FPT Edu - Tin tức chung

Hành trình đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng trẻ của FPT Edu

06/09/2022
Huỳnh Lệ Thục Anh
1361

Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ dường như không có nhiều cơ hội để tìm hiểu những hình thức nghệ thuật xưa, để cảm được cái hay, cái đẹp của những âm thanh dân tộc. Hiểu được “cái khó” của giới trẻ trong việc tiếp cận với âm nhạc truyền thống, Tổ chức Giáo dục FPT đã đưa bộ môn nhạc cụ dân tộc vào chương trình giảng dạy chính khoá, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm văn hoá nghệ thuật dân tộc quy mô, chuyên nghiệp, nhằm mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với thế hệ trẻ, từ đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và lan toả những giá trị tinh thần của ông cha đến với cộng đồng. 

Những tiết hoạt động truyền cảm hứng trong trường học
Năm 2015, Trường ĐH FPT chính thức đưa bộ môn âm nhạc truyền thống vào chương trình học chính khoá với mong muốn mang những thanh âm truyền thống của Việt Nam vào đời sống học đường của hàng chục ngàn sinh viên từ Hà Nội, Đà Nẵng cho đến Quy Nhơn, Cần Thơ và TP. HCM. Các sinh viên của Trường ĐH FPT ngay từ năm nhất đã được làm quen với các loại nhạc cụ sáo trúc, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, trống và lựa chọn một loại nhạc cụ mà mình yêu thích để gắn bó.

 

Mỗi năm, âm nhạc truyền thống lại đến gần hơn với đời sống của hàng ngàn sinh viên ĐH FPT trên khắp cả nước

 

Trong suốt bảy năm, những tiếng đàn dân tộc đã đi vào đời sống của sinh viên ĐH FPT thật tự nhiên như hơi thở. Các CLB nhạc cụ truyền thống lần lượt ra đời trên cả 5 campus ĐH FPT trên cả nước; các sự kiện lớn như Lễ Khai giảng, Lễ Tôn vinh… không thể thiếu những tiếng sáo, tiếng đàn; những đêm nhạc nhạc dân tộc trở thành không gian nghệ thuật để các sinh viên đắm mình vào những làn điệu quê hương; những video âm nhạc “kết đôi” giữa giai điệu hiện đại và nhạc cụ truyền thống… không còn là những sự kiện “điểm nhấn” khiến người ta bàn tán xôn xao, mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống học đường của sinh viên ĐH FPT.  Phương Thảo (ĐH FPT TP. HCM) chia sẻ: "Tham gia các hoạt về âm nhạc truyền thống trong trường giúp chúng tôi luôn chủ động trong việc tiếp thu và luyện tập với những tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao – điều mà tôi từng nghĩ chỉ thầy cô hay nghệ sĩ lâu năm mới có thể làm được".

 
 

Sinh viên ĐH FPT nghiêm túc đầu tư về công sức và thời gian cho bộ môn nhạc cụ dân tộc


Là một “gương mặt thân quen” trong các hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống tại Trường ĐH FPT TP. HCM, Ngọc Thoa không ngần ngại chia sẻ lý do mình đến với nhạc cụ dân tộc là vì… bắt buộc. Tuy nhiên, những âm thanh trong trẻo của đàn tranh đã chinh phục trái tim của cô gái 20 tuổi, và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Thoa. Từ đó, Thoa say sưa học và tập luyện đàn tranh, đồng thời tham gia các hoạt động giao lưu, chia sẻ, biểu diễn ở Trường. "Thật hạnh phúc khi được truyền "lửa" từ chính giảng viên, bè bạn cũng như có cơ hội biểu diễn, tham gia nhiều cuộc thi lớn nhỏ" – Thoa chia sẻ.

Quách Dương là một trong số ít các sinh viên lựa chọn học Đàn Tỳ bà cho bộ môn Âm nhạc dân tộc tại ĐH FPT Hà Nội. Chia sẻ về lựa chọn này, Dương cho biết: "Ban đầu mình cũng như các bạn sinh viên khác thôi, chỉ chăm chăm chọn học đàn nào cho dễ… qua môn, chứ không có ý định sẽ chơi đàn lâu dài. Thế mà trong ngày đầu tiên đi học, mình đã thực sự bất ngờ và bị thu hút bởi tiếng đàn tỳ bà của cô Thuỳ Chi”. Và chính từ khoảnh khắc đó, Dương nhận ra mình thật sự đam mê bộ môn này. “Mình ngồi ôm đàn cả ngày cũng được, có mặt trên phòng nhạc 24/7 cũng được. Miễn là có thời gian, thì mình sẽ tập đàn”. Dương cũng thường xuyên tìm cho mình những cơ hội nâng cao kỹ thuật của mình thông qua các buổi trao đổi, giao lưu với các thầy cô giáo bộ môn và với các sinh viên có cùng đam mê trong CLB Nhạc cụ truyền thống FTIC tại Trường.

