Những bài học mà "người thầy không dạy chữ" trao truyền cho học sinh FSchool
Đồng hành cùng học sinh trong các hoạt động nội trú tại THPT FPT, những giáo viên quản nhiệm tuy không trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng lại là người trao truyền cho các em học sinh rất nhiều bài học về trong cuộc sống.
Bài học về cách nuôi dưỡng lòng biết ơn
Ở FPT School, mỗi một học sinh đều được học cách nuôi dưỡng lòng biết ơn, thể hiện tình cảm yêu thương đối với gia đình. Bài học về lòng biết ơn được giáo viên quản nhiệm lồng ghép thông qua nhiều hoạt động như viết thư tay, làm thiệp thủ công, gửi lời yêu thương tới ông bà, bố mẹ... Nhờ những hoạt động này, cùng sự động viên từ giáo viên quản nhiệm, các bạn đã mạnh dạn hơn trong việc bày tỏ lòng yêu thương đối với các thành viên trong gia đình.
Thầy Huỳnh Văn Sự, Giáo viên Quản nhiệm tại THPT FPT Cần Thơ chia sẻ: “Để truyền cảm hứng cho các em, chính mình cũng thực hành nêu gương, mạnh dạn thể hiện sự quan tâm với gia đình, đặc biệt là đối với mẹ. Dần dần qua năm tháng gắn bó, các bạn đều có sự thay đổi tích cực. Có bạn tự đề nghị ba mẹ cho phép tự mang vali và đồ đạc từ cổng vào, có bạn thì tiết kiệm ống heo để mua quà tặng mẹ, có những bạn thì chẳng còn ngại ngần trao cho ba mẹ những cái ôm, thơm má chốn đông người. Và đặc biệt, dù đang sống trong thời đại công nghệ phát triển thì vẫn có nhiều bạn lựa chọn viết thư tay cho ba mẹ…”
Để hỗ trợ các bạn, thầy Sự nhiều lần đứng ra làm “người kết nối” để các bạn và ba mẹ có thể hiểu nhau hơn, hàn gắn tình cảm giữa các bạn và gia đình sau những lần bất hòa. Và thật may cho tới giờ thì mọi lần hàn gắn đều thành công cả. “Mình biết rằng, dù có những khi chưa hiểu nhau, nhưng ba mẹ và các bạn đều yêu thương nhau, đó là nền tảng quan trọng nhất cho việc hàn gắn này”, thầy Sự chia sẻ.
Bài học về việc mở lòng, sẻ chia và tha thứ
“Mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt, vì vậy chúng ta không thể giáo dục các em theo cùng một cách” - đó luôn là phương châm làm việc của cô Nguyễn Thị Lan Anh, (Giáo viên quản nhiệm Trường THPT FPT Đà Nẵng). Nhiều năm làm việc với học sinh, Lan Anh biết rằng có những vấn đề rất dễ dàng đối với nhiều bạn, nhưng cũng cùng vấn đề đó, với bạn khác lại là thử thách khó khăn.
Các thầy cô quản nhiệm cần bằng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và cả tình cảm yêu thương của mình tìm ra những giải pháp giúp học sinh hoà nhập với môi trường nội trú. Gắn bó với học sinh trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trong các hoạt động phong trào ngoại khoá, thầy cô quản nhiệm dần dần trở thành người các em tin tưởng, “người anh, người chị lớn” đồng hành trên hành trình “tự lập để trưởng thành” của học sinh THPT FPT.
Các giáo viên quản nhiệm tại THPT FPT cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình trao truyền những bài học cuộc sống tới học sinh. Tuy nhiên, ở tình huống, các thầy cô cũng nỗ lực tìm kiếm giải pháp, vượt qua khó khăn để góp phần tạo dựng những trải nghiệm sống, học tập và trưởng thành trong môi trường nội trú tốt nhất cho học sinh của mình.
“Những lúc như thế, thầy cô quản nhiệm cần phải kiên nhẫn hơn, tìm cơ hội trao đổi nhiều hơn với các em để cả hai hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau nhiều hơn. Và nhiều khi những lần giận dỗi nhau đó lại trở thành những kỉ niệm đáng nhớ trong quá trình học tập, sinh hoạt nội trú đối với các em và trong quá trình làm việc của những người giáo viên quản nhiệm” – Lan Anh chia sẻ.
Cũng chính bởi những bài học cuộc sống được truyền dạy bằng sự kiên nhẫn và đồng hành mà giáo viên quản nhiệm tại THPT FPT được học sinh yêu mến gọi là “những người thầy không dạy chữ”.
Trao truyền cho học sinh những bài học về sự tử tế, lòng biết ơn, những kỹ năng thích ứng với đời sống nội trú đồng thời các thầy cô cũng là những “sứ giả” đã và đang đưa một trong những định hướng chiến lược của Tổ chức Giáo dục FPT: Trường học tử tế vào thực tiễn. Tin tưởng rằng, với những người thầy tận tâm, những học trò tự lập và giàu lòng yêu thương, định hướng chiến lược này của FPT Edu sẽ được hiện thực hoá trong nhiều hơn những hoạt động giáo dục đào tạo tại FPT School và các đơn vị khác thuộc Tổ chức.
Tổ chức Giáo dục FPT – FPT Edu đưa ra 5 định hướng chiến lược: Cùng với Sứ mệnh – Tầm nhìn – Văn hoá – Triết lý giáo dục, đây sẽ là những định hướng chính cho các hoạt động vận hành, giáo dục, đào tạo của Tổ chức. Tuyến bài này sẽ chia sẻ những thông tin và câu chuyện về việc thực hiện và lan toả Sứ mệnh – Tầm nhìn – Văn hoá – Triết lý giáo dục – Định hướng chiến lược của FPT Edu trong cộng đồng cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên các đơn vị toàn FPT Edu. |
Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn