Bức tượng “Self-made man” thu hút sự chú ý tại ĐH FPT TP. HCM
Hôm qua (25/10), sự xuất hiện của bức tượng "Self-made man" trong sân trường ĐH FPT TP. HCM đã thu hút sự chú ý của nhiều CBGV và SV của Trường. Không chỉ gây ấn tượng bởi nét đẹp Phục Hưng cổ điển, bức tượng còn truyền tải nhiều triết lý giáo dục có ý nghĩa của Tổ chức Giáo dục FPT.
“Self-made man” là một cụm từ cổ điển được đặt ra vào năm 1832 bởi Henry Clay, để mô tả một người thành công bằng năng lực của chính mìng, không phải bởi các điều kiện từ bên ngoài. Năm 1987, Bobbie Carlyle lần đầu tiên mang hình tượng "Self-made man" đến với công chúng với hình ảnh của một Bức tượng đồng về người đàn ông đang tự khắc hình ảnh chính bản thân mình từ đá. Với nét đẹp độc đáo cùng ý nghĩa sâu sắc về sự kiên trì và nỗ lực của con người, bức tượng ngay lập tức trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của Bobbie Carlyle.
Được đặt ở ngay trung tâm sân trường – vị trí trang trọng nhất trong ĐH FPT campus TP. HCM, bức tượng Self-made man vừa thể hiện được triết lý đào tạo của FPT Edu: giáo dục và đào tạo là tổ chức và quản trị việc tự học của người học; vừa nhắn nhủ đến các thế hệ SV của trường luôn phải dựa vào sự nỗ lực của bản thân mình để đạt được thành công.
Trong sáng 25/10, tại buổi lễ khai trương tượng Self-made man, TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cùng các cán bộ, giảng viên Tổ chức Giáo dục FPT tại TP. HCM đã trang trọng cắt băng khánh thành bức tượng và bày tỏ tinh thần nỗ lực của bức tượng Self made man sẽ là tư duy xuyên suốt với người học và CBGV của Tổ chức Giáo dục FPT.
Thục Anh
Ảnh: ĐH FPT TP. HCM