Đồ án xuất sắc của sinh viên FPT 'chinh phục' Hội đồng bảo vệ
Đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp 5- 6/5 vừa qua của ĐH FPT đã ghi nhận nhiều đồ án xuất sắc. Smart Robot, DroidLed, Trendy Plus, hay Healthy Me là một vài trong số những đồ án như thế.
Smart Robot – Robot nhận biết biển chỉ đường
Với niềm đam mê chế tạo robot và công nghệ xử lý hình ảnh, nhóm 4 sinh viên
Nguyễn Thành Đô, Nguyễn Đức Tâm, Trần Mạnh Quý và Nguyễn Việt Hưng đã lựa chọn đề tài “Smart Robot”, với sản phẩm là con robot có khả năng chụp ảnh và thực hiện theo biển chỉ dẫn giao thông. Robot cũng có chức năng cho phép người dùng điều khiển di chuyển của nó bằng một ứng dụng trên thiết bị Android thông qua Bluetooth. Sản phẩm hiện thực hóa ý tưởng "Hệ thống cảnh báo tốc độ cho tài xế khi đang lái xe" – với mong muốn nếu được ứng dụng vào thực tế, Smart Robot sẽ giúp giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho các lái xe.
Nguyễn Thành Đô, Nguyễn Đức Tâm, Trần Mạnh Quý và Nguyễn Việt Hưng – “chủ nhân” của Robot thông minh.
Nhóm trưởng Nguyễn Thành Đô cho biết, phần khó nhất trong khi nhóm thực hiện đồ án chính là khối lượng kiến thức, công việc liên quan tới công nghệ xử lý hình ảnh – một chủ đề mà tại Việt Nam, chưa có nhiều nhóm nghiên cứu tìm hiểu.
“Bên cạnh đó, vì là sản phẩm vật lý nên độ chính xác khi vận hành sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài như nhiệt độ hoặc cường độ ánh sáng, hoặc do các thiết bị được lắp ráp với nhau có chút sai lệch,... Chưa kể đến việc các linh kiện bị hỏng: cháy, gãy, đứt... Nhóm em đã đưa ra phương pháp khắc phục là: Hạn chế các va chạm vật lý, luôn chuẩn bị thiết bị, linh kiện dự phòng, thay thế cho việc hỏng hóc, thực hiện liên tục hành động: Test thực tế, nhằm hiệu chỉnh sai lệch từ các tác động bên ngoài…” – bạn Trần Mạnh Quý, một thành viên trong nhóm cho biết thêm.
Sản phẩm của nhóm thực hiện chính xác, tức thời các chỉ dẫn giao thông từ những biển chỉ dẫn.
Thực tế tại buổi demo sản phẩm, nhóm Smart Robot đã hoàn toàn chinh phục được hội đồng giám khảo, cũng như các khán giả theo dõi phần bảo vệ đồ án. Robot khi đi vào hoạt động đã đọc và thực hiện chính xác, tức thời các chỉ dẫn giao thông từ những biển chỉ dẫn.
“Trong tương lai, nhóm mình rất hi vọng có thể tiếp tục phát triển sản phẩm, bởi đồ án có tính ứng dụng khá cao. Nhưng hiện tại, mình rất vui mừng vì đã hoàn thành tốt đồ án tốt nghiệp. 4 tháng làm đồ án giúp mình học được nhiều điều, nhất là bài học về tinh thần làm việc nhóm: một nhóm đoàn kết, phối hợp tốt thì luôn làm việc hiệu quả hơn làm việc một mình” – bạn Nguyễn Việt Hưng, thành viên nhóm nói.
TrendyPlus – mạng xã hội chia sẻ xu hướng thời trang
Với sản phẩm là một website về mạng xã hội có tên TrendyPlus, 5 sinh viên khóa 7 gồm
Nguyễn Đức Nam, Vũ Tuấn Nghĩa, Lê Trung Anh, Đặng Mạnh Cường và Đỗ Thành Luân đã mang đến cho Hội đồng bảo vệ đồ án những bất ngờ thú vị.
Nói về đồ án của mình, trưởng nhóm Đặng Mạnh Cường bật mí, nắm bắt xu hướng phát triển của Internet trong tương lai – đó là mạng xã hội, đồng thời tìm kiếm điểm khác biệt cho sản phẩm của mình, nhóm đã lựa chọn xây dựng mạng xã hội giúp người dùng chia sẻ, tìm kiếm xu hướng thời trang hiện tại. TrendyPlus còn tích hợp với GoogleMap từ đó người dùng sẽ dễ dàng biết được cửa hàng có những món đồ được săn đón nhất.
Trao đổi sôi nổi giữa các thầy trong Hội đồng chấm đồ án và các thành viên nhóm TrendyPlus.
