Giảng viên Trường ĐH FPT cùng SV nghiên cứu dự án đảm bảo an ninh lương thực và cuộc sống con người khỏe mạnh
Nhiều năm qua, anh Quách Luyl Đa (giảng viên bộ môn IT tại Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ) đã hướng dẫn sinh viên nghiên cứu các dự án nhằm đảm bảo an ninh lương thực và cuộc sống con người khỏe mạnh. Một trong số đó phải kể đến dự án Tomatoes Healthy Check.
Trong những năm qua, anh Quách Luyl Đa đã thực hiện nhiều nghiên cứu liên quan tới các tiêu chí về đảm bảo an ninh lương thực và cuộc sống con người khỏe mạnh. Trong số đó phải kể đến các nghiên cứu tập trung vào vấn đề phát hiện sâu bệnh, tình trạng sức khỏe bất thường trên cây nông nghiệp, thủy sản... Đặc biệt, gần đây nhất anh Đa đã cùng sinh viên nghiên cứu dự án xác định tình trạng sinh lý của trái cà chua như già, hỏng, chín hoặc chưa chín. Dự án này được lấy tên là Tomatoes Healthy Check.
Trước khi bắt tay vào dự án, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát về nhu cầu sử dụng của loại thực phẩm này. Trong nghiên cứu gần đây, cà chua là một loại thực phẩm đứng thứ 4-5 trong bảng xếp hạng mức độ thực phẩm được ưa chuộng của thế giới và có mức tăng trưởng tương đối cao. Theo khảo sát của Mordor Intelligence, thị trường cà chua có thể tăng từ 197 tỷ USD lên 249 tỷ USD trong giai đoạn 2023 – 2028.
Như vậy, việc xác định tình trạng sinh lý của trái cà chua sẽ giúp người canh tác dễ dàng quản lý, theo dõi và nhanh chóng xử lý nếu gặp vấn đề. Thông qua nghiên cứu, nhóm nhận thấy rằng khó khăn lớn nhất trong xác định tình trạng sinh lý của trái cà chua vẫn là làm thế nào để khẳng định được đó là trạng thái chính xác. Do vậy, nhóm đã nghiên cứu phương pháp tiếp cận mới thông qua trí tuệ nhân tạo có thể giải thích và đặt tên là Tomatoes Healthy Check.
Dự án Tomatoes Healthy Check được xây dựng nhằm mục đích xác định, phân loại và đếm số lượng quả cà chua theo sinh lý của quả. Dự án nhằm mục đích cung cấp nền tảng để kiểm tra trên dữ liệu hình ảnh, video hoặc realtime bằng camera. Đây là dự án xây dựng phần lõi trong việc xây dựng các hệ thống tự động phát hiện trong môi trường thực tế để áp dụng cho robot thu hoạch, dự đoán sản lượng… Vì đây là phương pháp còn khá mới nên nhóm đã phải thử nghiệm và gửi bài cho các tạp chí để nhận đánh giá và cải thiện hơn.
Dự án được bắt đầu với việc xác định trọng tâm ổn định nguồn lương thực, do đó có thể tận dụng tốt được nguồn tài nguyên sẵn có và quá trình thực hiện giúp sinh viên tiếp cận được với nhu cầu của người nông dân và các trang trại phát triển theo xu thế cách mạng công nghệ 4.0. Bước đầu của dự án cho thấy được tiềm năng khi có nhiều quốc gia đang phát triển các mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và quá trình tự động hóa. Điều này giúp giảm được lượng nhân công, tính toán được thời gian và sản lượng khi thu hoạch, kiểm tra tình trạng tự động trong khâu sản xuất công nghiệp…
Do đó, việc nhân rộng dự án này hoặc những dự án tương tự là một nhu cầu cần thiết tại Việt Nam trong tương lai nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và sử dụng, tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cũng như sức khoẻ của người tiêu dung.
Trong thời gian tới, nhóm sẽ nghiên cứu việc xây dựng hệ thống trên thiết bị nhỏ như robot, thiết bị bay không người lái… để khắc phục một số nhược điểm khi trái bị che khuất bằng trí tuệ nhân tạo có thể giải thích.
Nhiều dự án, nghiên cứu gắn giáo dục đào tạo với các mục tiêu phát triển bền vững sẽ được các CBGV Trường ĐH FPT và các đơn vị khác thuộc FPT Edu toàn quốc chia sẻ tại Hội thảo FPT Educamp 2023. Đăng ký tham dự Hội thảo ngay tại đây.
Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn