FPT Edu - Tin tức chung

Ban giám khảo FPT Edu Tích Tịch Tình Tang đánh giá cao thí sinh FPT Edu tại vòng chung kết

21/08/2022
Hà Hải Ngân
2446

"Sinh viên FPT Edu chơi nhạc cụ tương đương với học viên học viện Âm nhạc", "có quá nhiều sự bất ngờ trong đêm chung kết" và "các thí sinh đã thực sự khiến giám khảo phải bất ngờ"… là những điều mà các chuyên gia âm nhạc truyền thống dành cho thí sinh FPT Edu trong đêm chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang.

Là giám khảo công tâm tại vòng chung kết nhưng Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền – Nghiên cứu viên – Ban nghiên cứu Nghệ thuật Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng – TS. NSUT, Trưởng khoa Âm nhạc Truyền thống, Nhạc viện TP. HCM cũng là những người nghiên cứu và am hiểu về âm nhạc truyền thống. Sau vòng chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng đã có những chia sẻ liên quan đến chất lượng thí sinh của FPT Edu.

Khả năng chơi sáo của sinh viên FPT Edu tương đương với học viên âm nhạc

Đóng vai trò giám khảo tại vòng chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã theo dõi rất kỹ các tiết mục biểu diễn. Anh cho biết, đối với một sân khấu với những thí sinh nghiệp dư thì chất lượng các tiết mục tại vòng chung kết khiến anh khá ngạc nhiên, đặc biệt là ở bảng độc tấu đàn tranh và độc tấu sáo.

"Thí sinh của bảng độc tấu sáo trúc đã chơi tốt đến nỗi khiến tôi thực sự giật mình. Kỹ năng của các bạn thậm chí có thể so sánh tương đương với những học viên đang theo học tại học viện âm nhạc" – Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết.

Tuy nhiên, anh Hiền cũng chia sẻ, kỹ năng chơi nhạc cụ của sinh viên FPT Edu đã khá tốt, nhưng hàm lượng nhạc dân tộc cải biên trong các tiết mục vẫn còn nhiều. Để có thể chơi đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu với hàm lượng âm nhạc dân tộc lớn thì còn cần nhiều sự cố gắng. Nhưng đó cũng có thể coi là một bước chân tiến về với văn hóa dân tộc của những người không bắt buộc phải học nhạc, không bắt buộc phải đi thi thì như vậy đã là rất tốt rồi.

Cũng theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, việc đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy, phổ cập tại một trường đại học không chuyên về âm nhạc giống như Trường ĐH FPT là một việc làm rất tốt trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Bởi từ lâu, việc đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy tại trường đại học đã rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, ở một số nước còn tồn tại nhạc viện nằm trong trường đại học. Do vậy, việc học nhạc cũng như học thể thao trở thành những môn học tập bắt buộc, trang bị cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cho người trẻ.

Do vậy, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng đánh giá cao cơ chế đào tạo nhạc cụ dân tộc của Trường ĐH FPT. Tuy nhiên, với vai trò là một chuyên gia âm nhạc dân tộc, anh Hiền cũng mong muốn người trẻ FPT Edu có thể trải nghiệm nhiều hơn nữa, tìm hiểu nhiều hơn nữa. Bởi âm nhạc và văn hóa dân tộc không chỉ nằm ở một vài bài nhạc, một vài giai điệu. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình có thể chơi được một, hai loại đàn truyền thống, thành thạo một, hai bản nhạc là đã nắm đã văn hóa âm nhạc từ nghìn đời trong tay. Trải nghiệm và học hỏi không ngừng để nâng cao hiểu biết và giá trị bản thân mới là cốt lõi của việc giữ gìn văn hóa dân tộc.

 

Có quá nhiều sự bất ngờ trong một đêm chung kết

Là một Nghệ sĩ ưu tú, Trường khoa Âm nhạc Truyền thống Nhạc viện TP. HCM, cô Nguyễn Thị Hải Phượng đã tiếp xúc nhiều với những người trẻ đam mê bộ môn nhạc cụ truyền thống. Thế nhưng tại chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, cô Hải Phượng vẫn không giấu nổi sự hào hứng trước phần trình diễn của các bạn thí sinh FPT Edu.

Theo cô Hải Phượng, đối với những thí sinh không chuyên như sinh viên FPT Edu, việc chơi thành thạo một bản nhạc đã là rất đáng túy. Thế nhưng tại đêm chung kết, dưới áp lực của cuộc thi hay là sự xuất thần của các thí sinh, mà các bạn đã chơi đàn thực sự bất ngờ.

Đặc biệt, cô Hải Phượng ấn tượng với bảng độc tấu đàn tỳ bà. Bởi loại đàn này vốn dĩ hay được gán với nữ giới, nhưng cả ba tiết mục biểu diễn tại đêm chung kết đều là ba tiết mục của các bạn nam. Hơn thế nữa, tất cả các bạn đều chơi cực kỳ tốt, cực kỳ điêu luyện.

Bên cạnh đó, cô Hải Phượng cũng có cùng chung ý kiến với Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, khi ủng hộ một ngôi trường không chuyên đào tạo âm nhạc như ĐH FPT tiếp tục triển khai, đầu tư cho công tác giáo dục về nhạc cụ dân tộc và văn hóa truyền thống. Bởi đây là một cách hay nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và thành công.

Với những màn trình diễn nhiều cảm xúc, mùa đầu tiên của cuộc thi nhạc cụ dân tộc FPT Edu Tích Tịch Tình Tang đã khép lại với thật nhiều dấu ấn đặc biệt. Đặc biệt nhất trong đó là cuộc thi đã nuôi dưỡng và tiếp thêm động lực cho tình yêu dân tộc và văn hóa truyền thống thêm phần mạnh mẽ.

 

Hải Ngân

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

2446

Nhân vật