Chung kết FPT Edu Color Up 2020: Top 12 bảng Graphic Design thuyết trình bản lĩnh, chinh phục ban chuyên môn
Sáng ngày 29/12, không khí Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA (Hà Nội) nóng hơn bao giờ hết bởi sự xuất hiện của top 12 thí sinh bảng Graphic Design. Các đội đã bốc thăm thứ tự và tự tin chờ đến phần thi của mình.
8h30, top 12 bảng Graphic Design đã có mặt đông đủ tại VCCA để chuẩn bị cho phần thi của mình. Phần lớn các nhóm đều cảm thấy bình tĩnh, không tạo áp lực cho bản thân để làm tốt bài thi của mình.
9h00, ban chuyên môn gồm anh Lailai Nguyễn – Founder at Hayho Artist, anh Trần Khánh Quân – Co-Founder/Director – Studio COHE, anh Lê Anh Tùng – Design Director – Kenh14.vn có mặt tại phòng thi.
9h30, khai mạc vòng thi Chung kết với sự có mặt của chị Phạm Tuyết Hạnh Hà – Trưởng BTC, Ban chuyên môn và top 12 thí sinh bảng Graphic Design. Tiếp đó, là phần công bố những gương mặt xuất sắc nhất của bảng B và cũng chính là thứ tự các đội sẽ thuyết trình ngày hôm nay.
Mở đầu buổi chung kết là phần thuyết trình của bạn Vũ Thị Thúy Duyên đến từ FPoly Hà Nội với tác phẩm mang tên của chính mình. Chủ đề tác phẩm là lên án việc bắt nạt trên mạng xã hội và bodyshaming. Thông điệp tác phẩm mang đến là mong mọi người trở nên văn minh hơn trên mạng và cũng là lời nhắn nhủ đến những ai bị tấn công trên mạng: Hãy mạnh mẽ đối mặt với khó khăn.
Sau 5 phút trình bày, Thúy Duyên đã để lại ấn tượng mạnh cho BGK với ý nghĩa thông điệp rõ ràng. Tuy nhiên, giám khảo Lê Anh Tùng cũng chia sẻ: "Khi bạn trưởng thành hơn về tư duy thẩm mỹ, hãy làm chiếc poster này trở nên ấn tượng hơn với hiệu ứng thị giác mạnh mẽ để truyền tải thông điệp hiệu quả. Tôi nghĩ bạn sẽ cần tìm hiểu, nghiên cứu thêm".
Nối tiếp phần thi của Thúy Duyên là Hoàng Tuấn Anh đến từ FPoly Hà Nội với tác phẩm Bảo vệ động vật. Chia sẻ về ý tưởng tác phẩm, Tuấn Anh cho biết mình muốn làm thế nào để con người có thể chạm đến những loài động vật nằm trong sách đỏ để bảo vệ chúng, góp phần chấm dứt bạn buôn bán động vật hoang dã, nạn trộm chó… Tác phẩm mang đến những cập nhật mang tính thời sự, sâu sắc.
Ngoài ra, Tuấn Anh cũng có ý tưởng triển khai chiến dịch truyền thông cho tác phẩm của mình qua các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Instagram… để truyền thông tới gần hơn với các bạn trẻ.
Đánh giá về tác phẩm của Tuấn Anh, BGK cho biết, thông điệp của tác phẩm cũng rất rõ ràng, dễ hiểu về việc chia sẻ yêu thương, bảo vệ động vật. Tuy nhiên hình ảnh lại chưa thể cộng hưởng tối ưu với text trên poster. "Đây là một điểm đáng tiếc của tác phẩm" - BGK nhận xét.
Tiếp đó là tác phẩm Mộng của Thu Giang – FPTU Hà Nội. Chuỗi tác phẩm mang đến thông điệp ấn tượng về việc cổ vũ mọi người bước ra khỏi vùng an toàn, “chúng ta được sinh ra như một bản gốc, tại sao phải sống như một bản sao.”
Thu Giang cũng xây dựng một dự án Mộng Flection gồm 4 poster, các sản phẩm như ốp điện thoại, túi Saving… được trưng bày offline và kết hợp với một số hoạt động thú vị như thu thập dấu vân tay, scan code để dẫn đến trang có kèm câu quote truyền cảm hứng… “Sau này em muốn mọi người có thể thêm thông tin của mình để làm quen, kết nối thông qua những sản phẩm của em” – Thu Giang chia sẻ.
Đồng thời dự án cũng được triển khai online trên các kênh như Facebook, Instagram, Youtube, qua các KOL…
Với phong thái tự tin, thuyết trình rõ ràng, mạch lạc, Thu Giang nhận được nhiều lời khen từ BGK. Bên cạnh đó, cách triển khai, test hiệu quả của dự án cũng cho thấy Thu Giag có sự đầu tư chỉn chu cho sản phẩm.
