Điểm lại những mô hình hay, cách dạy học mới tối ưu trải nghiệm cho HSSV tại Hội thảo FPT Educamp 2023
Thiết kế chương trình đào tạo theo nguyên tắc KISS, dạy học đọc hiểu theo kỹ thuật SQ3R, hướng dẫn SV nghiên cứu khoa học và đăng bài trên tạp chí quốc tế... Đó chỉ là 3 trong số nhiều mô hình dạy học sáng tạo và thiết thực, ứng với mục tiêu phát triển giáo dục bền vững, được chia sẻ tại Hội thảo FPT Educamp 2023.
Ứng dụng nguyên tắc KISS và mô hình học tập cảm xúc - xã hội (SEL) trong phát triển giáo dục bền vững
Đây là những nội dung được đề cập trong tham luận “Kiến tạo môi trường trải nghiệm 4.0” của báo cáo viên Nguyễn Phương Anh (FAI Hà Nội). Theo đó, học tập cảm xúc - xã hội (Social and Emotional Learning - SEL) là từ khóa “nóng” của giáo dục thời gian qua, bởi giá trị của nó trong việc giúp người học phát triển bản sắc cá nhận lành mạnh, quản lý cảm xúc và thấu cảm với người khác, đồng thời hạn chế những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần có thể phải đối mặt… Nhiều trường học trên thế giới đã tích hợp SEL thành một môn chính khóa, song tại Việt Nam, SEL vẫn chưa thực sự phổ biến, đòi hỏi những giải pháp cụ thể mang tính đồng bộ để có thể triển khai.
Bàn về vấn đề này tại FPT Educamp 2023, BCV Nguyễn Phương Anh đã chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận và triển khai SEL tại chính đơn vị mà chị đang công tác - FAI. Khác với nhiều cơ sở đào tạo khác, chương trình học ở FAI chỉ gói gọn trong thời gian ngắn (6 tháng/ 1 năm/ 2 năm...) nhưng đủ các nhóm người học từ HSSV đến người đi làm, do đó hướng tiếp cận SEL của FAI cũng có điểm khác biệt.
Cụ thể, FAI tập trung xây dựng 4 nhóm kỹ năng hỗ trợ cho người học phát triển cảm xúc - xã hội, gồm: Bổ trợ học tập (khóa học online và mentor offline, CLB chuyên ngành), Trách nhiệm xã hội (hoạt động tinh nguyện, sự kiện liên quan tới môi trường), Thể chất & Tinh thần (tạo hành vi tích cực, khóa học về trí tuệ cảm xúc) và Bổ trợ kỹ năng (khóa học tư duy phát triển).
Việc xây dựng 4 nhóm kỹ năng nói trên được FAI thực hiện theo nguyên tắc KISS (keep it short & sweet, keep it short & simple). Ngắn gọn, đơn giản nhưng không có nghĩa là hời hợt, theo BCV Phương Anh, nguyên tắc này nhằm xây dựng một chương trình đào tạo ngắn gọn súc tích, dễ “nhân bản”, dễ áp dụng tại các cơ sở FAI trên toàn quốc.
Vận dụng kĩ thuật đọc “SQ3R” vào dạy học đọc hiểu nhằm phát triển năng lực cho học sinh THPT
Tham luận này được trình bày bởi BCV Trịnh Văn Sỹ (THPT FPT Đà Nẵng) tại FPT Educamp 2023, trong đó đề cập đến kỹ thuật SQ3R (S = Survey/ Khảo sát, Q = Question/ Đặt câu hỏi, 3R = Read, Recall, Review/ Đọc, Gợi nhớ, Xem lại). Đây là chiến thuật đọc văn bản mang tính tích cực, chủ động, thông qua việc hướng dẫn học sinh thực hiện các thao tác cụ thể, hữu ích cho từng giai đoạn đọc. Từ đó, người học sẽ biết đặt những câu hỏi hiệu quả, phát triển thói quen tìm kiếm thông tin, khả năng sử dụng các kĩ thuật đọc độc lập để hiểu văn bản sâu hơn, kiểm soát độ hiểu văn bản trong quá trình đọc…
Chia sẻ kinh nghiệm dạy kỹ thuật đọc SQ3R, BCV Trịnh Văn Sỹ đã đưa ra những minh họa từng bước làm cụ thể, giúp người nghe dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng vào thực tế tại đơn vị mình. Theo đó, khi dạy môn Ngữ văn tại THPT FPT Đà Nẵng, học sinh được thầy Sỹ dạy kỹ thuật SQ3R theo mô hình:
S = Đọc lướt nhan đề, tác giả, thể loại của tác phẩm, sau đó dự đoán nội dung, chủ đề…
Q = Đặt câu hỏi 5W1H (Who - Ai, What - Cái gì, When - Khi nào, Where - Ở đâu, Why - Tại sao, và How - Như thế nào)
R1 = Đọc tích cực, đánh dấu và ghi chú, trả lời câu hỏi…
R2 = Tóm tắt, diễn giải, suy luận…kĩ thuật Nói to suy nghĩ (Think Aloud)
R3 = Tổng kết, củng cố, rút cách đọc…
BCV Trịnh Văn Sỹ cho biết đã thực hiện khảo sát 142 học sinh và thu được kết quả tích cực từ việc áp dụng kỹ thuật đọc SQ3R tại trường THPT FPT Đà Nẵng. Theo đó, mức độ hiệu quả/ rất hiệu quả của SQ3R được ghi nhận ở mức 93%. Kết quả đo mức độ nắm kiến thức cũng rất tích cực, với 68% học sinh khắc sâu kiến thức và 32% nhớ được kiến thức.
Ngoài những con số biết nói như trên, tại Hội thảo FPT Educamp, BCV Trịnh Văn Sỹ cũng chia sẻ một số kinh nghiệm, truyền cảm hứng để các đồng nghiệp có thể áp dụng dạy kỹ thuật này cho học sinh ở thêm nhiều đơn vị FPT Edu khác, với các bộ môn xã hội khác ngoài Ngữ Văn như Lịch Sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế & Pháp luật.
Biến Nghiên cứu khoa học (NCKH) từ “khó nhọc” trở nên thú vị và nhiều giá trị thiết thực cho SV
Nhắc đến NCKH, sinh viên thường e ngại vì nghĩ đó là một lĩnh vực vừa khó vừa nhọc, hàn lâm, học thuật, cần đầu tư rất nhiều công sức và thời gian. Thế nhưng, bằng cách dạy học sáng tạo, kết hợp với trải nghiệm, các giảng viên môn “Research Project” ở Greenwich Việt Nam (cơ sở Hà Nội) đã biến NCKH trở nên gần gũi, dễ thương, dễ hiểu và mang lại nhiều giá trị thiết thực cho sinh viên.
Chia sẻ những kinh nghiệm hướng dẫn NCKH cho SV, đồng thời vui mừng công bố những kết quả tích cực đã đạt được khi dạy môn Research Project, BCV Đào Thị Lan Hương (Greenwich Việt Nam) và các cộng sự đã mang tới FPT Educamp 2023 tham luận: "Research Project"The success of lecturing “Research Project” and its implications towards SGDs - A case study at FPT University, Greenwich Vietnam, Hanoi, Vietnam” (Tạm dịch: Thành công của môn học “Dự án nghiên cứu” và ý nghĩa của nó đối với phát triển bền vững”).
BCV Lan Hương cho biết SV Greenwich Việt Nam (cơ sở Hà Nội) sẽ bắt đầu học môn Research Project từ năm 2, với thời lượng 4 tháng. Hiện môn học đã được giảng dạy ở trên 100 lớp học, với tỷ lệ qua môn đạt 90%, tỷ lệ đạt điểm cao là 12%. Kết quả nghiên cứu cho thấy sau khi hoàn thành môn học, sinh viên được làm quen với nhiều kỹ năng quan trọng như nghiên cứu và phân tích thị trường, xử lý dữ liệu. Với kỹ năng NCKH được bồi dưỡng từ trường học, một số SV còn có cơ hội làm thêm tại các viện, trung tâm nghiên cứu dù chưa tốt nghiệp. Số khác có bài báo được xuất bản trên tạp chí khoa học quốc tế, hoặc được báo cáo nghiên cứu của mình tại các hội thảo trong và ngoài nước.
Chia sẻ tin vui này tại Hội thảo, BCV Lan Hương hy vọng có thể truyền cảm hứng để người FPT Edu sáng tạo thêm nhiều mô hình, phương pháp mới để thúc đẩy phong trào NCKH trong cộng đồng sinh viên. Theo chị Lan Hương, khi SV có cơ hội học hỏi và bồi dưỡng kỹ năng NCKH, tham gia những hội thảo, môi trường học thuật quốc tế, đó chính là cơ hội để SV tự học và học cùng trải nghiệm, hướng đến phát triển giáo dục bền vững.
Linh Phương