FCBEM 2023 mở ra các góc nhìn đa chiều về các vấn đề kinh tế gắn với phát triển bền vững
Với hơn 31 nghiên cứu và 4 phiên toàn thể được trình bày bởi các tác giả đến từ 8 quốc gia trên thế giới, FCBEM 2023 đã mở ra nhiều phiên thảo luận sôi nổi với những góc nhìn mới mẻ, đa chiều về các vấn đề kinh tế, xã hội gắn liền với phát triển bền vững tại các quốc gia, khu vực.
Phát triển bền vững tại các quốc gia
Là đại diện của Lyceum of the Philippines University Batangas tham dự FCBEM, nhóm tác giả Kristine M. Manlapaz, Ryan L. Mejia và Sevillia S. Felicen mang đến tham luận có chủ đề Determinants of Consumer Intention to Use Self-Ordering Kiosks In Fast-Food Chains (tạm dịch: Các yếu tố quyết định đến ý định sử dụng công cụ tự đặt đồ ăn trong các chuỗi cửa hàng ăn nhanh của người tiêu dùng). Nghiên cứu được tiến hành tại các chuỗi McDonald’s NxtGen và Jollibee Level Up Joy tại Batangas (Phillipines), cho thấy người tiêu dùng nơi đây nhận định tích cực về việc sử dụng các self-ordering kiosk (tạm dịch: công cụ tự đặt đồ ăn mà không cần đến sự xuất hiện của nhân viên, bồi bàn) về nhiều mặt, từ đó khẳng định self-ordering kiosk là một công cụ có giá trị đối với các nhà hàng và cần được các nhà quản lý lưu tâm nhiều hơn để có thể tối đa hoá lợi ích của công nghệ này.
Một đại diện quốc tế khác tham gia trình bày tại FCBEM 2023 là nhóm tác giả của nghiên cứu “Linking Service Quality With E-Government And Citizen Loyalty To The Government” (tạm dịch: Kết nối chất lượng dịch vụ với cổng báo cáo thuế trực tuyến mang tên e-Government và lòng trung thành của người dân với Chính phủ), được thực hiện trên 140 người trên khắp đất nước Indonesia. Nghiên cứu đã chỉ ra một mối liên hệ không trực tiếp giữa chất lượng dịch vụ công và lòng trung thành của công dân đối với chính phủ, từ đó đề xuất chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hơn để đẩy mạnh lòng trung thành của người dân.
Đại diện của nhóm tác giả chia sẻ "Tham số về lòng trung thành của công dân vốn là chủ đề ít được quan tâm trong các nghiên cứu trước đây, có lẽ vì thế mà phần trình bày của chúng tôi được đánh giá cao về tính độc đáo và có ý nghĩa thực tiễn trong việc nâng cao đời sống của người dân cũng như độ uy tín của Chính phủ và nhận giải Best Paper Award của FCBEM 2023".
Ngoài các vấn đề về kinh doanh nhà hàng, dịch vụ công, các báo cáo viên quốc tế cũng mang đến FCBEM 2023 tham luận về phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng kế toán, kiểm toán… Các tham luận này đã cho thấy phát triển bền vững là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được trong gần như mọi hoạt động kinh doanh, xã hội tại nhiều quốc gia, chỉ cần có sự lưu tâm đủ lớn của chính phủ và những nhà kinh doanh, khởi nghiệp.
Phát triển bền vững tại các khu vực thuộc Việt Nam
Phát triển bền vững trong các ngành nghề tại các khu vực trong lãnh thổ Việt Nam cũng được các diễn giả FCBEM 2023 đề cập một cách chi tiết, kỹ lưỡng. Không chỉ có các tham luận về hoạt động kinh doanh bền vững trong từng lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp, công nghệ, FCBEM 2023 còn có bài trình bày về thế hệ khởi nghiệp xanh tại Việt Nam. Đây là một trong những bài nghiên cứu nổi bật tại Hội thảo, được thực hiện bởi nhóm tác giả Tâm Nguyễn, Jeff Harrip và Nguyễn Thị Như Thuận (Swinburne Việt Nam).
Với việc xác nhận khung lý thuyết về việc đưa chương trình giáo dục khởi nghiệp xanh vào các trường kinh doanh, nghiên cứu đã cung cấp cho các nhà giáo dục và các nhà hoạt đính chính sách tại Việt Nam nói riêng và các nước có nền kinh tế mới nổi nói chung những hiểu biết có giá trị về cách thúc đẩy tinh thần kinh doanh xanh trong các sinh viên viên, từ đó chuẩn bị hiệu quả cho một thế hệ khởi nghiệp có ý thức về môi trường và đạt giải Best Paper Award.
Một tham luận đáng chú ý khác tại FCBEM là nghiên cứu về Hiệu quả tổng thể sản xuất lúa thơm ở đồng bằng sông Cửu Long (Overall efficiency of aromatic rice production in the Vietnamese Mekong Delta) do nhóm tác giả đến từ ĐH FPT Cần Thơ trình bày. Để thực hiện nghiên cứu này, nhóm tác giả đã thu thập số liệu sơ cấp tại 247 hộ trồng lúc thơm vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ đó xem xét được hiệu suất của việc sản xuất lúa thơm so với các giống lúa gạo khác, cũng như các yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất tại các hộ gia đình.
Ở cuối phần trình bày, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp bao gồm: mở rộng quy mô trang trại, tham gia hợp tác xã, thực hành canh tác thân thiện với môi trường, tuân thủ các biện pháp thực hiện nông nghiệp thông minh với khí hậu, giảm sử dụng hoá chất nông nghiệp... Nghiên cứu này cùng hai nghiên cứu có cùng chủ đề nông nghiệp khác về phân phối hạt điều và "nông nghiệp hạnh phúc" đã vẽ nên một bức tranh toàn diện về các hoạt động canh tác, nuôi trồng, phân phối và xuất nhập khẩu gắn liền với các mục tiêu bền vững.
Thục Anh
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn