FPT Edu - Tin tức chung

Những điều đọng lại sau FPT Edu Hackathon 2022

05/09/2022
Ngô Ngọc Trâm
1099

Vòng Chung kết Hackathon 2022 đã khép lại, cũng là trạm dừng cuối của hành trình cuộc thi gần 4 tháng với rất nhiều cung bậc cảm xúc thú vị, đáng nhớ dành cho các đội thi. Hãy cùng điểm lại những nét tươi mới mà cuộc thi năm nay đã mang lại cho chúng ta.

Cuộc thi FPT Edu Hackathon 2022 là cuộc thi mang đến một thử thách thực sự khó và mới lạ: công nghệ Blockchain. Đây là một công nghệ rất mới, không chỉ với các bạn sinh viên mà với cả nhiều thầy cô mentor. Thêm vào đó các đội thi phải làm chủ một ngôn ngữ phần mềm mới là Motoko, một ngôn ngữ lập trình phi tập trung và bất đồng bộ, tư duy mới so với cách lập trình tập trung và đồng bộ mà các bạn sinh viên học tại trường. Ngoài ra, các đội thi còn phải phát triển phần mềm hoàn chỉnh bao gồm cả front-end và back-end, tức là lập trình fullstack. Ngay cả những sinh viên làm đồ án tốt nghiệp ra trường có thời gian dài khoảng 4 tháng nghiên cứu, phát triển sản phẩm cũng chưa dám chọn lĩnh vực này.

Thế nhưng, kết quả cuối cùng đạt được thành công ngoài mong đợi. Cả 14 đội thi lọt vào vòng Chung kết đều hoàn thành sản phẩm của mình và 7 đội đã đưa được sản phẩm lên mainet của nền tảng Blockchain Dfinity. Để có được kết quả này phải kể đến sự kiên định của các thầy cô Ban chuyên môn đến từ FPT Innovation Lab và bộ môn Computing Fundamental của ĐH FPT Hà Nội do thầy Bùi Ngọc Anh phụ trách. Thầy Trần Quý Ban, thành viên Ban chuyên môn, chuyên gia Blockchain, phụ trách chính về công nghệ và đào tạo chuyên môn cho bảng A & B của cuộc thi năm nay cho biết đã có nhiều ý kiến phản hồi ban đầu liên quan đến cuộc thi về vấn đề như đề tài khó, có khả năng các bạn sinh viên không thể tiếp cận được. Tuy nhiên, thầy Ban vẫn kiên trì bảo vệ quan điểm cho rằng cần phải có đề tài mới lạ, khác biệt và tất nhiên phải khó để thúc đẩy tiềm năng và đam mê công nghệ của các em sinh viên, giúp các em vượt ra khỏi vùng thoải mái của chính mình.

Ngay cả việc chọn nền tảng Dfinity, một nền tảng Blockchain mới và đầy tiềm năng cho ứng dụng fullstack chứ không phải các nền tảng Blockchain phổ biến như Ethereum, Solana,…đã là một quyết định táo bạo của Ban chuyên môn. Theo thầy Ban, để đảm bảo chất lượng cho cuộc thi, năm nay số lượng các buổi đào tạo về chuyên môn cho các đội thi đã được tăng lên thành 10 buổi, các đội thi được hỗ trợ về công nghệ 24/7 liên tục từ vòng sơ kết cho đến chung kết qua kênh Discord do Ban chuyên môn lập ra. Các câu hỏi của các đội thi được giải đáp nhanh chóng và kịp thời cho nên chỉ trong một thời gian ngắn các đội thi đã có thể làm chủ công nghệ, tham gia lập trình ứng dụng blockchain phân tán trên nền tảng Internet Computer của Dfinity.

Thêm vào đó cuộc thi năm nay mở rộng thêm bảng C&D cho đối tượng học sinh THCS với lập trình Scratch đã tạo ra một sân chơi mới bổ ích cho các bạn nhỏ yêu công nghệ. 

Một trong những lý do không thể bỏ qua khi nói đến sự thành công của cuộc thi FPT Edu Hackathon năm nay đó là chuỗi 5 talkshow do Ban công tác học đường FPT Edu kết hợp cùng các doanh nghiệp và Ban chuyên môn tổ chức, về các chủ đề hot của Blockchain như NFT, GameFi, DeFi... Các buổi talkshow đã mang lại rất nhiều kiến thức bổ ích cho các thí sinh. Sự xuất hiện của các diễn giả nổi tiếng từ các doanh nghiệp triệu đô, tỷ đô đã mang lại niềm cảm hứng bất tận về công nghệ dành cho các bạn học sinh, sinh viên FPT Edu để thúc đẩy các bạn hoàn thành xuất sắc các phần thi của mình.

Cuộc thi nào dù hay đến bao nhiêu, tổ chức quy mô như thế nào thì vẫn phải đặt tiêu chí công bằng lên đầu tiên. Thầy Trần Quý Ban (Đại diện Ban chuyên môn) chia sẻ, ngay từ đầu Ban tổ chức đã cực kỳ chú ý đến vấn đề này. Cuộc thi trải qua 3 vòng sơ loại, bán kết và chung kết. Điểm chung là cả 3 vòng đều được thực hiện khách quan và chính xác hết mức có thể. Vòng sơ loại hơn 100 đội đăng ký đã tham gia vòng thi trắc nghiệm và lập trình giải thuật để kiểm tra trình độ sau đó lấy ra 28 đội vào bán kết.

Tại vòng bán kết Ban chuyên môn đã đưa ra đề thi course work lập trình ứng dụng rất chi tiết để lọc ra 14 đội thực sự có khả năng chuyên môn cao nhất để vào chung kết. Tại vòng chung kết mỗi đội được thiết kế một đề thi riêng cho ứng dụng của mình dựa trên prototype đã thiết kế gửi cho Ban chuyên môn. Để đảm bảo tính công bằng Ban chuyên môn đã mời thêm một số chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực Blockchain và nền tảng Internet Computer tham gia hỗ trợ ra đề. Mỗi đề thi đều được các thầy cô trong Ban ra đề tính toán, xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo giúp các đội có được sản phẩm ưng ý nhất cũng như khai thác tốt nhất các tính chất của công nghệ Blockchain.

Trong suốt quá trình thi code tập trung kéo dài 27 tiếng tại vòng Chung kết, đội ngũ các thầy cô giám thị do thầy Võ Đình Nam, chủ nhiệm bộ môn Software Engineering của ĐH FPT Đà Nẵng phụ trách đã theo sát các đội thi, đo lường chất lượng code của các đội liên tục theo giờ trên Github để đảm bảo đánh giá chính xác trình độ của từng đội. Ban giám khảo tại cuộc thi cũng là các chuyên gia và CEO từ các công ty công nghệ Blockchain nổi tiếng nhất tại Việt Nam tham gia chấm để đảm bảo tính công bằng cao nhất cho các đội thi. Ban chuyên môn cũng đưa ra barem chấm điểm cực kỳ chi tiết để đảm bảo tính khách quan. Kết quả thể hiện rõ nét tính chất công bằng khi ở bảng A, đội về Nhất là ĐH FPT TP Hồ Chí Minh, về Nhì là ĐH FPT Đà Nẵng và thứ Ba là ĐH FPT Hà Nội. Có thể nói chính nhờ có sự cố vấn chuyên sâu về công nghệ của Ban chuyên môn và đội ngũ chuyên gia hùng hậu đã làm chất lượng tốt nhất cho cuộc thi.

Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức mà có số lượng lớn các nhà tài trợ góp mặt, tổng cộng 11 nhà tài trợ vàng và một nhà tài trợ bạc. So sánh với các cuộc thi các năm trước khi chỉ có một đến hai nhà tài trợ từ doanh nghiệp ngoài để thấy được sự đột phá của cuộc thi lần này. Trong danh sách các nhà tài trợ xuất hiện các công ty kỳ lân công nghệ tỷ đô tại Việt Nam như Kyber Network, Coin98,…Có thể nói chính việc chọn đề tài cuộc thi về lĩnh vực Blockchain, một lĩnh vực cực kỳ hot trong thời gian gần đây của Ban chuyên môn và Ban tổ chức đã thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp công nghệ đến với cuộc thi.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến sự tổ chức chuyên nghiệp và chu đáo đến từ Ban tổ chức cuộc thi, Ban Công tác học đường FPT Edu, Ban Truyền thông FPT Edu. Năm nay, lần đầu tiên cuộc thi tổ chức tại địa điểm không phải ở Hòa Lạc, Hà Nội. Ban tổ chức đã chọn mảnh đất Đà Nẵng xinh đẹp và hiếu khách là địa điểm lý tưởng tổ chức cuộc thi. Tuy nhiên, việc di chuyển một khối lượng lớn thí sinh các đội thi và máy móc thiết bị phục vụ cuộc thi là một bài toán lớn cho Ban tổ chức. Sự háo hức của các đội thi trước vòng chung kết đã thể hiện sự thành công của việc chọn địa điểm rất táo bạo và sáng tạo của Ban tổ chức. Thêm vào đó sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa Ban chuyên môn, Ban tổ chức và Ban truyền thông đã mang đến các thông tin kịp thời và bổ ích cho những ai quan tâm đến cuộc thi này. Cuộc thi tuy đã kết thúc nhưng những dư âm ngọt ngào của những bạn trẻ tham gia vòng chung kết vẫn còn đọng lại trên các trang Facbook của mình.

Cuộc thi Hackathon 2022 đã khép lại, chúng ta lại chờ một mùa Hackathon tiếp theo để đắm mình với công nghệ. Cuộc thi năm nay đã đặt ra một thử thách mới cho cuộc thi năm tiếp theo, làm thế nào để có cuộc thi hay hơn, sáng tạo hơn, khác biệt hơn,  hàm lượng công nghệ cao hơn, thành công hơn…Hãy cùng chờ nhé!

Phi Tùng (bút danh)

Giảng viên FPT Edu

1099

Nhân vật