Bàn chuyện Giáo dục

Đột phá kiểu anh Nam FUNiX

23/11/2017
Đặng Thị Hậu
5864

Giữa dàn diễn giả comple và cravat có mặt tại buổi hội nghị mang tên Tư duy đột phá trong kinh doanh của tạp chí Nhịp cầu Đầu tư, có lẽ anh Nguyễn Thành Nam, đồng sáng lập FPT và Đại học FUNiX, là người gây "đột phá“ nhất về mặt hình thức: Đầu trọc, áo sơ mi xắn tay, chân mang sandal cao su. Và không chỉ có thế.

Anh bộc bạch mình thật sự chẳng phải dân làm kinh doanh. Thế mà có ngày lên diễn thuyết trong một hội nghị đầu tư uy tín thế này đã là một đột phá của bản thân rồi. So với anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, thì cái tên Nguyễn Thành Nam có vẻ ít thu hút truyền thông hơn. Nhưng không vì thế mà có thể kết luận anh là người nói chuyện thiếu sức hút. Trong các phần trình bày của diễn giả sáng nay, anh là người duy nhất thật sự kể một câu chuyện.

Anh Nam thốt ra một câu nửa đùa nửa thật, đột phá đôi khi đồng nghĩa với đi lạc đường đấy! Anh phàn nàn về lời giới thiệu trong đoạn clip, bảo Đại học FUNiX là đại học trực tuyến đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Sợ cái chữ duy nhất. Đó không phải là cách làm truyền thông hay ho đâu. Duy nhất thì có khi là đang đi lạc đấy. Một mình một lối, xung quanh không có ai thì cũng đừng mừng vội.

Người Việt Nam mình hay dị ứng với các chữ đại loại như lầm đường hay lạc lối. Trong 10 năm đầu, FPT cũng lạc đường đấy thôi. Khi mới từ Nga về, cùng anh Bình sáng lập ra FPT, anh Nam đặt mục tiêu FPT sẽ trở thành Microsoft. Thật ra thì khi có mục tiêu rồi người ta mới dễ lạc lối. Bởi thấy mục tiêu đó mà không biết cách làm thế nào để đi tới đó. Cứ đi lạc hoài. Không có mục tiêu thì mới là khó bị lạc đường. Ngẫm lại cũng đúng nhỉ?

Bởi làm phần mềm, công nghệ thông tin thì chỉ có Mỹ là số 1, thế là FPT lấy Microsoft làm mục tiêu là chuẩn rồi. Nhưng lạc lối mãi mà không đến được mục tiêu, đành phải chuyển hướng từ trời Tây về phương Đông. Đó là khi FPT đến Bangalore, Ấn Độ. Khi đó là năm 1998, còn nghèo nàn lạc hậu lắm. Ấy thế mà gần gũi với Việt Nam, anh Nam tấm tắc.

Thế là đã tìm ra chân lý. Một mục tiêu mới gần gũi hơn, và trong tầm tay hơn. Anh nhắc đi nhắc lại một ý, lạc đường là chuyện bình thường. Nhưng quan trọng khi lạc thì bạn biết phải hỏi ai. Anh bảo gặp ông Narayana Murthy, sáng lập Infosys, nói với anh một câu mà anh nhớ hoài cho tới hôm nay. Đại loại là, "Chúng tôi chả phải là công ty công nghệ, mà chúng tôi là công ty quản lý những con người làm công nghệ“. Ngẫm lại mới thấm, công nghệ có là gì khi mà không thể quản những con người làm công nghệ?

Lạc lối chả có gì đáng sợ nếu chúng ta có được những người chỉ đường để hỏi bất cứ lúc nào. Đó cũng là tinh thần của đại học FUNiX, với mô hình đội ngũ Mentor lên đến gần 2.000 người, sẵn sàng giải đáp bất cứ thắc mắc gì của sinh viên. Nếu không biết thì cứ trả lời không biết để sinh viên nó hỏi tiếp người khác. Đang đi lạc sợ nhất hỏi phải thằng không biết gì mà cứ chém gió luyên thuyên mất thời gian. Anh nhận ra mấy mô hình đại học kiểu campus đẹp lộng lẫy, khuôn viên hoành tráng thì cũng chả thu hút mấy sinh viên tại Việt Nam. Họ chỉ cần lên mạng, học được kiến thức hay ho là đủ.

Cũng như lần trước với FPT, anh Nam du hí trời Âu để tham khảo xem thế giới người ta có đang làm gì tương tự không, sợ mình lại bị khác biệt kiểu lạc lối. Ecole 42, một coding school của Pháp có chi nhánh tại Sillicon Valley, là một mô hình quái lạ khiến anh thích thú. Không giáo viên, không giáo án, cả trường hình như có tầm 10 nhân viên gì đó, đã bao gồm 5 lao công quét dọn... Sinh viên chấm điểm lẫn nhau thì phải. Nói chung tất tần tật qua Internet. Làm bài giảng đầu vào qua online test, học theo bài tập project... Thế mà ra trường thì các công ty công nghệ ráo riết săn sinh viên. FUNiX chắc chắn không phải kiểu Ecole 42, nhưng giống cái tinh thần tự học.

Tự học là cách học hiệu quả nhất. Làm sao để khuyến khích sinh viên học cách tự học. Muốn tự học tốt thì phải biết cách đặt câu hỏi. Cái này Việt Nam mình còn thiếu lắm. Mình đi học chỉ để tìm câu trả lời, chứ có ai dạy mình cách đặt câu hỏi đâu. Nên ngại hỏi lắm, hỏi ra sợ lộ cái ngu. Và thế mà cứ mãi ngu. Mô hình sử dụng mentor của FUNiX là giúp cho các em thoải mái đặt câu hỏi. Hiện tại hình như số lượng mentor còn đông hơn cả sinh viên. "Cái này do tôi làm kinh doanh kém", anh Nam bộc bạch.

Dù thế nào, tôi tin anh Nam đã mang lại một sự đột phá cho FUNiX, đó là tạo ra một mô hình học trực tuyến với mạng lưới những người chỉ đường tâm huyết. Sinh viên mà, ai chả có lúc đi lạc!

Vài dòng ghi chép từ phần trình bày của anh Nam.

Trần Quốc Khánh 
TV Host, Sáng lập KAT MEDIA

(theo Chúng ta)

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

5864

Nhân vật