FPT Edu - Tin tức chung

Constructivism áp dụng trong các môn học ở ĐH FPT như thế nào?

11/06/2021
Ngô Ngọc Trâm
595

Giảng viên ĐH FPT áp dụng Constructivism vào các môn học dựa trên nền tảng chung nhưng được điều chỉnh để phù hợp với đặc trưng từng môn.

Tại ĐH FPT Cần Thơ, thầy Quách Luyl Đa đang triển khai dạy học kiến tạo cho các môn CF (Computing fundamentals). Đây là một trong những bộ môn cơ bản, có tính nền tảng mà sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm cần học tập, tiếp thu.

Thầy Quách Luyl Đa (áo cam) thường xuyên cùng sinh viên ĐH FPT Cần Thơ tham gia các hoạt động học tập có tính trải nghiệm

“Đối với các môn này, tôi áp dụng dạy học kiến tạo bằng cách thực hiện video tóm tắt nội dung bài học kết hợp với giáo trình, yêu cầu sinh viên tìm hiểu trước kiến thức. Trên lớp, sinh viên sẽ thuyết trình về vấn đề mình đã tìm hiểu, trả lời các câu hỏi kiến tạo dựa trên nội dung lý thuyết đã học được và cùng trao đổi, phản biện giữa các nhóm với nhau.” Thầy Quách Luyl Đa cho biết.

Theo thầy Đa, học môn khoa học máy tính cơ bản, học kiến tạo khuyến khích sinh viên sử dụng tài liệu, tiện ích của công nghệ thông tin để tìm hiểu nội dung và chuẩn bị sẵn những ý tưởng, câu trả lời cho các vấn đề được đưa ra. Hầu hết sinh viên nhanh chóng làm quen với EduNext – nền tảng công nghệ triển khai học Constructivism. “Tuần đầu học kiến tạo, một số bạn còn bỡ ngỡ hoặc gặp lỗi kỹ thuật khi dùng phần mềm nhưng đã nhanh chóng khắc phục được.” thầy Luyl Đa chia sẻ thêm.

Thầy Nguyễn Trọng Luân là giảng viên Quản trị Kinh doanh, ĐH FPT Cần Thơ. Đối với thầy, constructivism là phương pháp dạy và học “không bỏ ai lại phía sau” vì tất cả sinh viên đều có cơ hội tìm hiểu kiến thức, tương tác và thể hiện chính kiến cá nhân. “Có thể có rất nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí gây tranh cãi nhưng đảm bảo tính kiến tạo.” thầy Luân cho biết.

Thầy Nguyễn Trọng Luân cho rằng Constructivism là phương pháp dạy học "không bỏ ai lại phía sau"

Các môn học lĩnh vực kinh doanh, kinh tế vừa có hàm lượng lý thuyết vừa có tính cập nhật, thực tế. Bởi vậy, theo thầy Luân, học theo phương pháp kiến tạo phù hợp với các bạn trẻ hiện nay nói chung và sinh viên ĐH FPT nói riêng, giúp phát huy sự sáng tạo, nhìn nhận vấn đề dưới cả góc độ nghiên cứu khoa học và trải nghiệm thực tế của người dạy, người học. “Sinh viên rất hào hứng và tích cực tương tác. Câu hỏi kiến tạo mở, khơi gợi nhiều vấn đề nên thu được những câu trả lời rất sáng tạo và thiết thực từ sinh viên” thầy Nguyễn Trọng Luân chia sẻ.

Cũng là một trong số những giảng viên áp dụng Constructivism vào giảng dạy từ kỳ Summer 2021, cô Cao Diệu Linh, giảng viên Thiết kế đồ họa, ĐH FPT Hà Nội khá hào hứng với phương pháp này. Bản chất Thiết kế đồ họa là sự sáng tạo, liên tục đổi mới dựa trên các nguyên tắc chung, vì vậy, theo cô Cao Diệu Linh, bộ môn này phù hợp để dạy và học kiến tạo. “Constructivism khuyến khích sinh viên tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nội dung bài học và đánh giá chéo bạn học.” nữ giảng viên chia sẻ.

Cô Cao Diệu Linh đang áp dụng Constructivism vào giảng dạy Thiết kế đồ họa

Qua một thời gian triển khai, cô Diệu Linh nhận thấy sinh viên Thiết kế đồ họa khá nhiệt tình tham gia vào các giờ học kiến tạo đặc biệt là việc thảo luận, góp ý, chỉnh sửa sản phẩm đồ họa cho các nhóm học tập khác trong lớp.

Tuy nhiên, dạy kiến tạo cũng đặt ra những yêu cầu mới cho giảng viên. Vì đồ họa là môn học sáng tạo nên giảng viên cần không ngừng đưa ra các câu hỏi kiến tạo, khuyến khích sinh viên thảo luận, phát hiện vấn đề đồng thời đưa vào bài học các dẫn chứng minh họa thực tế để truyền đạt thêm kinh nghiệm làm nghề cho học trò của mình.

Ngọc Trâm

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

595

Nhân vật