“Điều tâm đắc nhất của mình về sản phẩm, đó là sản phẩm có giá trị và mang lại lợi ích thực sự cho người dùng. Khi hoàn thiện sản phẩm thì điều làm mình hài lòng nhất là nó đã làm được đúng như những gì mà cả nhóm đề ra ban đầu. Dự kiến trong tương lai thì nhóm có ý định phát triển thêm một số tính năng để TrendyPlus được hoàn thiện hơn nữa như: Instant Messages, Video Upload và Mobile Support” – bạn Nguyễn Đức Nam – Developer của nhóm chia sẻ.
Cười rất tươi sau lễ bảo vệ, Nam tâm sự, sau khoảng quãng thời gian làm đồ án, bạn đã nhận được một bài học quan trọng, ấy là “sự chuẩn bị không bao giờ thừa”.
“Khi bạn làm bất cứ một công việc nào thì để có một kết quả thành công thì bạn phải cần có một sự chuẩn bị chu đáo. Trong quá trình làm việc sẽ phát sinh ra rất nhiều thứ mà chúng ta không thể lường trước được nên chúng ta phải chuẩn bị kĩ lưỡng nhất có thể để luôn sẵn sàng đương đầu với những khó khăn” – Nam đưa ra lời khuyên.
Theo đánh giá của thầy Nguyễn Tất Trung – người trực tiếp hướng dẫn nhóm đồ án, thì TrendyPlus là sản phẩm có tính ứng dụng cao, có thể triển khai trong thực tế.
“Nhóm đã cùng nhau giải quyết một khối lượng công việc lớn, biết tìm hiểu và áp dụng nhiều công nghệ mới, với tinh thần làm việc nhóm tốt, chăm chỉ, quyết tâm cao” – thầy Trung nhận xét.
DroidLED – Điều khiển và thay đổi bảng LED từ xa theo ý người dùng
DroidLED là ứng dụng được nhóm bạn
Phạm Tiến Thanh, Nguyễn Công Thành, Trần Đức Nam, Nguyễn Minh Hiển, Hoàng Văn Truyền và Văn Đức xây dựng dựa trên kết nối wifi, giúp người dùng có thể điều khiển bảng LED từ xa và thay đổi theo ý muốn.
Hiện tại, ngoài thị trường đang có 3 loại bảng đèn LED chính: Loại fix cứng, loại thay đổi được nội dung bảng LED nhưng phải phụ thuộc vào người bán, loại điều khiển được bằng Android nhưng giao diện không trực quan… Trong khi đó, với DroidLED, người dùng vừa có thể thay đổi được nội dung text trên bảng đèn LED vừa được sở hữu một giao diện trực quan.
Sản phẩm này cũng giúp người dùng dễ dàng chia ô bảng. Ví dụ, trong cùng một bảng LED có thể phân chia ra các ô nhỏ, mỗi ô chứa một nội dung khác nhau. Đặc biệt, người dùng có thể lưu giữ lại thông tin hoặc chia sẻ hình ảnh của bảng LED lên facebook.
Sản phẩm DroidLED của nhóm được trưng bày tại buổi bảo vệ.
Chủ tịch Hội đồng Trương Vĩnh Lân nhận định: “DroidLED là một sản phẩm có tính ứng dụng cao, ưu việt hơn rất nhiều so với các sản phẩm đang có bán tại thị trường. Hơn hết, sản phẩm có thể thay đổi định dạng để phù hợp với từng sự kiện, từng vùng miền”.
Các thành viên trong nhóm đồ án DroidLED.
Chia sẻ về tương lai phát triển của sản phẩm, trưởng nhóm Nguyễn Công Thành chia sẻ, nhóm có ý định và mong muốn thương mại hóa sản phẩm. Hơn nữa, giá thành của DroidLED chỉ bằng một nửa so với giá thị trường, trong khi tính năng thì ưu việt hơn rất nhiều.
Tại tòa nhà Detech và Đại học FPT Hòa Lạc, sinh viên hai khối Kinh tế và Kỹ thuật phần mềm đã kết thúc Lễ bảo vệ đồ án và khóa luận của mình. Trong thời gian này, từ ngày 5-8/5, tại Hội trường Innovation, 124 sinh viên ngành Kinh tế và CNTT cũng sẽ bước vào đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp Học kỳ Spring 2015. Trước đó, ngày 4-5/5, tại tòa nhà 137 Nguyễn Thị Thập, sinh viên hai ngành Kinh tế và Kỹ thuật phần mềm cũng đã hoàn thành kỳ bảo vệ đồ án và khóa luận của mình.
Tin liên quan:
Nguyễn Quỳnh – Hiểu An