Gợi ý bí quyết “ăn điểm” tại vòng 2 FPT Edu NihongoEng
Với chủ đề "Responsibility – Trách nhiệm", FPT Edu NihongoEng 2021 được nhiều thí sinh đánh giá là một cuộc thi hay nhưng cũng không kém phần "khó". Vậy nên để giành được ưu thế tại vòng thi bán kết sẽ diễn ra vào ngày 13/11 tới, các đội thi đừng quên tham khảo những gợi ý sau đây.
Tận dụng ưu thế từ luật thi
Ở vòng thi số 2, các đội thi được yêu cầu lựa chọn một chủ đề từ danh sách các đề tài có sẵn và trình bày quan điểm của mình trước BGK. Điều này giúp các đội có thể tùy ý lựa chọn một đề tài thuộc thế mạnh của các thành viên. Thêm vào đó, mỗi đội sẽ có 7 ngày để chuẩn bị bài nói, bao gồm: nội dung, outline, slide trình chiếu (không bắt buộc)… Quãng thời gian chuẩn bị này sẽ vô cùng hữu ích nếu các đội biết cách tận dụng nó để làm đa dạng và sinh động bài nói của đội mình, bao gồm cả nội dung, hình thức minh họa và biểu cảm của người nói.
Sử dụng các công cụ hỗ trợ một cách hợp lý
Ở vòng 2, BGK đưa ra luật chơi mở trong việc lựa chọn nội dung và sử dụng công cụ hỗ trợ, giúp các đội thi có thể tùy ý lựa chọn theo thế mạnh và phù hợp với các thành viên của đội mình. Để có thể tận dụng luật chơi này, trước khi đưa ra quyết định, các đội cần đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của chính mình. Nếu bạn tự tin với khả năng truyền đạt quan điểm thì có lẽ việc sử dụng slide hoặc outline hỗ trợ cho bài nói là không cần thiết. Nhưng nếu áp lực tâm lý dễ dàng khiến bạn gặp khó khăn trong việc tư duy mạch lạc thì việc sử dụng một công cụ hỗ trợ "nhắc bài" khéo léo là một lựa chọn không tồi. Chưa kể, việc sử dụng một slide với hai mục đích: vừa thể hiện outline để đỡ quên bài, vừa minh họa cho nội dung bài nói thêm sinh động.
Chú ý tới kết cấu và nội dung của bài nói
Theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Chủ nhiệm bộ môn Tiếng Anh và thầy Nguyễn Cường – Chủ nhiệm bộ môn Tiếng Nhật, FPTU Hà Nội, điểm của vòng thi thứ 2 này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết cấu và nội dung bài nói của các đội thi. Để có thể có một bài nói được đánh giá là chất lượng, các đội thi cần bám sát theo chủ đề được giao, có những tìm tòi chính xác, mới lạ về chủ đề, đồng thời lồng ghép được quan điểm của cá nhân/nhóm về chủ đề.
Bên cạnh đó, các đội chơi cũng cần chú ý tới kết cấu của bài nói. Cụ thể các phần sẽ gồm:
- Mở đầu: Chào hỏi, giới thiệu nhóm
- Thuyết trình/phản biện
- Kết thúc: Kết luận, gợi ý, đề xuất (nếu có)
Đa dạng kiến thức để sẵn sàng trả lời các câu hỏi từ BGK
Có thể thấy, phần Q&A với hội đồng BGK là phần quyết định phân định thắng thua, nhất là đối với các đội chơi ngang tài ngang sức. Đặc biệt hơn, phần thi này không hề có ngân hàng đề thi để chuẩn bị trước. Vậy nên, để có thể trả lời được các câu hỏi từ Hội đồng BGK, các đội chơi cần tích lũy các kiến thức xã hội liên quan tới chủ đề và đề tài mà đội thi lựa chọn để làm đa dạng và sinh động hơn nội dung trả lời của nhóm mình.
Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn