Những HSSV FPT Edu học và làm cực siêu mà chơi nhạc cụ truyền thống cũng cực "đỉnh"
Không chỉ học giỏi, giàu trải nghiệm mà những học sinh, sinh viên FPT Edu này còn yêu thích và có khả năng chơi tốt các loại nhạc cụ truyền thống.
Chàng sinh viên IT mê sáo trúc
Đặng Lê Minh Quang (sinh viên K16, chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT TP. HCM) vào trường với học bổng 100%. Quang cho biết, động lực để cậu nỗ lực học tập, thi giành học bổng là vì ấn tượng với chương trình đào tạo có bộ môn nhạc cụ dân tộc của nhà trường, trong đó có sáo trúc. Thực tế, Minh Quang đã tự học sáo trúc từ trước khi trở thành sinh viên của FPT Edu và đó là một trong những sở thích, đam mê của anh chàng. Nhưng được tiếp tục theo đuổi bộ môn ấy khi trở thành sinh viên đại học sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác, Minh Quang sẽ được học bài bản với sự hướng dẫn của những giảng viên chuyên nghiệp và có trình độ chuyên môn.
Minh Quang ấn tượng với chương trình đào tạo của ĐH FPT khi Trường đưa nhạc cụ truyền thống vào giảng dạy cho sinh viên
Tất nhiên, trong quá trình học tập tại trường, đã từng có thời gian cậu bạn quên bẵng đi niềm yêu thích đối với sáo trúc bởi vì lịch học dày đặc, và chưa có cơ hội tham gia các hoạt động dành cho những người yêu thích bộ môn này. Nhưng cho đến cuối năm nhất và đầu năm hai, cậu bạn lại thực sự được sống với niềm đam mê của mình khi trở thành thành viên của CLB FPT Traditional Instruments, được tham gia nhiều cuộc thi nhạc cụ dân tộc do chính nhà trường tổ chức. Từ sự khởi đầu đó, Minh Quang dần được luyện tập nhiều hơn, học hỏi nhiều kinh nghiệm hơn từ thầy cô và anh chị đi trước.
Đối với Minh Quang, nhạc cụ truyền thống đem đến cho cậu bạn nhiều thứ hơn là âm nhạc. Tình yêu đối với nhạc cụ truyền thống đã giúp Quang kết nối được với những người bạn chung sở thích, giúp cậu bạn có được những năm tháng Đại học đáng nhớ, được học những loại nhạc cụ mà bản thân chưa từng dám thử và được tham gia những sự kiện lớn mà cậu bạn chưa từng dám mơ. Chính bởi vậy, nhạc cụ truyền thống chính là nhân tố thay đổi bản thân Quang rất nhiều, giúp cậu bạn yêu đời và dám sống vì đam mê nhiều hơn.
Đam mê nhạc cụ truyền thống là thế nhưng Quang cho biết, cậu bạn vẫn luôn có trách nhiệm với việc học của mình. Một phần vì cậu bạn không quên lý do ban đầu mà Quang vào ĐH FPT, một phần vì cậu bạn cảm thấy phải có trách nhiệm với học bổng mà trường trao. Do vậy, Quang đã là sinh viên giỏi 3 học kỳ liên tiếp, tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ ôn thi học bổng của ĐH FPT và nhiều hoạt động phong trào khác ở trường.
Thời gian này, biết tin ĐH FPT mở đăng ký cuộc thi FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, Quang cũng không ngần ngại mà đăng ký. Cậu bạn đã bắt đầu luyện tập bài nhạc độc tấu của mình cũng như đã lập đội cho phần thi hòa tấu. Minh Quang chia sẻ: "Mình mong chờ sẽ được chứng kiến những màn biểu diễn xuất sắc, được mở mang tầm mắt và cũng mong có thể lưu lại những kỷ niệm đẹp thời sinh viên ở cuộc thi này".
Yêu nhạc cụ truyền thống từ một tiếng đàn tỳ bà
Quách Dương (sinh viên K14, chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, ĐH FPT Hà Nội) khiêm tốn chia sẻ, bản thân không học giỏi nhưng sớm có trải nghiệm làm việc và có thu nhập từ công việc đó. Đặc biệt hơn, dù bận rộn với công việc, dự án của bản thân nhưng Quách Dương vẫn dành được thời gian cho thú vui chơi nhạc cụ truyền thống.
Chia sẻ về sở thích có phần khác lạ so với đa số người trẻ này, Dương cho biết: "Ban đầu mình cũng như các bạn sính viên khác thôi, chỉ chăm chăm chọn học đàn nào cho dễ… qua môn, chứ không có ý định sẽ chơi đàn lâu dài. Thế mà trong ngày đầu tiên đi học, mình đã thực sự bất ngờ và bị thu hút bởi tiếng đàn tỳ bà đấy. Mình còn nhớ tiếng đàn khiến mình ấn tượng đó là của cô Thùy Chi, với một nhạc phẩm dân ca".
Và chính từ khoảnh khắc đó, tình yêu nhạc cụ dân tộc của Dương đã chớm nở. Cậu bạn bắt đầu lao vào tập đàn. Có khi cả ngày ngồi ôm đàn cũng được, có mặt trên phòng nhạc 24/7 luôn cũng được. Miễn là có thời gian thì Dương sẽ tập đàn. Khoảng thời gian đó cũng trở thành kỉ niệm đẹp của cậu bạn khi có nhiều cơ hội được trao đổi với các thầy cô âm nhạc, đặc biệt là cô Nguyễn Thùy Chi (GV Nhạc cụ truyền thống, FPTU Hà Nội), và quãng thời gian đáng nhớ với CLB nhạc cụ truyền thống FTIC của ĐH FPT.
Quách Dương yêu thích âm nhạc truyền thống từ một ấn tượng với tiếng đàn của cô giáo Thùy Chi
Hiện tại, dù khá bận rộn với công việc, nhưng Dương vẫn dành ra 30 – 60 phút hàng ngày để luyện tập. Đồng thời cậu bạn cũng ngay lập tức đăng ký dự thi khi nhận tin FPT Edu Tích Tịch Tình Tang mở đăng ký mùa đầu tiên.
"Mình không mong chờ điều gì ngoài việc một lần nữa thể hiệnhết mình trên sân khấu của trường Đại học FPT trước khi ra trường. Mình cũng mong muốn qua có thể truyền tải thông điệp về nét đẹp của nhạc cụ truyền thống, để ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm hiểu, học tập và phát triển vẻ đẹp đó", Dương chia sẻ.
Bên cạnh đó, Dương cũng chia sẻ câu chuyện vui bên lề cuộc thi: "Mình đang đi làm mà nghe cô Chi (cô Nguyễn Thùy Chi, GV âm nhạc FPTU Hà Nội – PV) nhắn tin có cuộc thi FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, rồi hối tập luyện nên mình phải mang cả đàn lên công ty để chơi luôn đó. Càng gần ngày thi, mình càng hồi hộp, buồn vui lẫn lộn. Vui là vì công sức tập luyện chăm chỉ cũng như công sức dạy học ân cần của các cô cuối cùng cũng có sân khấu để thể hiện. Nhưng cũng buồn lắm chứ vì có lẽ đây sẽ là cuộc thi âm nhạc cuối cùng mà mình được tham gia. Sau sự kiện này, mình sẽ tập trung làm đồ án tốt nghiệp, rồi ra trường nên khó có cơ hội được chơi đàn cùng các cô và các bạn CLB FTIC nữa".
Bên cạnh Minh Quang và Quách Dương, nhiều học sinh, sinh viên FPT Edu cũng đã và đang ấp ủ đam mê với nhạc cụ truyền thống. Và cuộc thi FPT Edu Tích Tịch Tình Tang chính là cơ hội để các bạn thể hiện niềm đam mê đó.
Hiện tại, cuộc thi vẫn đang nhận đăng ký ngay tại đây.
Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn