FPT Edu - Tin tức chung

Đột nhập các lớp học cùng trải nghiệm của các thầy cô bộ môn năng khiếu ở FPT School

02/11/2020
Huỳnh Lệ Thục Anh
570

Không chỉ là người truyền dạy kiến thức và kỹ năng, các thầy cô bộ môn Năng khiếu ở FSC còn là người thổi hồn vào lớp học, thổi lửa vào từng cô cậu học trò nhỏ, để các trò hứng khởi và thoải mái bộc lộ sức sáng tạo và khả năng vận động, khả năng nghệ thuật của mình.

Để làm được điều này, các thầy cô đã sáng tạo ra nhiều hoạt động thú vị trong và ngoài lớp học, mang đến cho học sinh những trải nghiệm có một-không-hai. Cùng khám phá 3 lớp học Âm nhạc, Mỹ thuật và Vovinam đặc biệt nhất FSC để biết “bí kíp” của các thầy cô bộ môn Năng khiếu của trường nhé.

1. Học Âm nhạc bằng dự án sản xuất bài hát và MV

Trong mùa Covid-19, khi các lớp học được tổ chức online, sự tương tác giữa học sinh – giáo viên bị giảm đi đáng kể, cô Vũ Phượng Châu – Giáo viên Âm nhạc FSchool Cầu Giấy đã đưa ra một phương pháp dạy – học cực chất: cho học sinh tự sản xuất một MV âm nhạc từ A – Z dựa trên nền nhạc “Người lạ ơi” của Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa. Sau khi nhận đề bài, chỉ trong vòng một buổi tối, các học sinh lớp 7A1 của cô Châu đã viết xong phần lời cho ca khúc; và các khâu thu âm, quay dựng MV được thực hiện chỉ trong 5 ngày.

MV "cây nhà lá vườn" được các học sinh của cô Châu thực hiện từ A - Z

Sản phẩm âm nhạc mang tên “Lời cảm ơn”, được viết ra để dành riêng tặng cho các y bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu chống dịch Covid-19. Phần lời của bài hát được viết chỉ trong một ngày, trong khi MV “cây nhà lá vườn” được thu âm và quay dựng trong vỏn vẹn 5 ngày, nhưng đã đón nhận đến gần 4000 views, cho thấy khả năng làm nghệ thuật đáng nể của những cô cậu học trò chỉ mới 13 tuổi.

Sản phẩm hoàn thiện "Lời cảm ơn"  thu hút gần 4000 views tính đến thời điểm hiện tại

Nhìn thấy những nỗ lực và thành quả của học sinh, cô Châu rất tự hào và xúc động. Cô Châu cho biết, đây là hoạt động trải nghiệm để thực hành phần kiến thức quan trọng trong chương trình học, nên cô để cho học sinh thoả sức sáng tạo và khám phá tài năng của bản thân, còn cô hoàn toàn tôn trọng ý tưởng của học sinh và chỉ đóng vài trò hướng dẫn, định hướng hay giúp đỡ chỉnh một chút câu từ cho bài nhạc thêm tròn trịa. Hoạt động này của cô Châu đã giúp cho lớp học có thêm nhiều cảm hứng nghệ thuật cũng như khai phá nhiều tài năng âm nhạc trong lớp.

2. Học Mỹ thuật bằng dự án vẽ và đấu giá tranh sơn mài

Ở FSC, thầy Công Quốc Thắng – GV Mỹ thuật đã xây dựng nên các lớp học tranh sơn mài, vừa cho học sinh những trải nghiệm hội hoạ kỳ công và chân thật nhất, vừa đưa các em đến gần với những giá trị truyền thống của dân tộc.

Thầy Công Quốc Thắng cùng các học sinh FSC trong lớp học tranh sơn mài


Sơn mài là dòng tranh đặc biệt đòi hỏi trình độ nghệ thuật và kỹ thuật cao với những nguyên tắc “ngược đời” so với vẽ tranh trên chất liệu giấy thông thường cùng nhiều quy trình phức tạp như pha màu, ủ tủ kín gió, mài mòn tranh… Tuy nhiên, để phù hợp với học sinh Tiểu học, thầy Thắng đã để các em thực hành vẽ tranh trên sơn Nhật và bỏ đi các bước phức tạp, nhưng vẫn giữ lại những vẻ đẹp tinh thần truyền thống nhất của việc vẽ tranh.

Trong lớp học kéo dài gần 2 tháng của thầy Công Quốc Thắng, các học sinh đã được học về lịch sử và lý thuyết của dòng tranh dân gian cũng như trải nghiệm từng công đoạn để tạo ra một bức tranh sơn mài. Kết thúc lớp học, những bức hoạ sống động của học sinh trường F được chọn lọc và đấu giá tại Ngày hội Tết dân gian của trường, vừa để khích lệ tinh thần của các hoạ sĩ nhí, vừa để gây quỹ thiện nguyện cho trẻ em nghèo. Môn học Mỹ thuật của thầy Thắng vì thế nên không chỉ sinh động, thiết thực, mà còn mang đến nhiều giá trị lịch sử, truyền thống, nghệ thuật và nhân văn đến cho học sinh.

Những bức tranh sơn mài được chọn để đấu giá gây quỹ từ thiện của học sinh FSC

3. Học Vovinam bằng cách nhập vai anh hùng

Khác với các lớp học nghệ thuật cần nhiều nguồn cảm hứng và sáng tạo, các lớp học Vovinam lại đòi hỏi các thầy cô vừa truyền được nguồn năng lượng để học sinh hào hứng vận động và tương tác cơ thể, lĩnh hội được các động tác kỹ thuật, vừa đảm bảo an toàn trong luyện tập. Để làm được điều này, các thầy cô giáo Vovinam của FSC đã đưa các trò chơi vận động thú vị như Mèo đuổi chuột, Nhóm Ba nhóm Bảy, Cá Sấu lên bờ vào giờ học… để tạo không khí hào hứng, phấn chấn cho học sinh.

Một trong những hoạt động trải nghiệm đặc biệt nhất, khiến cho các bạn nhỏ thích thú nhất chính là trò chơi nhập vai của thầy Đỗ Văn Phú – GV Vovinam FPT Edu. Thay vì cho từng cặp học sinh lên thể hiện các động tác đánh – đỡ hoặc đánh – né, thầy Phú lại “phân vai” cảnh sát – kẻ trộm, anh hùng – tên cướp, đại ca -  đàn em, cho các học sinh đánh võ, kèm theo nhiệm vụ như “bắt trộm”, “cứu mỹ nhân”, “giúp bà bán nước”. Lớp học vì thế mà sôi động hẳn lên, học sinh không còn ngần ngại thể hiện kỹ năng võ mà còn hào hứng xung phong nhận một vai diễn trên “phim trường” của thầy Phú. Với quan điểm “Dạy Vovinam cho trẻ em không phải là dạy chuyên môn, mà là tạo ra niềm vui cho bọn trẻ và cho bản thân mình”, lớp học Vovinam của thầy Phú luôn đầy ắp tiếng cười.

Nhờ sự tận tâm và những phương pháp mới lạ của thầy Phú, các học sinh Tiểu học đã có động lực để đạt nhiều thành tích cao trong bộ môn Vovinam

Thục Anh

570

Nhân vật