“Poster chưa thật sự khác biệt, tạo sự tò mò. Tính bản thể, cá nhân, con người chưa rõ ràng. Tuy nhiên phần thuyết trình và sự đầu tư của em vẫn rất xứng đáng nhận được một lời khen ngợi” – BGK nhận xét.
Nối tiếp dự án Mộng là tác phẩm Waste Time của đội Hitz (FPTU HCM). Thông điệp của nhóm những mang tính thời sự và dễ hiểu: Đừng lãng phí thời gian của mình chỉ để tham gia Mạng xã hội. Nhóm cũng triển khai ứng dụng thiết kế lên các sticker dám lên các thiết bị điện tử.
Nhận xét về Hitz, BGK cho biết: “Giống như bài số 1, các bạn cũng nói về MXH, thông điệp dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề. Tuy nhiên cách thể hiện nên đơn giản và làm rõ ràng hơn để truyền tải câu chuyện hiệu quả hơn.”
Lấy cảm hứng từ những câu chuyện xung quanh mà chính bản thân được chứng kiến, trải nghiệm suốt giãn cách xã hội vừa qua, đại diện của UoG Hà Nội - THVL tạo ra tác phẩm Family matters. Tác phẩm mang đến góc nhìn mới cho đợt giãn cách xã hội, những điểm tích cực ở đó khi ta có cơ hội chạm vào những vẫn đề trước đây ta vô tình quên lãng. Việc lắng nghe, giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình mới thật sự là sợi dây kết nối họ với nhau.
Nhóm cũng áp dụng công nghệ AI để thể hiện tác phẩm như một tấm gương phản chiếu giúp các thành viên trong gia đình thấu hiểu nhau hơn. Phần thể hiện chỉn chu của nhóm được BGK đánh giá cao. “Ý nghĩa thông điệp rất hay, có thể đẩy lên thành một dự án toàn diện nhưng ngược lại, nhóm đang hơi ôm đồm nhiều chi tiết” – Đại diện BGK chia sẻ.
Thêm một đại diện của UoG Hà Nội nối tiếp buổi thi - Nhóm LaCj mang đến tác phẩm Be Body Positive. Tác phẩm đã chạm đến những góc khuất của những người bị body shaming, bắt nạt mạng.
Cảm hứng tác phẩm đến từ câu chuyện của một Vlogger người Mỹ gốc Việt – người từng bị body shaming nhưng lại luôn tràn đầy năng lượng, tự tin và là một biểu tượng truyền cảm hứng cho mọi người đương đầu với những lời phán xét.
Gam xanh và đỏ là màu chủ đạo cho các tác phẩm. Người xem cần sử dụng các tấm lọc màu xanh và đỏ để cảm nhận tác phẩm. Qua mỗi tấm lọc, người xem sẽ thấy những dòng chữ khác nhau, hình ảnh khác nhau trên cùng 1 tác phẩm, mang đến hiệu ứng thị giác ấn tượng và mới lạ. Nhóm cũng sử dụng texture giấy nhàu cho thấy sự giày vò với những con người bị bát nạt mạng, bodyshaming.
Mục tiêu truyền thông của nhóm đánh vào offline nhiều hơn với ý tưởng về những không gian nghệ thuật, các trạm xe buýt … để người xem trải nghiệm tác phẩm tốt nhất.
Đánh giá về ý tưởng, BGK cho rằng đây là tác phẩm rất tốt, đạt điểm cao nhất về sự sáng tạo, hướng truyền thông, tính ứng dụng.
“Các em đã biết linh động cho từng sản phẩm khác nhau, filter lọc màu thú vị, tự set up, tự chụp hình thay vì láy hình sẵn có cũng cho thấy nhận thức về việc làm dự án thật sự sâu, tôn trọng bản quyền…” – BGK nhận xét.
Một đại diện tới từ FPTU Cần Thơ – Number Ten tiếp tục buổi thi với tác phẩm Stop Pollution – Help our Life. Đúng như tên của mình, tác phẩm đề cập đến các vấn đề nhức nhối hiện nay như nạn chặt phá rừng, ô nhiễm nước và không khí, rác thải nhựa, hạt vi nhựa… Đây là những vấn đề có tính thời sự cao.
Nhóm cũng xây dựng chiến dịch truyền thông hướng đến giới trẻ, giúp giới trẻ nhận thức được vấn đề ô nhiễm môi trường đang nghiêm trọng như thế nào. Viễn cảnh tồi tệ hoàn toàn có thể xảy ra.
Tổng quan cả bộ poster nhấn mạnh tới vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng làm nhẹ đi về hình thức thể hiện với người tiếp nhận, có thể phù hợp cả với trẻ em. Nhóm cũng thực hiện dự án truyền thông hướng đến giới trẻ Cần Thơ.
“Nhóm rất biết tiết chế, quan tâm đến người dùng thay vì cố gắng để phô diễn kỹ thuật mà màu sắc. Tác phẩm đã gây ấn tượng với tôi trước cả phần trình bày này, khi tham quan triểm lãm, tôi cũng đã ấn tượng với tác phẩm của nhóm bạn rồi” – Đại diện BGK nhận xét.
Đội Apollo – một trong hai đại điện của FSchool Đà Nẵng là đội thi tiếp theo với tác phẩm Help Your Self tái hiện lại những tháng ngày kinh hoàng trong đợt lũ lịch sử của miền Trung cũng như tinh thần bát khuất của những anh hùng thời nay.
Nhóm ứng dụng thiết kế của mình trên các ly giấy, sticker, bookmark… kết hợp với các hình thức tuyên truyền, kêu gọi mọi người cùng nhau vượt qua thời gian khó khăn.
Tác phẩm nhận được nhiều nhận xét tích cực từ BGK và những góp ý thẳng thắn về việc điều chỉnh các chi tiết.
Nối tiếp buổi chung kết là thí sinh Phạm Long Quốc Đạt – Đại diện của ĐH Greenwich (Việt Nam) - Hà Nội với tác phẩm Share your love. Lấy cảm hứng từ việc hiến máu nhân đạo, tác phẩm mang đến thông điệp lan rộng hành động nhân văn này.
Về phần thiết kế, chuỗi poster sử dụng những gam màu ấm nóng mang đến cảm giác an tâm, ấm áp, tích cực thay vì những gam màu lạnh như các thiết kế liên quan đến vận động hiến máu hiện nay. Khi đặt ở những nơi như bệnh viện, poster sẽ góp phần trấn an những người tham gia hiến máu.
Việc sử dụng các hình ảnh biểu tượng như Siêu anh hùng máu, các hình họa 3D, poster, hiệu ứng AI… mang đến ấn tượng mạnh mẽ, thú vị.
Đội thi tiếp theo là đại diện duy nhất của FPoly Cần Thơ – Nhóm Picasschu với bộ poster Những góc khuất trong xã hội – chúng ta.
Tác phẩm xoay quanh câu chuyện của 3 nhân vật, có người bị cô lập, có người bị dồn đến giới hạn chịu đựng, đấu tranh với những suy nghĩ của bản thân mình mỗi ngày, có người phải đối diện với phán xét của người khác.
Thí sinh tiếp theo là Hoàng Minh Khôi, FPTU Hà Nội với tác phẩm Chạm và chúng ta. Tác phẩm thể hiện quá trình tiến hóa của con người. Ý tưởng đến từ nhiều tác phẩm hội họa kinh điển, thông điệp Chạm được thể hiện xuyên suốt một cách sáng tạo.
Cái chạm đầu tiên của Adam và Eva, cái chạm tay của những thành viên Liên Hợp Quốc, cái chạm chân đầu tiên của Neil Amstrong… cho đến những cái chạm của đợt giãn cách xã hội, đợt bão lũ miền Trung… đều được tái hiện trong tác phẩm. Hiệu quả thị giác được đẩy cao với những hình họa đặc trưng của Graphic Design.
Theo nhận xét từ BGK, về mặt chuyên môn, thẩm mỹ, tác phẩm đã có key visual thống nhất, cách triển khai màu, thiết kế tốt. Tuy nhiên đối với người xem mà mình muốn hướng đến lại chưa chắc hiệu quả vì tính trừu tượng khá cao.
Kết lại buổi chung kết là đại diện thứ hai của FSC Đà Nẵng 3K2 với tác phẩm Cứu lấy miền Trung. Hình ảnh của tác phẩm đã chạm đến cảm xúc của tất cả người tham dự và là một cái kết đầy cảm xúc cho chung kết bảng B FPT Edu Color up 2020.
Theo nhận xét của BGK, tác phẩm của 3K2 có sự kết nối các chi tiết tốt tuy nhiên vẫn còn khó xem và cần khái quát hơn.
Vậy là các đội thi đã hoàn thành xuất sắc phần thi của mình. Kết quả chung cuộc sẽ được công bố vào ngày mai tại buổi triển lãm và trao giải cuộc thi tại VCCA Hà Nội.
FPT Edu Color Up là cuộc thi thiết kế đồ họa thường niên lớn nhất dành cho toàn thể học sinh, sinh viên đang theo học tại các hệ đào tạo thuộc Tổ chức Giáo dục FPT – FPT Edu. Cuộc thi mong muốn xây dựng một sân chơi giúp học sinh sinh viên có cơ hội trải nghiệm, học hỏi, giao lưu, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm tối cần thiết đặc trưng cho ngành Thiết kế Đồ hoạ.
Với tổng giải thưởng lên tới hơn 120 triệu đồng, cùng hàng loạt thử thách được thiết kế chuyên biệt nhằm mài giũa kỹ năng cho thí sinh, FPT Edu ColorUp 2020 sẽ chứng kiến sự tranh tài quyết liệt của các thí sinh ngành Thiết kế Đồ hoạ ở 2 bảng đấu: Digital Design và Graphic Design.
Các mốc thời gian quan trọng của cuộc thi:
Hệ thống tin tức của cuộc thi:
|
Khánh Như - Huệ Anh
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn