FPT Edu - Tin tức chung

Những đỉnh cao đã chinh phục và hành trình 25 năm "vượt qua giới hạn" của Nhà giáo áo cam

04/04/2024
Ngô Ngọc Trâm
550

Behind the idea

NGƯỜI FPT EDU LEO NÚI

Bao năm qua những tưởng FPT Edu duy trì leo núi như một thú-chơi-cũng-lắm-công-phu; té ra không phải. Mỗi lần leo núi là một lần để các nhà giáo áo cam tự thân trải nghiệm và thấm hiểu điều mà Tổ chức Giáo dục FPT đã hun đúc suốt 25 năm qua: tinh thần chọn việc khó đáng làm, quyết tâm vượt-qua-giới-hạn để vươn đến đỉnh cao mới.

Đã là nhà giáo áo cam, cần hiểu tinh thần của Làng giáo áo cam.

1.500 người FPT Edu lần đầu lên đỉnh

Năm 2019, FPT Edu tròn 20 tuổi. Lúc này, toàn tổ chức có khoảng 1.500 CBGV. Sinh nhật tổ chức ở cái độ thanh xuân phơi phới thế này thì phải có hoạt động gì cho anh chị em cùng tham gia, để cảm ơn sự cống hiến của mọi người, để vui nhưng vẫn phải có ích. Làm gì nhỉ? Leo núi!

Tổ chức đang ở tuổi trẻ trung. CBGV trừ những anh chị thâm niên lão làng, mà số này đếm ra ít, đã ít rồi đa số vẫn còn khoẻ và “máu” thì còn toàn đội trẻ. Trẻ thì thích đi, khám phá, chinh phục. Chinh phục “đã” nhất là lên cao, vậy thì leo núi là hợp rồi. Đi một mình không vui nhưng đi cùng nhau thì chắc vui hơn. Vậy thì tập hợp theo ngành dọc, kết hợp họp bàn chuyên môn đẩy công việc chạy vù vù với cùng nhau  chinh phục một đỉnh núi nào đó.

Vậy là tháng 11/2019, 1.500 CBGV FPT Edu toàn quốc khi đó, tham gia vào chương trình Ngàn người lên đỉnh - Họp ngành dọc kết hợp leo núi, lần đầu tiên của Tổ chức và có lẽ là lần đầu tiên trong đời nhiều người.

Ba đỉnh núi được chọn là núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Yên Tử (Quảng Ninh) và Langbiang (Lâm Đồng). Háo hức, hừng hực khí thế, những bước chân đầu tiên bỡ ngỡ, rồi mưa, nắng, trượt ngã, những giọt mồ hôi, đứng dậy đi tiếp, mất chừng 4-5 tiếng cho mỗi hành trình. Leo lên đã khó, leo xuống có khi còn khó hơn. Những Nhà giáo áo cam đã cùng nhau lần đầu leo núi như thế.

“Chúng tôi đang ở lưng chừng núi Bà Đen, mới đi được khoảng 1/3 chặng đường”, trưởng đoàn Vũ Mạnh Tuấn (hiện là Giám đốc FSchool Hà Nam) nói. Những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt và thấm đẫm chiếc áo anh đang mặc, dù anh là “con nhà võ”. Chị Nguyễn Thuý Châm (Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trường ĐH FPT Hà Nội) một thành viên trong đoàn Bà Đen thì chia sẻ: “Cố gắng để cùng anh em lên đến đỉnh chứ chị là chóng mặt lắm”. “Mọi người đang hưng phấn và quyết tâm giữ được tinh thần này cho đến khi lên đỉnh”, anh Tuấn khẳng định. “Rất sướng, lên đến đỉnh là cảm thấy rất sướng”, một thành viên đoàn leo Langbiang nghẹn lời khi chạm tay vào cột mốc đỉnh núi cao hơn 2.100m trong một buổi chiều lộng gió cao nguyên.

Màu trời, màu mây hoà với màu cam của những sắc áo, những lá cờ “Tổ chức Giáo dục FPT” bay trong gió, in đậm tinh thần của những Nhà giáo áo cam lần đầu cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn trên hành trình chinh phục đỉnh núi.

“Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi”

Thực ra, người FPT Edu đã leo núi từ lâu. Năm 2012, 14 CBGV FPT Polytechnic cùng nhau chinh phục đỉnh Rùng Rình (thuộc Tam Đảo, Vĩnh Phúc khi đó). Hành trình không quá dài nhưng được đánh giá là “khó đi, khá mệt, không có đường mòn, nước lấy dưới suối chân núi định mang lên đỉnh rửa mặt thì đã uống hết sạch trên đường đi, 14 người đi thì chỉ có 3 người lên tới đỉnh”, theo  anh Lê Thanh Hải (Giảng viên CNTT, Trường ĐH FPT Hà Nội; thành viên đoàn khi đó).

“Năm 2014, đoàn cán bộ FPT Edu gồm hơn 60 người với sự dẫn dắt của ‘tổng tư lệnh’ Lê Trường Tùng (TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT) đã leo lên tận cột mốc 3.143m trên đỉnh Fansipang, khi mà nơi này chưa hề có cáp treo”, chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (Greenwich Việt Nam, cơ sở Hà Nội) kể.

“Trekking từ lúc 4 giờ sáng trong cơn mưa rừng, vượt qua giá lạnh tại mốc nghỉ 2.800m, đón hoàng hôn trên những con đường trúc giữa một biển mây bồng bềnh như đang lạc bước giữa xứ sở thần tiên”, chị Hân hồi tưởng chuyến leo núi đáng nhớ trong đời mình. Trên đỉnh “nóc nhà Đông Dương” khi đó, người FPT Edu hoà chung niềm tự hào khi cùng hát Quốc ca, ngắm Quốc kỳ tung bay trong gió.

Tiếp nối hành trình, chính thức từ sinh nhật FPT Edu 20 tuổi năm 2019 đến nay, người FPT Edu toàn quốc duy trì hoạt động Họp ngành dọc kết hợp leo núi. Mỗi năm, số đỉnh núi người FPT Edu có thể chinh phục tăng lên, những hành trình khó hơn, những độ cao thách thức hơn được bổ sung.

Tấm ảnh này là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong chương trình Họp ngành dọc kết hợp leo núi năm 2022. Đoàn CBGV Ban Kế hoạch – Tài chính – Kế toán FPT Edu toàn quốc đang vượt qua những đoạn đường bậc thang trên đường núi Bạch Mã (Đà Nẵng).

Cơn mưa đầu mùa miền Trung xối xả, nước chảy qua những bậc thang dốc đứng xuống xoáy mạnh tung cả bọt trắng, làm ướt đầm những bộ quần áo dù đã được vội vã choàng ra ngoài chiếc áo mưa, làm những bước chân phải cố gắng núi chặt lấy mặt đường và khiến những đôi tay thêm nhiều phần sức lực bám vào vách đá vốn cũng phủ đầy rong rêu. Nhưng không làm ướt những nụ cười của người đi chinh phục.

Ngoài hoạt động leo núi chính thức, người FPT Edu còn có những đoàn leo núi “nhóm nhỏ với độ ‘máu’ cực căng”, sẵn sàng đi tới những đỉnh núi thách thức dạng top trong khu vực và thế giới. Tiên phong của đoàn này, không ai khác là anh Lê Trường Tùng – người của hành trình chinh phục những đỉnh cao.

Năm 2016, anh đã chia sẻ giấc mơ chinh phục độ cao 4.095,2m của đỉnh Low’s Peak núi Kinabalu (Maylaysia) – một trong ba ngọn núi trên đảo cao nhất thế giới. Ngày 17/12/2022, giấc mơ thành hiện thực khi anh cùng đoàn gồm chị Nguyễn Kim Ánh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT), anh Trần Ngọc Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT), anh Vũ Chí Thành (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic), anh Phan Trường Lâm (Trưởng Ban đào tạo Trường ĐH FPT Hà Nội), chị Vũ Thu Chinh (Giám đốc TT Tuyển sinh trực tuyến Trường ĐH FPT), chị Đỗ Thị Minh Thuỷ (Trưởng Ban Đảm bảo chất lượng FPT Edu) chinh phục thành công đỉnh núi này.

“Leo chính thức từ độ cao 1.900m, với chiều dài đường lên đỉnh là hơn 8km. Chuyến này không hoàn toàn thuận lợi. Ngày thứ hai, từ 2 giờ sáng đeo ba lô đội đèn trên đầu soi đường leo từ trạm trung gian lên đỉnh, đoạn đầu còn vừa leo vừa ngắm trăng, hơn nửa tiếng sau mưa gió sập tới, ướt lướt thướt trong cái lạnh độ âm. Nhưng cũng may là các nhóm xuất phát sau đó 45 phút bị chặn lại vì thời tiết xấu, không được leo tiếp lên đỉnh. Khúc cuối cao khoảng 900m, đường leo khoảng 2,5km, leo hơn 3 tiếng. Đoạn cuối giữ nguyên tình trạng nguyên thủy của Kinabalu, núi đá trơ trụi, không bậc thang, chỉ có dây chăng sẵn để trợ giúp và chỉ đường. Leo xuống còn khổ hơn leo lên”, anh Lê Trường Tùng chia sẻ trên trang cá nhân.

“Lần sau thì có cho tiền cũng không leo lại đỉnh này lần nữa”, anh Tùng nói. Đúng thật, lần sau, người FPT Edu thấy anh… leo đỉnh khác, thách thức hơn.

Đường đến đỉnh vinh quang

“Diện tích Việt Nam, 3/4 là đồi núi” được học trong sách giáo khoa thời phổ thông có lẽ là “lời giải” cho những thắc mắc thuở thiếu thời: vì sao có truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh; lý do vua Hùng lập nước chọn đóng đô ở vùng trung du Việt Trì, Phú Thọ; vì sao ông bà ta rủ nhau “trèo lên trái núi Thiên Thai”, có nhiều thơ ca, hò vè, vần điệu lấy cảm hứng từ núi non.

Sống ở một đất nước đa phần diện tích là đồi núi, người Việt từ ngàn xưa đã học cách chinh phục những ngọn núi để có chỗ dựng nhà lập ấp, có đất đai trồng trọt chăn nuôi, lấy thảo dược, tận dụng tài nguyên tự nhiên để làm phong phú thêm đời sống của mình. Trong những năm tháng chiến tranh, dân tộc ta cũng chọn vượt núi băng đèo, chọn “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để mang về “độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Không ngừng nỗ lực chinh phục những đỉnh cao có lẽ đã trở thành genthấm sâu vào tâm tưởng, hành động của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Bước vào công cuộc đổi mới, những năm 80-90, FPT thành lập rồi bước chân vào lĩnh vực giáo dục với những con người mở cõi như anh Lê Trường Tùng, anh Nguyễn Khắc Thành… Các anh đều là thế hệ thanh niên sinh ra và trưởng thành trong chiến tranh, có lẽ hơn ai hết cảm nhận sâu sắc những gian khó và vinh quang của những hành trình chinh phục các đỉnh núi khi ấy. Và các anh chọn bước tiếp con đường nhiều thế hệ đã chọn: đặt ra những đỉnh cao trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới giáo dục đào tạo và bền bỉ vượt qua giới hạn để chinh phục.

Những “đỉnh núi” của FPT Edu từ ngày đầu thành lập năm 1999 gắn với tinh thần “Làm khác để làm tốt” khi khai phá những thị trường mới với sứ mệnh và triết lý giáo dục mới để không chỉ vượt qua “ngọn núi” của người đi trước mà còn tự tạo nên những “độ cao” cho riêng mình.

Đó là lần đầu tiên đưa mô hình “đào tạo lập trình viên quốc tế” với FPT Aptech về Việt Nam, “hot hit” thời đại đó đến nỗi BBC phải dành một tin với dòng tít đỏ nổi bật trên trang để nói về việc này. Tiếp đến, “xé rào đòi tự chủ” với trường đại học sinh ra trong lòng doanh nghiệp đầu tiên xin tự chủ tuyển sinh, mạnh dạn thành lập cao đẳng thực hành FPoly với triết lý “thực học – thực nghiệp” hay THPT FPT mô hình nội trú để học sinh “tự lập trưởng thành”.

Thời điểm hiện tại, với 5 định hướng chiến lược: Trường học tử tế, Hệ thống rộng khắp, Trải nghiệm vượt trội, Học phí hợp lý, Thầy trò hạnh phúc, FPT Edu tiếp tục có những “đỉnh cao” muốn chinh phục.

Những hành trình trekking như một sự “thực thể hoá” cho mong muốn chinh phục, cho cá tính “thích làm việc khó”, “làm khác để làm tốt” của người FPT Edu. Trên những cung đường càng gian nan, càng dài, những Nhà giáo áo cam càng dễ dàng rèn luyện năng lực vượt qua giới hạn của bản thân, của đồng đội và tinh thần tương trợ, nỗ lực tập thể.

“Leo Fansipang năm 2014, mình bị chấn thương lúc xuống núi. May mắn có đồng đội hỗ trợ, đồng hành cùng mình suốt quãng đường giữa rừng sâu. Cảm giác tự hào khi cùng động đội lên đỉnh và về đích”, anh Nguyễn Nhựt Tân (Giám đốc Greenwich Việt Nam) chia sẻ kỷ niệm.

“Cứ nghĩ hàng ngày làm việc, đi lại nhiều thì sẽ dễ dàng leo núi nhưng không ngờ độ dốc ở Yên Tử khiến mình chùn chân, nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng nhờ đồng đội động viên tinh thần, có khi còn dìu nhau đi mà mình đã hoàn thành chặng đường cả lên và xuống núi”, chị Nguyễn Thị Huế (CB Tạp vụ, phòng Hành chính, Trường ĐH FPT phân hiệu Đà Nẵng) kể lại hành trình đáng nhớ năm 2022. Suốt hơn 10 năm gắn bó với FPT Edu, với chị, đây có thể coi là cảm nhận sâu sắc nhất về tình đồng đội, từ những đồng nghiệp toàn quốc, có khi mới lần đầu gặp gỡ mà leo núi về như đã thân từ lâu.

Anh Trần Ngọc Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT) chia sẻ: “Ở FPT Edu, giá trị lớn nhất của leo núi không phải là chinh phục mà là ‘vượt qua chính mình’. Còn với nhiều Nhà giáo áo cam, mỗi hành trình trekking đều là chuyến đi giữa những xanh tươi núi rừng, và ấm hồng tình cảm đồng nghiệp, đồng đội.

Có lẽ cùng vì thế mà người FPT Edu thích chạy bộ, chơi bóng đá, bóng sọt cũng siêu; nhưng hễ nhắc tới “chinh phục” là nghĩ ngay: leo núi.

Không chỉ là hàng chục ngọn núi các Nhà giáo áo cam chinh phục thành công suốt nhiều năm qua mà còn là những “đỉnh cao” trong xây dựng, vận hành trường học tử tế với trải nghiệm vượt trội, học phí hợp lí trên mọi miền đất nước để đâu đâu cũng có tri thức và nụ cười lan tỏa trong những thầy cô, học sinh hạnh phúc của FPT Edu.

Năm 2024, Tổ chức Giáo dục FPT tròn 25 tuổi. Dịp này, Nhà giáo áo cam cả nước đang háo hức đón sinh nhật bằng hành trình chưa từng có tiền lệ, cũng không có giới hạn nào cho khát khao đam mê được đi, được chinh phục: chương trình leo núi 25 năm FPT Edu với 25 đỉnh ở trong và ngoài nước, kéo dài từ nay đến hết tháng 11/2024. Trong đó, có những hành trình vừa nghe qua đã khiến những bước chân người đi chinh phục vừa muốn đắm say vừa muốn thử thách bản thân ở mức độ cao nhất cả về thể chất và tinh thần như chinh phục Everest Base Camp – một trong những chặng trekking khó khăn nhưng quyến rũ nhất hành tinh với các nhà leo núi.

Chinh phục những đỉnh núi, người FPT Edu cùng hun đúc thêm niềm tin, quyết tâm: “Vượt qua giới hạn – Phát triển bền vững” bằng những ước mơ từ ngày đi mở cõi và tinh thần nhiệt huyết suốt 25 năm làm giáo dục.

Ngọc Trâm

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

 

550

Nhân vật