FPT Edu - Tin tức chung

Chuyện chàng sinh viên yêu nhạc cụ dân tộc ở ĐH FPT

01/06/2017
Hải Nam
2023
21 tuổi, sinh viên Kỹ thuật phần mềm chính hiệu nhưng Nguyễn Quốc Đạt (ĐH FPT) lại gây ấn tượng cho người khác bởi tình yêu âm nhạc truyền thống và nhạc cụ dân tộc sâu đậm. Trong những ngày chương trình ‘Âm hưởng truyền thống’ nhận được sự quan tâm của học sinh, sinh viên đang theo học tại Hoà Lạc thì cái tên Nguyễn Quốc Đạt càng được chú ý hơn bao giờ hết.

 width=

Đạt là thành viên của khá nhiều câu lạc bộ tại FPT như iGo, Guitar, Vovinam,Color Team và từng là Phó chủ nhiệm của Câu lạc bộ Nhạc cụ truyền thống FTIC.

Mang trong mình tình yêu lớn với nhạc cụ truyền thống và niềm đam mê với những giá trị dân tộc, tính đến thời điểm hiện tại, Đạt có thể chơi được 5 loại nhạc cụ: đàn tranh, đàn nguyệt, đánh trống trầu, guitar, đàn tỳ bà. Trong đó đàn tỳ bà được Đạt chiếm nhiều tình cảm cũng như dành nhiều thời gian gắn bó và theo đuổi nhất.

Trước khi vào ĐH FPT, Đạt chưa từng biết chơi cũng như gắn bó với một loại nhạc cụ mà mình biết chơi nào ở hiện tại. Cũng như các bạn cùng khóa, Đạt tham gia lớp học Nhạc cụ Dân tộc – bộ môn Kỹ năng mềm đã được đưa vào giảng dạy tại ĐH FPT hơn hai năm qua. Sau hai tháng tìm hiểu và bắt đầu nhen nhóm tình yêu với âm thanh đặc biệt của từng loại nhạc cụ dân tộc tại trường, Đạt đã quyết định tiếp tục theo đuổi và nhờ thầy cô bộ môn nhạc cụ dân tộc giảng dạy ngoài giờ lên lớp.

Ngày 8/8/2015, Đạt đã cùng với nhiều bạn bè của mình trong trường có tình yêu đặc biệt với nhạc cụ truyền thống nộp đề án lên nhà trường xin thành lập Câu lạc bộ Nhạc cụ truyền thống (FTIC), với hy vọng mở ra một mái nhà chung cho tất cả sinh viên FPT được phát triển tài năng với môn nhạc cụ dân tộc này.

Sau hai năm thành lập, Đạt đã cùng các thành viên của FTIC đóng góp không ít những tiết mục đặc sắc trong các sự kiện lớn nhỏ của trường. Với Nguyễn Quốc Đạt, FTIC là một ngôi nhà thực sự tại ĐH FPT, nơi có những con người đặc biệt, chung đam mê và sở thích với nhạc cụ.

Chọn đàn tỳ bà để gắn bó nhiều nhất, Đạt cho rằng tỳ bà là một nhạc cụ khó cũng như ít phổ biến nhất, ít được nhiều người lựa chọn học chơi nhất trong các loại nhạc cụ dân tộc. Mang mong muốn mang tỳ bà đến gần hơn với mọi người, cũng như “sống lại” tình yêu, niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc, Đạt luôn ấp ủ những dự định và kế hoạch xây dựng nên những chương trình trải nghiệm cho các bạn trẻ về giá trị truyền thống đang dần bị mai một này.

 width=

Nguyễn Quốc Đạt và các thành viên FTIC

“Âm hưởng truyền thống” có thể nói như một đứa con tinh thần của Nguyễn Quốc Đạt và các thành viên FTIC sau cả một thời gian dài. Nhận ra sau hai năm được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức, nhưng vẫn chưa có một chương trình, cuộc thi nào ở FPT dành cho những người yêu thích nhạc cụ và giá trị truyền thống được rèn giũa, phát triển tài năng đích thực, Nguyễn Quốc Đạt đã đứng lên cùng các thành viên của FTIC tổ chức chương trình mang tên “Âm hương truyền thống”, mang một màu sắc hoàn toàn mới đến với FPT vào mùa hè 2017 này.

Đây là một chương trình hoàn toàn do sinh viên tổ chức, tại các trường Đại học khác hầu như cũng chưa từng có một cuộc thi về nhạc cụ nào được mở ra, cơ cấu giải thưởng lại khá cao so với mặt bằng chung của các chương trình trong trường. Dù đã chạy được một phần ba tiến độ chương trình, nhưng Đạt và ban tổ chức đã gặp không ít những khó khăn thử thách.

Nhưng với mong muốn không ngừng đưa âm nhạc dân gian và các loại nhạc cụ truyền thống đang dần mất đi chỗ đứng trong lòng người trẻ, đưa những giá trị ấy quay lại và phát triển hơn so với tốc độ phát triển quá nhanh của âm nhạc thị trường, “Âm hưởng truyền thống” được kỳ vọng sẽ trở thành một lá cờ tiên phong trong các hoạt động của sinh viên các trường Đại học khác, giống như cách mà ĐH FPT đã trở thành trường Đại học tiên phong, đưa Nhạc cụ truyền thống vào giảng dạy trong chương trình đào tạo.

Tin liên quan:

Ngôi trường ‘kỳ lạ’ khi sinh viên được học nhạc cụ dân tộc

Thầy trò FPTU hoà tấu nhạc cụ dân tộc giữa sân trường

Phương Linh

Ảnh: NVCC

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

 
2023

Nhân vật