Đặng Lê Minh Quang (ĐH FPT TP. HCM) – chàng sinh viên đạt học bổng 100% của ĐH FPT – đã làm quen và tự học sáo trúc qua Youtube từ những năm cấp III. Tuy nhiên, việc học và luyện tập sáo trúc một cách bài bản dưới sự chỉ dẫn của các thầy cô giáo có chuyên môn và phương pháp tại ĐH FPT là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, giúp cho Minh Quang “lên tay” chỉ trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, Minh Quang cũng tham gia sinh hoạt và biểu diễn cùng những người bạn trong CLB Nhạc cụ Truyền thống FTIC – những hoạt động khiến cho Quang cảm thấy mình đang “thật sự được sống với đam mê của mình”.

Một trong những người đồng hành đặc biệt của Minh Quang trong suốt quá trình học và chơi sáo là người anh sinh đôi có cùng sở thích Đặng Lê Hoàng Vinh (ĐH FPT TP. HCM). Những giây phút cùng khoác lên mình những bộ cổ phục và song tấu những giai điệu quê hương là những trải nghiệm không thể nào quên đối với cả hai anh em.

 

Các sân chơi nhạc cụ dân tộc là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của sinh viên ĐH FPT

 

Và những hoạt động lan toả đến cả cộng đồng
Nhận thấy đam mê ngày càng lớn của các sinh viên đối với âm nhạc truyền thống, Tổ chức Giáo dục FPT đã tạo ra một sân chơi lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, mang đến những trải nghiệm đáng nhớ hơn mang tên FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022. Đây là cuộc thi nhạc cụ truyền thống đầu tiên dành cho các đối tượng không chuyên được tổ chức một cách quy mô với tổng giá trị giải thưởng gần 200 triệu đồng. Được sự đồng hành và hỗ trợ về mặt chuyên môn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các nghệ sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống, FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo các học sinh sinh viên trên cả ba miền đất nước. Các hoạt động thi đấu, biểu diễn, tranh tài liên tục diễn ra một cách sôi nổi trên cả 5 campus của ĐH FPT tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Quy Nhơn, tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng sinh viên nói riêng và những người quan tâm đến giáo dục, văn hoá, nghệ thuật nói chung.  

 

Sau bảy năm đưa nhạc cụ truyền thống vào chương trình học chính khoá, Tổ chức Giáo dục FPT Edu lần đầu tiên tổ chức một sân chơi lớn dành cho các sinh viên yêu bộ môn này

 

Song hành cùng các hoạt động chuyên môn là những trải nghiệm thú vị, mang màu sắc hiện đại được BTC FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 khéo léo lồng ghép để “chiều lòng” những khán giả mới “nhập môn” nhạc cụ truyền thống dân tộc. Đó là buổi chụp ảnh tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam, Photobooth tại 5 campus ĐH FPT, MV “Tích Tịch Tình Tang” với giai điệu hiện đại kết hợp với nhạc cụ truyền thống - những hoạt động trải nghiệm bên lề nhưng có sức hút lớn, đóng vai trò thu hút các sinh viên và khán giả đến gần hơn với cuộc thi, với những thanh âm của dân tộc.

Một trong những hoạt động đồng hành nổi bật của FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 là Đêm nhạc Dòng chảy - một buổi trình diễn nhạc cụ truyền thống mang phong cách cổ xưa cùng những câu chuyện cũ được kể qua những âm thanh dân tộc, những làn điệu hát chèo, hát xẩm, hát văn… Tất cả đã tạo nên một không gian độc đáo, khiến cho người xem được đắm chìm trong nghệ thuật truyền thống, lắng nghe từng tiếng đàn, tiếng hát mang cái hồn của người xưa, từ đó cảm thấy yêu hơn những giá trị văn hoá ông cha bao đời để lại.

 

Đêm nhạc Dòng chảy mang những làn điệu hát xẩm, hát chèo, hát văn, cải lương… đến gần hơn với khán giả trẻ

 

Ngày 20/8, hành trình FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 chính thức khép lại với Đêm Công diễn & Lễ Trao giải được Tổ chức tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tại đây, các nghệ sĩ lớn cùng các thầy cô giáo và sinh viên của hai trường Đại học FPT và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã cùng nhau mang đến những tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc đặc sắc và đầy cảm xúc. Mở đầu với những tiết mục hoà tấu vui tươi, rộn rã, các nghệ sĩ của chương trình lần lượt đưa khán giả đến với những phút giây lắng đọng đầy hồi tưởng trong tiếng đàn tranh, đàn bầu, trong những giai điệu hát xẩm và làn điệu cải lương, rồi kết lại với những hồi trống mạnh mẽ như hồn thiêng của dân tộc.

 

Các nghệ sĩ lớn xuất hiện trên sân khấu Đêm Công diễn FPT Edu Tích Tịch Tình Tang để biểu diễn và giao lưu với các khán giả yêu âm nhạc truyền thống Việt

 

Không chỉ hoà mình vào giai điệu và không khí của từng nhạc phẩm trong đêm nhạc, các khách mời và khán giả còn cảm thấy bất ngờ trước sự chuyên nghiệp, chỉn chu và mức độ đầu tư của các “nghệ sĩ không chuyên” trình diễn trong chương trình – chính là các thí sinh tranh tài tại cuộc thi FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022. Vừa có kỹ thuật tốt lại vừa có “độ phiêu” trong từng nốt nhạc, cùng với phong cách trình diễn tự tin và bản lĩnh sân khấu vững vàng chính là những điều giúp cho các “nghệ sĩ không chuyên” của FPT Edu tỏa sáng trên sân khấu lớn, ghi điểm trong mắt các chuyên gia âm nhạc, các nghệ sĩ gạo cội và các khán giả yêu âm nhạc. Đặc biệt, phần thể hiện của các sinh viên FPT Edu không hề mang tính chất “phô diễn” kỹ thuật, tài năng, mà nghiêng về cảm xúc, về cái hồn của âm nhạc, về cái tình của người chơi. Nó thể hiện được sự say mê của các em đối với âm nhạc dân tộc, cũng như khát khao được đưa những làn điệu này đến gần hơn với cộng động, để chứng minh rằng âm nhạc truyền thống Việt Nam tuy “cổ nhưng không cũ”, và chính thế hệ trẻ sẽ là những người tiếp thêm sức sống để những thanh âm ngàn năm mãi ngân vàng.

 

Các “nghệ sĩ không chuyên” của FPT Edu đưa khán giả đi qua những khúc nhạc êm ả, ngọt ngào như lời hát ru của mẹ

 

Nếu cuộc thi nhạc cụ dân tộc FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 đã mang âm nhạc truyền thống đến gần với các sinh viên trên mọi miền đất nước, thì dự án cộng đồng "Đưa bộ môn nhạc cụ dân tộc đến với các trường THPT" của FPT Edu lại lan toả tình yêu và niềm tự hào về văn hoá nghệ thuật dân tộc đến với các học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM. Với các nhiều hình thức triển khai như tổ chức giảng dạy nhạc cụ dân tộc; tổ chức các hội thảo, buổi biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các trường THPT hoặc tại Trường ĐH FPT; giao lưu về nhạc cụ dân tộc… dự án "Đưa bộ môn nhạc cụ dân tộc đến với các trường THPT" đã tạo điều kiện cho các học sinh tiếp xúc, tìm hiểu thêm về bộ môn đặc sắc này, từ đó khơi dậy trong các em những rung động với những nét tinh hoa nghệ thuật do ông cha để lại.

 

FPT Edu nỗ lực đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với các học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM

 

Kết
Là một Tổ chức Giáo dục sinh ra trong lòng doanh nghiệp với sứ mệnh “mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước”, FPT Edu đã và đang xây dựng nhiều trải nghiệm nhằm trang bị cho sinh viên đầy đủ kỹ năng để trở thành một công dân toàn cầu, trong đó không thể thiếu được tình yêu và niềm tự hào đối với những giá trị văn hoá - nghệ thuật của dân tộc. Mong rằng những nỗ lực của FPT Edu sẽ tạo nên một làn sóng mới, khơi dậy phong trào dạy và học nhạc cụ dân tộc trong học đường, và âm nhạc dân tộc sẽ luôn có chỗ đứng vững vàng trong lòng mỗi người trẻ Việt Nam, được chính thế hệ đầy sức sống này thổi lửa, lan truyền, gìn giữ và yêu thương.

 

Thục Anh

Tổ chức Giáo dục FPT

1361

Nhân vật