FPT đề xuất nhiều chính sách thiết thực với Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng ngày 02/4, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chuyến thăm và làm việc tại Tập đoàn FPT về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mở đầu phiên làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, việc xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá để thực hiện phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng là yếu tố then chốt, quyết định năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. FPT là đơn vị đã áp dụng thành công mô hình kết hợp giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Do đó, đại diện Đoàn giám sát hy vọng trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, cụ thể, sẽ có buổi làm việc hiệu quả tại Tập đoàn FPT.

Báo cáo trước Đoàn giám sát, Giám đốc Nhân sự FPT Chu Quang Huy trình bày, Tập đoàn có nguồn nhân lực đa dạng về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ, độ tuổi, trình độ… Tính đến hết 31/12/2024, toàn FPT có 83.826 nhân sự làm việc tại hơn 30 quốc gia, trong đó, có hơn 3.700 nhân sự người nước ngoài với 87 quốc tịch, đến chủ yếu từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Slovakia, Malaysia, Mexico, Philippines... Số nhân sự có trình độ đại học và sau đại học chiếm trên 80% tổng nhân sự của toàn Tập đoàn. 100% cán bộ nhân viên ký hợp đồng lao động chính thức với Tập đoàn FPT tại Việt Nam đều được thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật.

Tại FPT, người lao động luôn được khuyến khích và đầu tư mạnh mẽ để nâng cao năng lực chuyên môn, công nghệ, kỹ năng mềm… góp phần khẳng định vị thế công ty công nghệ đẳng cấp thế giới. Năm 2024, FPT đã chi gần 185 tỷ đồng cho đào tạo nội bộ. Song song đó, thể hiện quyết tâm đồng hành, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của các tỉnh, thành phố, đặc biệt là nhân lực thành thạo công nghệ cao như AI, STEM, Robotic, thời gian qua, FPT tiếp tục mở rộng quy mô hệ thống giáo dục FPT tại các tỉnh, thành trên cả nước. Tính đến hết năm 2024, FPT tiếp tục ghi nhận những kỷ lục mới trong lĩnh vực giáo dục với 67 điểm trường trên toàn quốc; mở rộng vùng phủ đến 28 tỉnh, thành; hơn 152.000 người học quy đổi trên toàn hệ thống.

Đề xuất với Đoàn giám sát, Tập đoàn FPT mong muốn các chính sách của nhà nước về thu hút nhân tài Việt Nam ở nước ngoài; hợp tác quốc tế và trong nước; thủ tục hành chính trong tuyển dụng và sử dụng lao động… ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần đơn giản hóa quy trình cấp giấy phép lao động, thị thực cho chuyên gia nước ngoài.
Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đối với các chuyên gia làm việc cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đã được đăng ký với cơ quan chức năng; các chuyên gia làm việc tại địa điểm là khu vực quy hoạch phát triển công nghệ cao, ví dụ Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Đà Nẵng... Đồng thời, nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh để thu hút, tạo động lực giữ chân nhân lực chất lượng cao.
Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo của Tập đoàn FPT; cho rằng đơn vị đã chuẩn bị công phu, bám sát nội dung theo yêu cầu. Để đảm bảo toàn diện hơn, Đoàn giám sát đề nghị cần bổ sung thêm số liệu về tỷ lệ sinh viên được đào tạo trong hệ thống của các Trường của FPT sau khi ra trường làm việc tại Tập đoàn là bao nhiêu và tỷ lệ làm việc cho các doanh nghiệp ngoài là bao nhiêu; khả năng đáp ứng yêu cầu công việc cho các doanh nghiệp ngoài của sinh viên tốt nghiệp từ cơ sở giáo dục thuộc FPT hiện tại thế nào; tỷ lệ giữa đào tạo chính quy và không chính quy…
Đồng thời làm rõ hơn về năng lực nguồn nhân lực giảng viên cho lĩnh vực bán dẫn; kế hoạch đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn trong thời gian tới; công tác đào tạo của FPT so với quốc tế.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan ghi nhận, đánh giá cao những thành công và các chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài của Tập đoàn FPT thời gian qua; tuy nhiên các kiến nghị cần gắn liền với thực tiễn và được nêu cụ thể, đầy đủ hơn trong Báo cáo. Trên cơ sở các thông tin trao đổi tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan cho biết Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu, tổng hợp để đưa vào Báo cáo kết quả giám sát những nội dung phù hợp, phục vụ quá trình rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sử dụng và phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Chungta.vn