FPT Educamp 2023: Ấn tượng phiên toàn thể trao đổi về giáo dục đào tạo với phát triển bền vững
Không khí trao đổi sôi nổi, cởi mở và thẳng thắn, nội dung chia sẻ thiết thực, ứng với bối cảnh giáo dục cả trong nước và quốc tế được thể hiện qua 2 phiên toàn thể của Hội thảo FPT Educamp 2023.
Với vai trò là keynote speaker, TS. Trần Ngọc Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT và ông Sin-Moh CHEAH - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Hoạt động dạy và học tại Singapore Polytechnic đã mang đến Hội thảo FPT Educamp 2023 nhiều chia sẻ thú vị xoay quanh chủ đề “Giáo dục đào tạo với Phát triển bền vững”, thu hút sự quan tâm, trao đổi sôi nổi từ đông đảo người tham dự.
Bài tham luận của ông Sin-Moh CHEAH có chủ đề “Education for Sustainable Development - Experience from Singapore Polytechnic using the Common Core Curriculum and CDIO Framework” (tạm dịch: "Giáo dục đào tạo với sự phát triển bền vững - Kinh nghiệm từ trường Singapore Polytechnic bằng việc áp dụng Khung chương trình cốt lõi và Khung đề xướng CDIO”. Trong đó, CDIO là viết tắt của cụm từ Conceive (Hình thành ý tưởng) - Design (Thiết kế) - Implement (Triển khai) - Operate (Vận hành).
Mục tiêu của khung chương trình CDIO đó là đào tạo ra những SV phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng cứng và mềm, đáp ứng những đòi hỏi của doanh nghiệp cũng như bắt kịp những thay đổi rất nhanh của xã hội, hướng đến phát triển giáo dục bền vững. CDIO đã và đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều trường đại học trên thế giới nhưng đây vẫn là một mô hình khá mới với nhiều trường đại học tại Việt Nam, cả về khái niệm, quy trình, cách tiếp cận...
Do đó, những chia sẻ của ông Sin-Moh CHEAH về kinh nghiệm tiếp cận CDIO tại trường Singapore Polytechnic, từ việc chuẩn bị đội ngũ CBGV, xây dựng chương trình đào tạo, quy trình làm việc cho đến cách thức tổ chức và đánh giá chương trình đã mở ra nhiều góc nhìn mới mẻ, đa chiều cho người tham dự FPT Educamp 2023. Đặc biệt, diễn giả đến từ Singapore còn đưa ra những khuyến nghị để FPT Edu có những hướng tiếp cận đúng đắn khi áp dụng CDIO, hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo các mục tiêu phát triển giáo dục bền vững của Liên hợp quốc.
Trong phiên toàn thể thứ hai, TS. Trần Ngọc Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT chia sẻ chủ đề “Education for Sustainable Development and FPT Education’s Approach” (tạm dịch: Giáo dục vì sự phát triển bền vững và cách tiếp cận của Tổ chức Giáo dục FPT). Bằng việc phân tích những điểm chung giữa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc với thực tiễn chương trình đào tạo tại FPT Edu, tham luận đã cho thấy rõ sự quan tâm và những nỗ lực của FPT Edu trong việc thúc đẩy giáo dục đào tạo gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.
Những "hành động" cụ thể của FPT Edu trong việc thúc đẩy giáo dục đào tạo gắn với phát triển bền vững đã được TS. Trần Ngọc Tuấn nhắc đến trong phần chia sẻ, ví dụ như: FPT Edu luôn chú trọng xây dựng kỹ năng tự học và khả năng cạnh tranh toàn cầu ở người học, thông qua việc đào tạo tại chỗ, tổ chức các khóa học khởi nghiệp và dự án tốt nghiệp liên ngành, bồi dưỡng tư duy phản biện cho SV...
Đồ án tốt nghiệp của SV FPT Edu luôn gắn liền với những bài toán thực tiễn của doanh nghiệp chứ không chỉ là kiểm tra, đánh giá máy móc về kiến thức chuyên ngành. Việc học thông qua trải nghiệm và gắn liền với thực tế nhu cầu của doanh nghiệp như vậy giúp SV FPT Edu luôn được kích thích sáng tạo, sở thích khám phá thế giới xung quanh, thường xuyên được rèn luyện tinh thần chủ động, tự học và các kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm, lập kế hoạch, quản lý tiến độ công việc…
Bên cạnh đó, FPT Edu cũng chú trọng tới sự phù hợp của chương trình học đối với từng địa phương, thông qua việc áp dụng các mô hình học tập cộng đồng cũng như khuyến khích SV tham gia giải quyết các thách thức mang tính cố hữu tại địa phương. Không chỉ tham gia đóng góp cho sự phát triển của địa phương, sinh viên FPT Edu còn được đào tạo để hướng đến mục tiêu trở thành những công dân toàn cầu, thông qua việc nâng cao trình độ tiếng Anh, cơ hội du học và thực tập tại nước ngoài trong suốt quá trình học tập.
Sau phần trình bày của 2 keynote, người tham dự bắt đầu tự do lựa chọn di chuyển đến các phòng trình bày tham luận để lắng nghe và trao đổi. FPT Educamp 2023 có tổng cộng 44 tham luận với nhiều chủ đề đa dạng và hấp dẫn xoay quanh chủ đề " Giáo dục đào tạo với Phát triển bền vững".
Mỗi phiên tham luận sẽ kéo dài 20 phút, trong đó có 10 phút trình bày và 10 phút hỏi đáp. Người tham dự FPT Educamp 2023 có thể tự do di chuyển giữa các phòng tham luận theo "Quy tắc hai chân" để theo dõi, trao đổi với các báo cáo viên tại chủ đề mình quan tâm.
Linh Phương
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn