Bắt “trend” thành đề tài nghiên cứu khoa học, sinh viên FPT Edu gây ấn tượng tại vòng chung kết FPT Edu ResFes 2024
Trong hai ngày 17 – 18/8, một số đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực văn hoá, sản xuất – kinh doanh và môi trường đã nhận được đánh giá cao từ BGK.
Quảng bá văn hoá vùng Tây Bắc qua dự án ca sĩ thần tượng ảo
Ca sĩ thần tượng ảo từ công nghệ AI không xa lạ với các cường quốc giải trí nhưng lại là lĩnh vực rất mới tại Việt Nam. Trình bày đề tài “Sử dụng mô hình kết hợp giữa thần tượng thật và thần tượng ảo để quảng bá bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua Thiết kế kỹ thuật số”, nhóm TấmMây duo&HEE đã nhận được đánh giá tích cực của BGK chuyên môn tiểu ban Thiết kế Mỹ thuật số.
Đề tài nằm trong khuôn khổ phát triển bền vững và bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Việt Nam. Các thành viên xây dựng nữ thần tượng ảo tên Pao nhằm quảng bá bản sắc văn hóa qua bộ sản phẩm gồm: nhận diện thương hiệu, thiết kế nhân vật, dàn dựng sân khấ, album ảnh minh họa album ra mắt của Pao cùng các phụ kiện (lightstick, thẻ đeo, áo, túi, mũ). Đề tài đặt mục tiêu góp phần xây dựng thái độ trân trọng của giới trẻ Việt Nam đối với di sản văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua trải nghiệm giải trí bắt nhịp xu hướng thế giới.
Thầy Lã Hồng Quân – BGK Tiểu ban Thiết kế mỹ thuật số đánh giá cao về ý tưởng và động lực nghiên cứu của nhóm. Tuy nhiên, thầy cũng gợi ý các thành viên cần phải nghiên cứu sâu hơn để định hình được giá trị mà thần tượng ảo mang lại thay vì chỉ học tập các ví dụ điển hình của nước ngoài.
Thúc đẩy gen Z tiêu thụ sản phẩm tái chế qua truyền thông mạng xã hội
Trải qua 3 tháng nghiên cứu với gần 500 khảo sát đối tượng sinh viên tại TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu “Tác động của mạng xã hội đến việc tiêu thụ sản phẩm tái chế của thế hệ Z tại Thành phố Hồ Chí Minh” của nhóm Y2Z đã chỉ ra truyền thông mạng xã hội có tác động trực tiếp tới việc thu hút người tiêu dùng trẻ quan tâm tới sản phẩm tái chế.
Trong đó, phương pháp “storytelling” đã làm tốt trong việc tác động đến cảm xúc của người tiêu dùng, khiến gen Z hình thành nhận thức và tiếp nhận thông tin về sản phẩm. Thế nhưng, đây lại không phải yếu tố quyết định trong việc thúc đẩy mua hàng. Thói quen sử dụng sản phẩm công nghiệp đã hình thành qua nhiều thế hệ, đặc biệt là thành kiến về chất lượng và giá cả đã khiến nhiều gen Z từ chối mua sản phẩm tái chế.
Thông qua nghiên cứu này, Y2Z đã tìm ra một số giải pháp cho doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thông qua truyền thông mạng xã hội như: xây dựng chiến dịch tiếp thị bằng “storytelling” về nguồn gốc, quy trình chế tạo sản phẩm; thay đổi bao bì theo hướng trẻ trung và sáng tạo hơn nhưng vẫn giữ tính xanh của dòng sản phẩm này; đa dạng hoá kích thước, chất liệu sản phẩm để hạ giá thành phù hợp với thu nhập và nhu cầu tiêu dùng…
Nghiên cứu về sản phẩm biến đổi gen để phát triển ngành công nghiệp thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường
“Nhận thức và sự chấp nhận của thế hệ Z Việt Nam về ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thực phẩm: Nghiên cứu tác động của kiến thức, niềm tin và nhận thức đến thái độ và ý định mua hàng của khách hàng đối với thực phẩm biến đổi gen” của nhóm sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ đã phân tích dữ liệu khảo sát từ 485 gen Z thông qua việc kiểm tra các yếu tố như kiến thức, niềm tin, lợi ích nhận thức và rủi ro nhận thức.
Kết quả cho thấy, việc nâng cao kiến thức, niềm tin và nhận thức cho gen Z về lợi ích của sản phẩm có tác động tích cực đến ý định mua hàng. Thế nhưng, khách hàng lại không có thái độ tiêu cực với khi tiếp cận thông tin về các yếu tố rủi ro của sản phẩm này. Từ đây, các doanh nghiệp có thể định hình các chiến lược tiếp thị phù hợp để giải quyết mối quan tâm của người tiêu dùng, đồng thời nhấn mạnh lợi ích của thực phẩm biến đổi gen để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Được biết, nhóm đã có 2 bài nghiên cứu về đề tài thực phẩm biến đổi gen được đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế. Đề tài lần này là phần thứ 3 của công trình, cũng đang trong giai đoạn kiểm duyệt chờ xuất bản và đã giành được giải Quán quân của Tiểu ban Truyền thông đa phương tiện – Chung kết FPT Edu ResFes 2024.
Huệ Anh
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn