Diễn giả ACBSP thảo luận về việc nâng cao kết quả học tập của sinh viên ĐH
Xoay quanh chủ đề nâng cao chất lượng học thuật và kết quả học tập của người học trong các cơ sở giáo dục đại học được thảo luận tại Hội nghị ACBSP khu vực 10 năm 2024, TS. Nguyễn Thị Minh Anh (Trường ĐH FPT Hà Nội) đã trình bày tham luận về các yếu tố ảnh hưởng đến điểm số của sinh viên, từ đó gợi mở các phương pháp đẩy mạnh trải nghiệm và chất lượng giáo dục có tính thực tiễn cao trong bối cảnh giáo dục đại học tại Việt Nam.
Theo đó, bốn yếu tố được cho là có tác động đến kết quả học tập của sinh viên bao gồm: cá nhân, gia đình và thái độ học tập. Các công cụ đo lường cho từng yếu tố cũng lần lượt được tác giả trình bày trong bài tham luận của mình.
Yếu tố học tập, theo nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị, được thể hiện qua ba thang đo: tuổi, giới tính và thu nhập từ việc làm thêm, trong đó giới tính là thang đo có tác động lớn nhất đến kết quả học tập, mà cụ thể là điểm số ở nhóm giới tính nữ cao hơn nhóm giới tính nam. Ở thang đo thu nhập từ việc làm thêm, kết quả cho thấy mức lương của sinh viên tỷ lệ nghịch với điểm số ở trường, ngụ ý về việc đi làm thêm có thể khiến sinh viên xao nhãng học tập tại trường. Từ đó, tác giả đề xuất các nhà hoạch định chính sách giáo dục cân nhắc về việc giới hạn thời gian làm thêm của các sinh viên đại học.
Yếu tố gia đình cũng được trình bày một cách chi tiết trong bài tham luận, với ba thang đo là trình độ giáo dục của bố, trình độ giáo dục của mẹ, và tình trạng hôn nhân của bố mẹ. Tuy nhiên, yếu tố gia đình cùng các thang đo kể trên được ghi nhận là không có tác động đáng kể đến kết quả học tập của các sinh viên trong trường đại học, do vậy các trường đại học có thể tiết kiệm nguồn lực ở lĩnh vực này và tập trung vào các yếu tố khác có tác động lớn hơn.
Thái độ học tập, nói cách khác là mức độ cam kết học tập và kỳ vọng trong học tập, được thể hiện qua năm thang đo: mức độ đọc sách thường xuyên, tần suất điểm danh, hoạt động ghi chép trong lớp học, hoạt động theo dõi bài giảng trong lớp học và kỳ vọng về GPA tích luỹ. Trong số đó, thang đo đầu tiên (mức độ đọc sách thường xuyên) và thang đo thứ năm (kỳ vọng về GPA tích luỹ) được ghi nhận là có tác động tích cực một cách rõ ràng đến điểm số của các sinh viên đại học. Với kết quả này, tác giả đề xuất các nhà quản lý giáo dục cần cân nhắc sự quan trọng của việc phát triển các thói quen học và đọc hiệu quả cũng như nuôi dưỡng thái độ học tập tích cực trong mỗi sinh viên.
Bài tham luận được cho là đã cung cấp những thông tin quý giá, có tính thực tiễn cao trong bối cảnh giáo dục đại học tại Việt Nam, là cơ sở lý thuyết để các nhà giáo dục nâng cao trải nghiệm dạy học cũng như kết quả của các sinh viên trong trường.
Thục Anh
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn