Đạt điểm 10/10, sinh viên Đại học FPT được doanh nghiệp săn đón ngay trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp
Cùng lúc đạt điểm 10/10 - điểm tuyệt đối và được doanh nghiệp “săn đón” ngay tại buổi bảo vệ là kết quả mà sinh viên Đại học FPT TP.HCM đã “khiến cả thiên hạ trầm trồ” trong đợt bảo vệ đồ án kỳ Spring 2022.
Đa dạng các lĩnh vực như công nghệ, y tế, giáo dục, nghệ thuật được sinh viên lựa chọn, phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh, có tính ứng dụng thực tiễn và trình bày trước hội đồng bảo vệ. ISMAIA ( Image social media with AI assist ) do nhóm sinh viên ngành Kỹ sư cầu nối Nhật Bản thực hiện là một trong những đề tài tạo ấn tượng với hội đồng bảo vệ, đặc biệt là doanh nghiệp.
Đây là một ứng dụng về mạng xã hội hình ảnh. Tính độc đáo của ứng dụng mỗi hệ thống sẽ hỗ trợ người dùng tạo ra caption cho bức ảnh đã đăng tải trước đó theo đúng ngữ cảnh.
Nhóm chia sẻ về ý tưởng của đề tài: “Nhóm mình nhận thấy hiện nay có nhiều mạng xã hội nhưng khi các tổ chức, cộng đồng muốn kết nối các cá nhân trong cộng đồng vẫn phải sử dụng các tính năng hội nhóm. Một mặt khác, việc nghĩ ra một caption cho bức ảnh khiến người dùng đôi khi… bối rối. Do đó, nhóm quyết định phát triển mạng xã hội hình ảnh đáp ứng cho các cộng đồng vừa và nhỏ mà ở đó, mỗi khi cập nhật ảnh, AI sẽ tự động tạo ra caption dựa trên bức ảnh để gợi ý cho người dùng”.
“Nhóm mình vốn là nhóm bạn học chung từ kỳ 1 nên khá hoà hợp, ăn ý với nhau; đa số các bạn đã hoàn thành việc học nên có thể dành toàn tâm toàn ý cho đồ án. Ngoài ra, tụi mình còn nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các giảng viên về về mảng AI, đó là động lực rất lớn để nhóm hoàn thành “cửa ải” khó nhằn của thời sinh viên” - Hoàng Anh – Team Lead cho biết.
“Trầy vi tróc vảy” và “tự thử thách chính mình” là mô tả của nhóm về quá trình 4 tháng hiện thực hoá ý tưởng thành sản phẩm ISMAIA trình bày trước hội đồng bảo vệ. Bắt đầu ấp ủ dự án khi giai đoạn dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp, nhóm đã có giai đoạn làm việc online cùng nhau khiến hiệu suất thấp. Bù lại cho khoảng thời gian họp offline sau đó là những khi cả nhóm cùng nhau “thâu đêm, suốt sáng” để giải quyết cho ra vấn đề.
Vốn xuất thân là những sinh viên ngành Kỹ sư cầu nối Nhật Bản, lại phải sử dụng AI mới có thể phát triển thành công một sản phẩm đòi hỏi sự mày mò, đào sâu và quyết tâm rất lớn của các thành viên trong nhóm. Đó là quá trình vừa tự học, tự làm về AI và cả phần hệ thống. Để khắc phục vấn đề này, các thành viên đã tham gia các diễn đàn về AI, machince learning, đăng ký học cả các khóa về AI của Coursera. Ngoài ra, nhóm còn tìm đến sự trợ giúp của các giảng viên tại Đại học FPT. “Nhóm mình chia làm 2 team nhỏ, vừa chạy đua với deadline, vừa chạy đua với chất lượng của sản phẩm. Rồi sau đó sẽ mang 2 sản phẩm ra so sánh xem model của bên nào tối ưu hơn, cả về hiệu năng lẫn ứng dụng thực tế” – Nhóm cho hay.
Hoàng Anh còn bộc bạch thêm: “Thuyết trình vốn không phải là thế mạnh của cả 4 đứa, nên nhóm đã tập dượt qua rất nhiều lần trước bạn bè và cả thầy cô. Thậm chí, đêm trước ngày bảo vệ, nhóm mình vẫn kéo nhau tập lại đến tận 1h sáng. Và dù đã nhắc nhở nhau lên giường đi ngủ nhưng mình biết lòng ai cũng như lửa đốt”.
Liên tục “bị xoay” như chong chóng bởi những câu hỏi về tính thực tiễn, khả năng ứng dụng, khả năng thương mại hóa… của sản phẩm – những yêu cầu bật ra liên tiếp từ Hội đồng phản biện khiến những người theo dõi phía dưới không khỏi cảm thấy “chóng mặt”. Thế nhưng phía trên, 4 sinh viên vẫn rất tự tin trình bày sản phẩm của mình một cách mạch lạc. Kết quả, ngoài việc thông báo kết quả đồ án đạt tức thì của hội đồng bảo vệ, đại diện phía công ty FPT Software đã có lời mời 4 thành viên cùng về công ty làm việc ngay sau đó.
“Nhóm xin gửi lời cảm ơn tới Thầy Đoàn Nguyễn Thành Hòa và Thầy Phạm Công Thành, hai người thầy người đã rất tận tâm hỗ trợ, khích lệ, động viên chúng mình. Cảm ơn các bạn đi trước đã chia sẻ cho nhóm thật nhiều bí kíp. Và sau cùng, cảm ơn tất cả quý thầy cô đã dạy bọn em trong suốt 3 năm ở Đại học FPT. Nhờ những kiến thức và nguyên lý các thầy cô truyền đạt, mỗi thành viên của nhóm mới có thể vững chân bước vào nghề”. Để có được kết quả mỹ mãn cho kỳ bảo vệ đồ án, ngoài sự cố gắng của từng thành viên là sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy cô và bạn bè.
Kỳ bảo vệ đồ án này đồ án tương đối vất vả, nhưng đã đem lại rất nhiều bài học và trải nghiệm cho các thành viên thực hiện ISMAIA. Các bạn cho biết, trải qua mấy tháng ròng rã làm đồ mỗi người đã tự có thêm bài học và “lận lưng” thêm kha khá kỹ năng cho riêng mình. Đó là cách làm việc nhóm, cách quản lý, tiếp cận vấn đề cũng như rèn luyện khả năng thuyết trình.
Ái Nhi
Đại học FPT TP.HCM