Những báo cáo Thiết kế đồ họa ấn tượng được “trình làng” tại Chung kết FPT Edu ResFes 2022
Với những nỗ lực sáng tạo và đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, sinh viên FPT Edu đã mang đến vòng Chung kết FPT Edu ResFes 2022, Tiểu ban Thiết kế đồ họa nhiều báo cáo khoa học chất lượng, cho thấy những giải pháp sáng tạo dưới góc nhìn người trẻ trước các vấn đề thiết thực của đời sống xã hội.
MiP Z - Bộ sách và board game lan tỏa thông điệp về "mối nguy" vi nhựa
Đây là bộ sản phẩm đã giúp đội 4(U)s - Greenwich Việt Nam, cơ sở TP. HCM xuất sắc giành giải Nhì tại vòng Chung kết FPT Edu ResFes 2022, Tiểu ban Thiết kế đồ họa. Với đề tài NCKH là "The implementation of illustration arts to raise awareness for Greenwich students about the pathway of microplastics entering the human body" - "Bộ sản phẩm ứng dụng nghệ thuật minh họa nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên Greenwich về quá trình hạt vi nhựa xâm nhập cơ thể con người", MiP Z đã được nhóm SV dày công lên ý tưởng, nghiên cứu và cho ra đời với một diện mạo ấn tượng.
“Tên gọi MiP Z được chúng mình lấy cảm hứng từ Thế chiến Z. Do đó, cái tên MiP Z được dùng để miêu tả hành trình con người chiến đấu quyết liệt nhằm chống lại vi nhựa. MiP Z - Hành trình xâm lăng của Vi nhựa” (MiP Z - The invasion of Microplastic) bao gồm 1 cuốn sách và 1 board game tương tác. Nội dung sách cũng như các chủ đề tương tác của MiP Z sẽ giúp mọi người ý thức được sự nguy hiểm của vi nhựa cũng như những con đường mà vi nhựa thâm nhập vào cơ thể con người thông qua những minh họa hài hước, vui tươi, dễ hiểu và dễ nhớ", thành viên đội 4(U)s chia sẻ.
Nghiên cứu về tác hại của vi nhựa đối với cuộc sống con người vốn không phải là một lựa chọn mới mẻ, tuy nhiên, nhóm SV tự tin cho biết điểm thú vị trong đề tài của mình đó là cách truyền tải thông điệp về vi nhựa thông qua sách và board game. "Chúng mình đã thực hiện một khảo sát và thấy rằng những sản phẩm như sách hay board game tương tác về chủ đề vi nhựa dường như vẫn chưa xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Vậy nên dù đi vào nghiên cứu một chủ đề đã quen, mang tính "thời sự" xưa nay nhưng cả nhóm vẫn có niềm tin vào tính độc đáo, sáng tạo riêng của dự án".
Nói thì dễ, làm mới khó, 4(U)s cho biết trong quá trình làm nghiên cứu, các bạn đã phải vượt qua rất nhiều thách thức, trong đó khó nhất là phần thu thập dữ liệu từ việc khảo sát từ các bạn sinh viên. Ngoài việc phải nghĩ nội dung câu hỏi khảo sát sao cho ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn phải bám sát nội dung thì việc phân tích kết quả thu về cũng "khó nhằn" cho cả team - những SV ngành Graphic Design trước nay chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện các khảo sát tỉ mỉ.
“Vì thế, bên cạnh việc tự mày mò và tìm đến mentor để "gỡ khó", team thường xuyên phải tổ chức brainstorm để tìm cách xử lý nhanh gọn từng vấn đề. May mắn là cả mentor và các thành viên trong nhóm đều rất tâm huyết với dự án, mọi người đều có niềm tin và quyết tâm cùng nhau đi đến cùng. Để rồi sau những nỗ lực ấy, giải Nhì chung cuộc đã gọi tên chúng mình. Khoảnh khắc được vinh danh thực sự không thể nào quên, ai cũng vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc”.
FuDi - Thiết kế bền vững cho phần mềm take note và bộ sổ ghi chú khoa học
Lấy ý tưởng từ xu hướng thiết kế bền vững, SV Nguyễn Ngọc Yến Nhi (Greenwich Việt Nam, cơ sở TP. HCM, cũng là thành viên duy nhất của FuDi team) đã mang đến chung kết FPT Edu ResFes năm nay đề tài "Comprehensive graphic design solution for optimal note-taking experience" - "Giải pháp thiết kế đồ hoạ toàn diện cho trải nghiệm ghi chép tối ưu".
Được biết, trước nay vốn đã có rất nhiều bài nghiên cứu về lợi ích của việc take note, so sánh giữa cách viết ghi chú truyền thống (bằng giấy, bút) và cách viết điện tử (sử dụng app, web, smartphone). Kết quả cho thấy mỗi hình thức đều có những ưu, nhược điểm riêng, ví dụ take note bằng giấy bút giúp bạn có cảm giác ghi nhớ hiệu quả hơn nhưng lại khá mất công sức, thời gian, độ bảo mật thông tin có thể không cao và cũng không loại trừ khả năng sổ ghi chép bị thất lạc, đánh mất... Take note trên app mang lại lợi thế về sự tiện lợi, nhanh chóng và thông minh, tuy nhiên ở một góc độ nào đó, nó vẫn chưa phải giải pháp lý tưởng cho những người thích viết tay, tự mình ghi lại cho dễ nhớ. Nhận thức được điều đó, Yến Nhi cho rằng điểm đặc biệt trong dự án nghiên cứu của mình đó là kết hợp cả 2 hình thức take note truyền thống và kỹ thuật số để tạo nên một giải pháp ghi chú mới, đặt tên là FuDi - Future Dinosaur.
Hướng đến đối tượng sử dụng là SV khoa Thiết kế đồ họa của Greenwich Việt Nam, cơ sở TP. HCM, độ tuổi từ 18-22, FuDi sẽ cung cấp một ứng dụng ghi chú kỹ thuật số và một bộ sổ tay truyền thống. Công nghệ AR sẽ được tích hợp vào các phần sticker kèm theo trên ứng dụng, bên cạnh đó, hệ thống cũng sẽ gợi ý người dùng phương pháp dàn trang khoa học và phù hợp nhất với mục đích take note của mình. Bộ sổ tay đi kèm của FuDi được làm từ giấy tái chế và tận dụng những vật liệu có sẵn, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng nhưng vẫn đảm bảo thân thiện với môi trường. “Mình hy vọng với bộ sản phẩm này, việc viết ghi chú của SV trong học tập và làm việc sẽ trở nên thú vị và hiệu quả hơn, vừa ứng dụng công nghệ hiện đại vừa không bỏ quên những giá trị truyền thống. Đồng thời qua đó, FuDi cũng mong muốn khơi nguồn cảm hứng cho các bạn về việc tái chế để bảo vệ môi trường”, Yến Nhi cho biết.
Giới thiệu về dự án của mình tại Chung kết FPT Edu ResFes 2022, Tiểu ban Thiết kế đồ họa, Yến Nhi đã nhận được rất nhiều nhận xét, góp ý chuyên môn giá trị từ Hội đồng chuyên môn. Dù đề tài đâu đó vẫn còn thiếu sót và những vấn đề cần cải thiện, nhưng tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm và nỗ lực nghiên cứu của nữ sinh này cũng là điều được BGK ghi nhận, đánh giá cao. Với đề tài này, nữ sinh Greenwich Việt Nam (cơ sở TP. HCM) cũng xuất sắc giành giải Ba chung cuộc.
Linh Phương
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn