động với nhiều phương pháp khác nhau như thảo luận nhóm, lớp học đảo ngược, nhóm chuyên gia… Trong quá trình thực hành, mỗi nhóm được giao nhiệm vụ tìm hiểu một thiết bị khác nhau để trở thành chuyên gia về thiết bị đó. Cuối cùng, học sinh sẽ trình bày, giải thích, làm thí nghiệm cho các nhóm khác cùng theo dõi.

Các bạn học sinh đặc biệt thích thú với những giờ học thực hành từng module nhỏ để phát triển thành dự án cuối học kì

Trong quá trình giảng dạy, thầy Duy nhận thấy mỗi học sinh sẽ sở hữu những năng khiếu, kỹ năng khác nhau và sẽ thể hiện hết thông qua các dự án. Khi được chủ động trong các hoạt động học tập và trải nghiệm, các bạn sẽ đầu tư thời gian thực hiện nó tốt nhất bằng sự sáng tạo của mình.

“Mình từng dạy một học sinh có vẻ khá lười và ít tham gia các hoạt động trải nghiệm. Nhưng đến dự án Clean Water (liên quan đến nước sạch và ngành chăn nuôi thủy sản), bạn ấy đã rất chú tâm, đầu tư thời gian và công sức vào đó bởi có sở thích nuôi các loại động vật dưới nước. Điều này cho thấy nội dung dự án của môn STEM – Công nghệ 4.0 luôn có sự khác biệt và có khả năng lôi cuốn rất tốt bởi học sinh không còn thụ động nghe lý thuyết mà được chủ động nắm bắt kiến thức, thực hành trong trong giờ học”.

Học sinh đang chế tạo mô hình trong dự án “Clean water"

Còn với cô Xuân Tuyền, giáo dục STEM – đặc biệt là trong bối cảnh học trực tuyến như hiện nay càng thể hiện tốt vai trò xây dựng và phát triển kỹ năng cho học sinh. Chẳng hạn bài tập về nhà được xây dựng dưới dạng các thử thách, thí nghiệm nhỏ nhằm kích thích “bản năng chinh phục” của học sinh. Những hoạt động tại nhà giúp học sinh phát triển thêm kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư duy sáng tạo. Đây là những nhóm kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21.

Để khơi dậy đam mê của mỗi học sinh, thầy cô không cố gắng nhồi nhét kiến thức mà luôn định hướng để các bạn tự phát triển bản thân mình. Điều này giúp học sinh tự tin vào chính mình và trưởng thành hơn sau mỗi tuần học

Ngoài ra, việc thường xuyên trao đổi, tương tác giữa giáo viên - học sinh - phụ huynh cũng góp phần tăng cường kết nối, giúp giáo viên hiểu được tâm tư nguyện vọng, thuận lợi hay khó khăn của các em trong quá trình học trực tuyến. Từ đó, các thầy cô giáo STEM cũng như các tổ bộ môn khác nói chung của Trường TH&THCS FPT Đà Nẵng có thể điều chỉnh giáo án, phương pháp tiếp cận bài học phù hợp hơn, nhằm tạo sự hứng khởi và tối đa hóa trải nghiệm cho học sinh, nhất là trải nghiệm hình thành nên kỹ năng mềm, kỹ năng sống cần thiết cho học sinh trong bối cảnh học trực tuyến.

Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.

Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.

Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình.

Huệ Anh

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

3487

Nhân vật