Chung kết FPT Edu ResFes 2022: HSSV FPT Edu "trình làng" nhiều báo cáo khoa học ấn tượng lĩnh vực Kinh tế - QTKD
Tại vòng Chung kết FPT Edu ResFes 2022, nhiều đề tài NCKH thuộc Tiểu ban Kinh tế - QTKD đã được HSSV FPT Edu trình bày và cho thấy khả năng nắm bắt vấn đề, cập nhật tình hình thực tế nhanh nhạy của các bạn trẻ. Kết quả của các đề tài đều hướng đến đề xuất những sản phảm/giải pháp sáng tạo mới mẻ, với tiềm năng ứng dụng thực tiễn cao, hướng đến đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Đánh giá ý định nghiên cứu của sinh viên tại Đại học FPT: Khơi nguồn sức sống mới cho giáo dục bậc đại học
Được thực hiện bởi nhóm SV ĐH FPT Đà Nẵng, đây là đề tài NCKH đã xuất sắc giành giải Nhất Tiểu ban Kinh tế - QTKD tại vòng Chung kết cuộc thi FPT Edu ResFes 2022. Xuất phát từ thực tế tại ĐH FPT Đà Nẵng, nhóm SV nhận thấy phong trào NCKH vẫn chưa thực sự được đẩy mạnh và có sức lan tỏa rộng khắp đến các bạn sinh viên. "Nhiều SV vẫn chưa hiểu nghiên cứu khoa học là gì và lợi ích của việc làm nghiên cứu đối với bản thân các bạn và xã hội như thế nào. Do đó, nhóm quyết định thực hiện đề tài trên để đánh giá chung về các yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến ý định làm nghiên cứu của sinh viên. Trên cơ sở đó, báo cáo khoa học của nhóm sẽ đưa ra các đề xuất và gợi ý thiết thực cho trường FPT Đà Nẵng để nâng cao, cải thiện môi trường làm nghiên cứu và ý định làm nghiên cứu của sinh viên", nhóm SV chia sẻ.
Cũng theo "cha đẻ" của đề tài, các đơn vị đào tạo khác trong và ngoài hệ thống Giáo dục FPT Education có thể xem ĐH FPT Đà Nẵng như một "case study" để tham khảo và áp dụng các đề xuất sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu này cũng đóng góp vào kho tàng học thuật thế giới, giải quyết một số khoảng trống trong nghiên cứu và làm nền tảng cho những nghiên cứu khác trong tương lai.
Để thực hiện đề tài này, nhóm SV đã phải dành rất nhiều thời gian nhất để nghiên cứu và thảo luận với nhau về Tổng quan lý thuyết (Literature Review), nhằm tìm ra Mô hình nghiên cứu (Research Model) phù hợp. "Nhóm đã họp và trao đổi với nhau rất nhiều, cũng như tổ chức họp với giảng viên hướng dẫn để trình bày ý tưởng của từng thành viên, sau đó nhờ vào những góp ý và chia sẻ của thầy cô, nhóm lại tiếp tục tìm tài liệu và đọc. Trình tự này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần để rồi cuối cùng, một mô hình nghiên cứu hoàn thiện nhất đã được đề xuất và tiến hành kiểm tra các giả thuyết ngay tại ĐH FPT Đà Nẵng", nhóm SV cho biết.
Với sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, thuyết trình ấn tượng và báo cáo khoa học chỉn chu, nhóm SV ĐH Đà Nẵng đã xuất sắc trở thành tân quán quân Tiểu ban Kinh tế - QTKD, cuộc thi FPT Edu ResFes 2022. Chia sẻ về dự định phát triển đề tài sau khi rời cuộc thi, nhóm SV mong muốn có thể bổ sung nhiều hơn những yếu tố liên quan đến ý định làm nghiên cứu của sinh viên tại ĐH FPT Đà Nẵng như lời nhận xét của Hội đồng BGK. Từ đó, phần ứng dụng thực tiễn có thể dễ dàng áp dụng và sâu sát với thực tế hơn nữa.
Nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng MOOC của ĐH FPT để đa dạng hóa trải nghiệm học tập của sinh viên tại Việt Nam
Đây là đề tài được thực hiện bởi nhóm SV Greenwich Việt Nam (cơ sở Đà Nẵng), chủ nhân ngôi vị Á quân Tiểu ban Kinh tế - Quản trị kinh doanh cuộc thi FPT Edu ResFes 2022. Xuất phát từ thực tế 2 năm liền giáo dục bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, hầu như mọi hoạt động dạy và học đều phải chuyển sang online, nhóm SV đã nhìn ra được tính hiệu quả của việc áp dụng các mô hình học trực tuyến như MOOC (Massive open online courses). Trên cơ sở đó, nhóm quyết định làm nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng MOOC của ĐH FPT để đa dạng hóa trải nghiệm học tập của sinh viên tại Việt Nam, lấy phạm vi nghiên cứu và khảo sát thực tế là Trường ĐH FPT (nơi có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tư liệu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tư liệu... để phát triển mô hình MOOC).
Được biết, trong quá trình nghiên cứu, nhóm SV đã phải thu thập một lượng mẫu đủ lớn để có thể mang tính đại diện cho toàn thể sinh viên của Trường ĐH FPT thuộc 4 cơ sở (Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ). Kết quả là cả nhóm đã thu thập được hơn 1000 survey chỉ trong hơn 4 tháng kể từ khi bắt tay vào làm. "Tại vòng chung kết thì hội đồng Ban giám khảo khá thích ý tưởng cũng như cách làm của cả nhóm, đồng thời đưa ra rất nhiều câu hỏi và lời nhận xét tích cực về đề tài. Đây chính là động lực để cả nhóm viết thêm nhiều bài nghiên cứu về mảng giáo dục".
Ngoài 2 đề tài nghiên cứu khoa học ấn tượng nói trên, vòng Chung kết FPT Edu ResFes 2022 - Tiểu ban Kinh tế QTKD còn là cuộc tranh tài của nhiều báo cáo khoa học chất lượng, giàu tiềm năng ứng dụng thực tế khác như: Các rào cản ảnh hưởng tới ý định và hành vi khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam: Vai trò của giáo dục, sự tự tin vào năng lực bản thân và yếu tố cam kết trong khởi nghiệp (thực hiện bởi nhóm SV ĐH FPT Cần Thơ), Những yếu tố tác động đến hành vi mua sắm bốc đồng với các sản phẩm công nghệ trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam (thực hiện bởi nhóm SV BTEC FPT TP. HCM), Các yếu tố quyết định sự gắn kết công việc của thế hệ Z: Tác động điều tiết củacác giá trị công việc trong kỷ nguyên hậu đại dịch COVID-19 (thực hiện bởi nhóm SV ĐH FPT Hà Nội)...
Linh Phương
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn